10/06/2020 18:29 GMT+7

Bổ sung 3.500 tỉ cho Agribank: Liệu '1 vốn 4 lời' hay tạo tiền lệ đòi tăng vốn?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Việc tăng vốn điều lệ cho Agribank được đánh giá mang lại hiệu quả đầu tư '1 vốn 4 lời', song nhiều đại biểu băn khoăn việc dùng ngân sách trong bối cảnh dịch bệnh thu ngân sách gặp khó khăn và có thể tạo tiền lệ cho các ngân hàng khác.

Bổ sung 3.500 tỉ cho Agribank: Liệu 1 vốn 4 lời hay tạo tiền lệ đòi tăng vốn? - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần phát triển hệ thống tín dụng tại nông thôn để ngăn chặn tín dụng đen - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 10-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) theo đề nghị của Chính phủ bổ sung thêm 3.500 tỉ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019

Bày tỏ sự ủng hộ tăng vốn điều lệ cho Agribank, đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cho rằng đây là ngân hàng thương mại nhà nước nắm 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ chính trị và chính sách tín dụng liên quan nông nghiệp, nông thôn.

Do đó, ông tin rằng việc bổ sung vốn cho Agribank là đầu tư hiệu quả "1 vốn 4 lời", giúp tăng thu nộp ngân sách 900 - 1.000 tỉ đồng, lợi nhuận để lại 1.000 - 2.000 tỉ đồng.

Có thể 1 vốn 4 lời, nhưng ngân sách khó

Tuy nhiên, ông Hạ băn khoăn việc tăng vốn điều lệ bằng nguồn tăng thu, tiết kiệm ngân sách cần phải tính, vì trong bối cảnh COVID-19 kéo dài gây khó khăn cho nền kinh tế, khi GDP dự kiến đạt 4,5% và thu ngân sách giảm 158.000 - 163.000 tỉ đồng.

"Ngân sách đang khó khăn thế mà dùng nguồn tiết kiệm để bổ sung cho Agribank thì có hợp lý không và tăng vào thởi điểm này có phù hợp?" - ông Hạ đặt câu hỏi và khuyến nghị có thể giảm sở hữu vốn từ 100% xuống còn 70 - 80% và cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm để đảm bảo an toàn cân đối thu chi ngân sách 2020.

Cùng quan điểm, đại biểu tỉnh Bến Tre Đặng Thuần Phong - phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội - cho rằng việc lo vốn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn "ai cũng muốn, nhất là trong giai đoạn thiên tai, dịch bệnh hiện nay". Tuy nhiên ông lo ngại việc này sẽ tạo tiền lệ sau này.

Hiện trong số 4 ngân hàng thương mại cổ phần Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank, chỉ duy nhất Agribank "xin" cấp vốn từ Nhà nước.

"Tình hình dịch bệnh, ngân sách hụt thu và nhiều lĩnh vực đều thiếu tiền. Bây giờ xem việc tăng vốn cho Agribank là khẩn cấp, trong khi còn nhiều cái khác khẩn cấp, bức xúc hơn. Tôi rất lo lắng chuyện đó", ông Phong nói.

Chưa kể, nếu "các ngân hàng khác họ đặt vấn đề cũng muốn tăng vốn như vậy thì có được không?". Vì vậy, theo ông Phong, cần có giải trình rõ hơn để "đại biểu khi bấm nút thông qua nghị quyết an tâm, không băn khoăn về việc phá lệ này".

Tại sao phải tăng thêm 3.500 tỉ đồng?

Đồng tình dùng khoản tăng thu tiết kiệm chi năm 2019 bổ sung vốn cho Agribank, tuy nhiên đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) lưu ý khi phát triển mạng lưới chi nhánh phải ưu tiên lĩnh vực nông thôn, hạn chế bớt chi nhánh ở đô thị, tăng cường các hoạt động ngân hàng di động ở các địa bàn này.

Tiếp thu, giải trình các ý kiến trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho rằng mặc dù có chủ trương không dùng ngân sách nhà nước, nhưng với ngân hàng thương mại có vốn nhà nước như Agribank Nhà nước sở hữu 100% vốn, tiến trình cổ phần hóa khó khăn, nên cần thiết phải có nguồn vốn nhà nước để tăng.

Lý giải thêm về việc tại sao phải tăng 3.500 tỉ đồng, thống đốc cho biết khả năng phát hành thêm vốn rất hạn chế, trong khi việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành khó khăn. Trong bối cảnh dịch bệnh, Agribank dự kiến phải dành 100.000 tỉ để hỗ trợ sản xuất cho cái khu vực nông nghiệp, nông thôn bị ảnh hưởng, nên cần tăng vốn.

Với điều kiện như vậy, trong mức tăng trưởng tín dụng của Agribank đánh giá tối thiểu khoảng 11% và khi đó thì tỉ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Nông nghiệp chỉ đạt 7,9, không đạt mức tối thiểu.

"Dự kiến lợi nhuận sau thuế nộp ngân sách nhà nước của Ngân hàng Nông nghiệp trong năm 2020 là khoảng 3500 tỉ. Vì vậy có thể dùng nguồn tiết kiệm thu của năm 2019 mà không ảnh hưởng quá lớn đến cân đối ngân sách. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 dự kiến xấp xỉ 10.000 tỉ và nộp ngân sách khoảng 3.500 tỉ. Đấy là lý do tại sao chúng tôi cũng kiến nghị" - ông Hưng cho hay.

Ông Hưng cũng nhấn mạnh tới đây khi cơ cấu lại cũng như tăng cường các hoạt động của ngân hàng sẽ ưu tiên mở rộng mạng lưới, phối hợp với các bộ, ngành để gắn kết hoạt động cung ứng tín dụng của hệ thống ngân hàng.

Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tới năm 2025

Cũng trong chiều nay, với 95,24% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp tới năm 2025.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-1-2021.

Giai đoạn 2003-2010, số thuế miễn giảm thuế bình quân mỗi năm gần 3.270 tỉ đồng. Trong 5 năm tiếp theo, số thuế bình quân được miễn tăng gần gấp đôi lên 6.300 tỉ đồng.

Gần nhất là giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm nay, số thuế được miễn giảm mỗi năm khoảng 7.440 tỉ đồng.

Cổ phần hóa Vinalines, Nhà nước vẫn nắm 65% vốn điều lệ Cổ phần hóa Vinalines, Nhà nước vẫn nắm 65% vốn điều lệ

TTO - Theo phương án cổ phần hóa công ty mẹ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - Vinalines, vừa được Thủ tướng phê duyệt, Nhà nước sẽ nắm 65% vốn điều lệ của Vinalines, bán cho nhà đầu tư chiến lược 14,8%.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp