10/09/2011 02:00 GMT+7

Bộ sử "rặt" chất miền Tây

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Sáng nay (10-9), Giải thưởng sử học Trần Văn Giàu lần VI sẽ được Ủy ban giải thưởng trao tặng cho tác phẩm Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến.

cJb0DRYO.jpgPhóng to
NAg10JZi.jpg
Bà Bảy Vân và ông Năm Bình - hai thành viên còn lại của ban biên soạn bộ sử Lịch sử Tây Nam bộ kháng chiến - Ảnh: Tự Trung

Bộ sử đã được các tác giả là những cán bộ trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ tại các tỉnh miền Tây Nam bộ bắt tay vào biên soạn từ năm 1987. Trải qua ba lần viết đi soạn lại, bộ sử gồm ba tập, hơn 1.500 trang đã được NXB Chính Trị Quốc Gia xuất bản tháng 4-2010.

Nhà nghiên cứu Tô Bửu Giám:

Công trình xét về nội dung đã thể hiện cùng các tài liệu, tư liệu từ hai phía, tài liệu tham khảo, lưu trữ, biên niên số liệu được sưu tập rất công phu, đạt loại xuất sắc. Tuy nhiên còn một số nhược điểm về bố cục, cấu trúc, đặc biệt phần kết luận viết chưa đạt...

Trung thực với sự kiện

Trong số các thành viên của ban chỉ đạo, ban biên tập và cộng tác viên lúc đầu, chỉ còn lại hai người là bà Nguyễn Thị Vân (Bảy Vân, 86 tuổi, phu nhân cố Tổng bí thư Lê Duẩn) và ông Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình, 89 tuổi). Khi nhận được những góp ý về các sơ suất, thiếu sót của bộ sử, ông Năm Bình nói: “Tụi tui quả chưa biết làm sử, các thầy góp ý tui thấy đúng quá chừng. Tụi tui sẽ viết lại các đoạn đó, xin thêm hai năm nữa...”.

Rất nhiều câu chuyện được ghi lại từ những người trong cuộc, rất nhiều trích đoạn hồi ký làm cho lịch sử cứ tươi rói lên như mới ngày hôm qua.

Bà Bảy Vân giải thích sự lựa chọn ấy: “Ở Tây Nam bộ, người hoạt động cách mạng không được núi che chắn, rừng bao bọc, không có đất cứng để đào địa đạo mà bảo vệ mình. Miền Tây sông nước trống trải, chỉ có thể dựa vào rừng người. Nên chúng tôi viết sử là viết về chính người nông dân miền Tây”.

Ông Năm Bình, một người miền Tây “rặt”, bộc bạch: “Tôi đọc Sử ký Tư Mã Thiên thấy bao nhiêu câu chuyện hấp dẫn, bao nhiêu tình cảm hỉ nộ ái ố được thể hiện sinh động như phim. Nên tôi viết theo thể ký như thế, trung thực với những gì mình chứng kiến, mình cảm nhận. Có vậy bọn nhỏ nó mới đọc...”.

Cuộc sống của người dân miền Tây cực khổ, thiếu thốn thời thực dân Pháp, chui lủi, uất ức trong các “làng rừng” thời kỳ sau hiệp định Genève, không khí đấu tranh sôi nổi, hào hứng sau nghị quyết 15 tháng 10-1959... được thể hiện trong những trang sử sinh động, phong phú, nhiều góc cạnh. Những sáng tạo của người dân miền Tây trong tham gia kháng chiến được miêu tả tỉ mỉ, minh họa bằng hình ảnh như hầm lu, bom ong vò vẽ, chông vỏ cau...

Những câu chuyện người thật việc thật được ghi lại không câu nệ, không phân biệt người kể là cán bộ đang lãnh đạo hay bà má đang nhai trầu, lại có cả những suy nghĩ hồn nhiên, ấm ức của các chiến sĩ khi bị buộc phải dứt bỏ cái ghe, con kênh xuống tàu đi tập kết... “Đúng là sử miền Tây do người miền Tây viết” là nhận định chung của hội đồng thẩm định Giải thưởng Trần Văn Giàu với bộ sử độc đáo này.

Thăng trầm trang giấy

Nói vậy nhưng không phải bộ sử viết một cách hồn nhiên nhớ gì kể đó. “Ấy là năm 1987”, ông Năm Bình nhắc, ông Vũ Đình Liệu (Tư Bình, nguyên bí thư khu ủy khu Tây Nam bộ) tổ chức họp mặt với các cán bộ đã từng lăn lộn ở các chiến khu miền Tây: “Tất cả đều đã “gần đất xa trời” rồi, chúng ta phải mau tiến hành ghi lại công lao của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến để đền đáp một phần những hi sinh to lớn, không thì không kịp nữa”.

Thế là hình thành tổ chức biên soạn: ban chỉ đạo 10 người, ban biên tập sáu người, cộng tác viên 16 người và một số ban ngành khác giúp sưu tầm tài liệu. Những câu chuyện của người trong cuộc được viết lại. Những chuyến công tác quay lại địa phương, chiến trường xưa xác minh, tái hiện chuyện cũ. Những cuộc họp, thảo luận... Cứ thế tới 13 năm. Năm 2000, tập sách Tây Nam bộ kháng chiến dày hơn 900 trang được NXB Chính Trị Quốc Gia ấn hành.

Tưởng đã là công núi, nhất là khi chi phí cho công trình hoàn toàn là những đồng lương hưu của các tác giả, bản thảo hoàn toàn là những bản viết tay run run tuổi già. Vậy mà chưa phải.

“Mấy anh bên Viện Sử học đề nghị chúng tôi biên soạn lại theo phong cách viết sử truyền thống để thống nhất trong cả nước. Và thế là... làm lại” - bà Bảy Vân kể, giọng nhẹ như không. Lại thêm những núi công sức nữa được đổ ra để bổ sung tài liệu về địa lý, phong thổ, tư liệu chiến tranh phía Pháp, phía Mỹ, Sài Gòn.

Toàn bộ bản thảo cũ phải rã ra làm lại, lược bỏ những dấu ấn cá nhân, những câu chuyện riêng biệt chưa điển hình và các tác giả lại học lại từ đầu cách viết sử “đi từ gốc đến ngọn”. Công việc đang tiến hành thì năm 2005 ông Vũ Đình Liệu, trưởng ban, qua đời, sau đó các ông Mười Dài (Trần Văn Long), Tư Sa (Nguyễn Văn Sa) cũng lần lượt ra đi. Ban biên tập chỉ còn vài người, công việc sa vào trì trệ, hụt hẫng.

“Rồi anh Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) xốc chúng tôi lên”, bà Bảy Vân kể. Không chỉ động viên, ông Sáu Dân còn đề nghị giáo sư Đặng Phong từ Hà Nội vào giúp ban biên soạn về chuyên môn. “Ấy thế rồi anh Sáu ra đi trước, không được thấy tập cuối”, giọng của bà Bảy Vân pha chút ngậm ngùi. Công việc biên soạn tập cuối cùng đã được giáo sư Đặng Phong hoàn tất vội vã bên giường bệnh. Ông mất chỉ bốn tháng sau khi bộ sử được in.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp