Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sắp tới sẽ bị loại bỏ
Theo phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công an vừa được chính phủ thông qua tại Nghị quyết 112, ngoài việc bỏ sổ hộ khẩu thì hình thức quản lý dân cư bằng "sổ tạm trú" cũng được bãi bỏ.
Theo đó, thay vì cấp sổ tạm trú cho người dân như hiện nay, công an cấp xã chỉ việc cập nhật thông tin về nơi tạm trú của người dân trên Cở sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện chính phủ đã giao Bộ Công an tiến hành các công việc cần thiết để sớm bãi bỏ sổ hộ khẩu theo nghị quyết của chính phủ.
Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính trong quản lý dân cư, không chỉ thuận tiện cho các cơ quan nhà nước trong công tác quản lý mà trước mắt sẽ giải tỏa được gánh nặng thủ tục và "khỏe hơn" cho người dân, nhất là những người sống tạm trú.
Một cán bộ công an khẳng định với Tuổi Trẻ Online: "Bỏ sổ hộ khẩu sẽ không có cái… hậu khổ, mọi người đừng lo!".
Nộp 8 loại giấy tờ để "xin tạm trú"
Theo quy định hiện hành, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập ở nơi mình không đăng ký thường trú (hoặc không đủ điều kiện đăng ký thường trú) thì trong vòng 30 ngày phải làm thủ tục đăng ký tạm trú.
Chỉ riêng ở TP.HCM và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai và Long An, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và trường đại học, số người thuộc diện phải đăng ký tạm trú lên đến hàng triệu người.
Điều 30 Luật Cư trú năm 2013 quy định người đăng ký tạm trú ngoài việc xuất trình giấy chứng minh nhân dân (CMND) còn phải nộp đủ 3 loại giấy tờ gồm: bản khai nhân khẩu (mẫu HK01), phiếu báo thay đổi nhân khẩu - hộ khẩu (mẫu HK02) và giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.
Trường hợp chỗ ở là thuê, mượn, ở nhờ thì khi đăng ký tạm trú phải có xác nhận đồng ý của chủ nhà, chủ hộ trên phiếu báo thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu.
Quy định là vậy, nhưng thực tế có người khi đăng ký tạm trú bị yêu cầu phải nộp đến 8 loại giấy tờ.
Đó là trường hợp của vợ chồng anh Đ.M.C, quê ở Đồng Nai và thuê nhà chung cư ở một phường trên địa bàn quận 2, TP.HCM.
Cán bộ công an tiếp nhận hồ sơ yêu cầu anh phải nộp đủ 8 loại giấy tờ gồm: bản sao CMND, bản sao hộ khẩu, bản sao chứng nhận đăng ký kết hôn, bản sao hợp đồng thuê nhà, bản sao biên bản bàn giao căn hộ, bản sao hợp đồng mua bán căn hộ, tờ khai lý lịch, tờ khai thay đổi nhân khẩu.
Anh anh Đ.M.C kể tổng số giấy tờ mà anh nộp gần 200 trang khổ A4 bởi riêng bản sao hợp đồng mua bán căn hộ mà chủ nhà đưa cho đã hơn trăm trang!
Anh Đ.M.C cho biết 'nhảm nhí' nhất là biên bản bàn giao căn hộ không liên quan gì đến chuyện tạm trú của anh mà vẫn bắt buộc phải đưa vào hồ sơ.
"Cái biên bản này cũng dày cộp vì liệt kê đủ thứ tài sản, vật dụng trong đó. Không hiểu công an cần thứ biên bản này để chứng minh gì, trong khi đáng ra chỉ cần chủ căn hộ xác nhận đồng ý và ban quản lý chung cư xác nhận người chủ là đủ" - anh Đ.M.C. nói.
Sẽ không còn chạy xin xác nhận
Hiện phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công an mới vừa được chính phủ thông qua và Bộ chưa triển khai thực hiện nên chưa có cơ sở khẳng định sắp tới người dân có còn phải nộp các loại giấy tờ như hiện hành khi đăng ký tạm trú hay không.
Nhưng có một điều chắc chắn là khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thiện và đưa vào vận hành thì những người đang sống tạm trú không còn phải về quê để xin giấy tờ xác nhận những thông tin về nhân thân của mình nữa.
Theo Luật Căn cước công dân, số thẻ căn cước cũng đồng thời là số định danh cá nhân nên khi người dân xuất trình thẻ căn cước thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Theo anh Lê Văn Thanh, 31 tuổi, quê Cà Mau, tạm trú và làm công nhân ở quận Bình Tân (TP.THCM), chính phủ đã quyết định bỏ sổ hộ khẩu, giấy chứng minh và các thủ tục liên quan thì các bộ ngành chức năng cần triển khai thực hiện càng sớm, càng tốt để bớt khổ cho người dân.
Không chỉ tui mà rất nhiều người từ tỉnh lên thành phố làm việc từ lâu đã "kêu trời" về mấy cái thủ tục liên quan tới hộ khẩu này
Anh Lê Văn Thanh, công nhân tạm trú tại TP.HCM
"Mỗi lần chuyển công ty là mỗi lần làm hồ sơ mới và đều phải khăn gói về quê xin chứng giấy tờ, nhanh thì mất một tuần, chậm thì cả tháng. Mất CMND cũng phải về quê xin cấp lại, làm lại được giấy tờ quay lên thì mất việc, cứ luẩn quẩn lòng vòng mà chẳng biết kêu ai" - anh Thanh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận