01/06/2021 14:41 GMT+7

'Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi Luật quảng cáo'

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình tổng kết việc thực hiện Luật quảng cáo, để sửa đổi các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí trong luật này.

Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp thu, sửa đổi Luật quảng cáo - Ảnh 1.

Hàng dỏm, hàng giả quá dễ quảng cáo trên YouTube - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Trịnh Thị Thủy sáng nay 1-6, liên quan tới một số quy định bất cập trong nghị định 38 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo có hiệu lực từ hôm nay.

Về phản ảnh của báo chí gần đây về việc nghị định 38 có những quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp quảng cáo là quy định xử phạt từ 10-15 triệu đồng với hai hành vi: không thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo không ở vùng cố định, hoặc thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo thời gian lớn hơn 1,5 giây; và thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung, bà Thủy giải thích quy định này không thay đổi so với quy định trong nghị định 158 ra đời từ năm 2013 mà nghị định 38 thay thế từ 1-6-2021.

Và cả hai quy định này đều phù hợp với quy định của Luật quảng cáo năm 2012 và Luật xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, khoản 1, điều 23, Luật quảng cáo có hiệu lực từ năm 2012 quy định: quảng cáo trên báo điện tử phải tuân theo 2 quy định là không được thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung, và đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế để độc giả có thể chủ động tắt hoặc mở quảng cáo, thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo thời gian tối đa là 1,5 giây.

Theo bà Thủy, quy định này lúc ban hành là phù hợp, với lý do để tránh độc giả phải xem quảng cáo kiểu cưỡng bức, gây ức chế.

Bà Thủy cũng nhấn mạnh đây không phải là quy định mới, đã thực hiện gần 10 năm nay, sẽ không ảnh hưởng tới doanh thu của báo điện tử như lo lắng của các doanh nghiệp.

Tuy vậy, bà Thủy cũng khẳng định trong tình hình hiện nay, trước nhiều ý kiến cho rằng các quy định quảng cáo đối với mạng xã hội, trang thông tin điện tử xuyên biên giới quy định đơn giản và thuận lợi hơn so với báo điện tử, bộ sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông "nghiên cứu, tiếp thu và tổng hợp trong quá trình tổng kết tiến tới sửa đổi, bổ sung các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí tại Luật quảng cáo".

Về lộ trình cụ thể, bà Thủy thông tin thêm, năm 2022, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ tổng kết 10 năm thi hành Luật quảng cáo và các văn bản hướng dẫn nhằm nắm bắt sự thay đổi của hoạt động quảng cáo, phương tiện, phương thức quảng cáo mới để từ đó có những kiến nghị, đề xuất sửa đổi các quy định phù hợp với thực tiễn.

Bà Thủy cũng cho biết các quy định áp dụng đối với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội không giống như trên báo chí, nhưng vẫn phải đảm bảo sự trung thực, chính xác của thông tin, bảo vệ quyền lợi cho người tiếp nhận, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội theo quy định của Luật quảng cáo, chứ không phải là hoàn toàn không bị điều chỉnh bởi nghị định 38.

Siết quảng cáo trên báo chí, Google, Facebook Siết quảng cáo trên báo chí, Google, Facebook 'sướng rơn' vì hưởng lợi?

TTO - Các biện pháp quản lý ngày càng siết chặt doanh nghiệp quảng cáo trong nước, trong khi vẫn buông lỏng các nền tảng xuyên biên giới.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp