05/07/2020 22:21 GMT+7

Bộ sách ‘Nhật ký thời chiến Việt Nam’: Nối dài sức sống mãi mãi tuổi 20

HOÀI PHƯƠNG
HOÀI PHƯƠNG

TTO - Ngày 5-7, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM, lần đầu tiên các cựu chiến binh của quỹ Mãi mãi tuổi 20 phối hợp cùng các đơn vị tổ chức buổi gặp mặt các tác giả và nhân chứng lịch sử của bộ sách ‘Nhật ký thời chiến Việt Nam’.

Bộ sách ‘Nhật ký thời chiến Việt Nam’: Nối dài sức sống mãi mãi tuổi 20 - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi giao lưu giới thiệu bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam được xem là một công trình nhân văn của 30 tác giả, do nhà văn - cựu binh Đặng Vương Hưng làm chủ biên.

Bộ sách gồm 4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang do đội ngũ quỹ Mãi mãi tuổi 20 và thành viên CLB Trái tim người lính tổ chức bản thảo, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành. Bộ sách này thực hiện trong 16 năm, từ năm 2004 đến năm 2020.

Nhật ký thời chiến Việt Nam tập hợp 30 tác phẩm của 30 tác giả cùng đứng chung trong một bộ sách.

Trong bộ sách này không chỉ có nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi Nhật ký Đặng Thùy Trâm mà còn có hàng chục cuốn nhật ký đầy máu lửa khác, có thể nhiều bạn đọc chưa biết đến như:

- Nhật ký Gửi lại mai sau của liệt sĩ Công an nhân dân vũ trang Nguyễn Minh Sơn

- Nhật ký chiến tranh của anh hùng, nhà văn, liệt sĩ Chu Cẩm Phong

- Nhật ký chiến trường của liệt sĩ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý

- Nhật ký Vượt Trường Sơn của TS Phạm Quang Nghị

- Nhật ký Bê trọc của nhà văn, TS Phạm Việt Long

- Nhật ký đi B của cố nhà văn Triệu Bôn…

Điều đặc biệt là 2/3 số tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn. Nhiều người đã ngã xuống ngoài chiến trường, hoặc bị thương hoặc vì di chứng chiến tranh, đã mất sau khi trở về.

Bộ sách ‘Nhật ký thời chiến Việt Nam’: Nối dài sức sống mãi mãi tuổi 20 - Ảnh 2.

Ông Trần Mạnh Hùng, cựu binh - nhà văn Đặng Vương Hưng (từ trái sang) giao lưu cùng khán giả - Ảnh: PHƯƠNG NAM

Dịp này, bạn đọc TP.HCM có dịp giao lưu với ông Trần Mạnh Hùng (em ruột của Anh hùng, liệt sĩ nhà văn Chu Cẩm Phong), bà Vũ Thị Lui (người bạn gái năm xưa của liệt sĩ Trần Minh Tiến), cựu chiến binh Nguyễn Minh Vỹ, cựu chiến binh Lê Hồng Liêm, cựu chiến binh - nhà văn Đặng Vương Hưng…

Bà Trần Hồng Dung - phó chủ tịch thường trực quỹ Mãi mãi tuổi 20 - cho biết: "Bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam được thực hiện bằng kinh phí xã hội hóa không vì mục đích kinh doanh, mà chủ yếu là lưu giữ tư liệu quý cho các thế hệ sau.

Thông qua bộ sách này, chúng tôi mong muốn truyền nhiệt quyết, ngọn lửa mãi mãi tuổi 20 sẽ sống mãi trong trái tim của người chiến sĩ và trong lòng của mọi người".

Bộ sách ‘Nhật ký thời chiến Việt Nam’: Nối dài sức sống mãi mãi tuổi 20 - Ảnh 3.

Bà Trần Hồng Dung - phó chủ tịch thường trực quỹ Mãi mãi tuổi 20 (bìa trái) - cảm ơn mạnh thường quân ủng hộ quỹ phát hành sách - Ảnh: PHƯƠNG NAM

"Cũng vì vậy, CLB Trái tim người lính đã và đang gửi tặng miễn phí hàng ngàn bản PDF nội dung của bộ sách này, cho công tác tuyên truyền, nghiên cứu, giảng dạy vì lợi ích cộng đồng. Qua đó lan tỏa văn hóa đọc trong người trẻ", nhà văn - cựu binh Đặng Vương Hưng chia sẻ.

Ông Lê Hồng Liêm, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, phó chủ tịch Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia, nhấn mạnh: "Không chỉ có nhật ký thành văn mà có thể nhật ký qua truyền miệng, qua hình ảnh. Bộ sách này sẽ là hành trang tiếp lửa cho mỗi người chúng ta hôm nay và mai sau".

Còn bà Vũ Thị Lui tâm tình: "Đọc những dòng tâm sự ấy, mọi người sẽ hiểu thêm về những nỗi vất vả, gian truân trong bước hành quân của người lính, về những diễn biến tâm tư tình cảm, về lý tưởng cộng sản, về tình yêu chung thủy nồng nàn của một thế hệ đã sinh ra và lớn lên trong thời chiến, để lớp trẻ bây giờ thấy được thế hệ cha ông của mình đã sống và hành động như thế".

Bộ sách ‘Nhật ký thời chiến Việt Nam’: Nối dài sức sống mãi mãi tuổi 20 - Ảnh 4.

PGS.TS Hà Minh Hồng - nguyên trưởng khoa lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG NAM

PGS.TS Hà Minh Hồng - nguyên trưởng khoa lịch sử, ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM - kỳ vọng: "Chúng tôi mong muốn 4 quyển sách này chỉ là khởi đầu, chúng tôi mong đợi 5 năm nữa, 10 năm nữa, 20 năm nữa… hay kỷ niệm 100 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30-4, sẽ có một bộ sách không phải 4 tập hay 40 tập.

Vì trong số 4 triệu liệt sĩ trong 2 cuộc kháng chiến, nếu tính bình quân mỗi người viết một trang, chúng ta đã có 4 triệu trang. Những người tâm huyết với bộ sách sẽ là người nối dài sức sống tuổi 20, đem đến cả các thế hệ sau nữa. Tôi hi vọng những điều không chỉ là khát vọng mà thành hiện thực".

Có thể nói, ngoài giá trị văn chương, bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam còn được xem như một tài liệu quý giá mà các anh hùng, liệt sĩ, các cựu binh đã để lại cho thế hệ mai sau.

Quỹ Mãi mãi tuổi 20 thành lập vào ngày 16-8-2005, trực thuộc UBND TP Hà Nội. Quỹ này ra đời nhằm tổ chức các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ; tổ chức các chuyến giao lưu, đi về chiến trường xưa; xuất bản tư liệu chiến tranh (thư, nhật ký thời chiến); tặng quà cho con em cựu chiến binh, bộ đội; tổ chức các hoạt động tiếp lửa truyền thống, tiếp bước thế hệ trẻ.

Đến nay, sau 15 năm thành lập, quỹ Mãi mãi tuổi 20 đã có sức lan tỏa rộng khắp trên cả nước.

Một góc cuộc chiến tranh Việt Nam từ những nữ giao liên Một góc cuộc chiến tranh Việt Nam từ những nữ giao liên

TTO - Mỗi chiếc bóp đầm, giỏ đi chợ, xuồng ba lá hay thậm chí là bộ đồ bà ba... tại triển lãm “Nữ chiến sĩ giao liên Miền Nam” đều mang chứa một câu chuyện về mảng khuất còn ít người biết của chiến tranh Việt Nam.

HOÀI PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp