Liệu có bỏ quy hoạch nuôi cá là vấn đề đang tranh cãi. Trong ảnh: nông dân huyện Thanh Bình, Đồng Tháp thu hoạch cá ba sa - Ảnh: Thanh Tùng |
Dự thảo Luật quy hoạch của Bộ Kế hoạch - đầu tư (KH-ĐT) tính “tước” quyền lập quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể như con tôm, con cá, karaoke… đang vấp phải phản ứng của nhiều bộ khác với lý do: không quản lý được.
Bộ KH-ĐT công bố VN có tới 19.285 bản quy hoạch, chỉ riêng kinh phí cho việc làm quy hoạch giai đoạn 2011 - 2020 lên tới gần 8.000 tỉ đồng. Ông Đặng Huy Đông, thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cho rằng các quy hoạch ngành, sản phẩm cụ thể dễ dẫn đến thị trường biết trước quy mô sản phẩm chỉ có bấy nhiêu, ai muốn thêm phải chạy vạy...
Tôi đồng ý chỉ nên quy hoạch một số vấn đề thiết yếu, cơ bản, đặc biệt là sử dụng nguồn lực, quyền lực công, còn lại nên để thị trường làm. Thế giới hơn 7 tỉ người, rất ít người có khả năng nghĩ 20 năm tới cơ bản sẽ như thế nào để quy hoạch trước |
Ông HUỲNH THẾ DU (Chương trình Fulbright) |
Bị phản ứng
Bộ Công thương vừa có văn bản thể hiện rõ nhiều điểm không đồng tình với Bộ KH-ĐT. Cụ thể, theo văn bản do ông Trần Tuấn Anh - thứ trưởng Bộ Công thương - ký đề nghị đã bác bỏ kiến nghị quan trọng nhất của dự luật quy hoạch là bỏ các quy hoạch sản phẩm, ngành.
Lý do: các quy hoạch như thép, cơ khí hay các mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu bia, thuốc lá, phân bón, xăng dầu... “nhất thiết phải lập quy hoạch” mới đảm bảo công tác quản lý nhà nước, định hướng cho nhà đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực của các doanh nghiệp...
Bộ Công thương còn khẳng định dự thảo Luật quy hoạch quy định một số quy hoạch phải trình Chính phủ hoặc hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua có thể làm tăng thủ tục hành chính, kéo dài thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, làm quy hoạch chậm được triển khai thực hiện.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng gửi văn bản bày tỏ thái độ không đồng tình việc phải bỏ, không được lập quy hoạch ngành cụ thể. Theo bộ này, quy định như thế là “không đầy đủ”.
Gay gắt hơn, Bộ Xây dựng gửi văn bản cho rằng dự luật quy định Bộ KH-ĐT là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch trong phạm vi cả nước là... thiếu cơ sở. Trong cuộc hội thảo quốc tế về Luật quy hoạch do Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa tổ chức ngày 24-8, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy tham gia bảy vấn đề, trong đó nêu rõ dự luật của Bộ KH-ĐT vẫn có nhiều ý kiến khác nhau, chưa đồng tình, thống nhất.
Theo ông Duy, cần sự đánh giá khách quan, toàn diện vai trò quy hoạch thời gian qua, đặc biệt là “nếu không có quy hoạch, sẽ không thể có đầu tư nhiều như vừa qua”. Ông Duy nhấn mạnh: “Quy hoạch xây dựng là không thể thiếu, phải làm riêng biệt. Nó làm cơ sở, là công cụ quản lý đầu tư... Các nhà đầu tư vào VN việc đầu tiên họ hay hỏi đã có quy hoạch xây dựng chưa”.
Không nên níu kéo xin cho
Trả lời Tuổi Trẻ về những vấn đề trên, ông Vũ Quang Các - vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, đơn vị trực tiếp soạn thảo Luật quy hoạch - cho biết không bất ngờ, bởi dự luật từ đầu xác định tạo bước đột phá, từ bỏ tư duy quản lý cũ, cho nên không tránh khỏi những ý kiến khác nhau. Ông Các nói ban soạn thảo đã học kinh nghiệm của nhiều quốc gia, soạn luật hoàn toàn không có tính toán đến lợi ích cục bộ của Bộ KH-ĐT.
Về vấn đề cụ thể các bộ lo lắng không có quy hoạch sản phẩm cụ thể thì sẽ không quản được, hậu quả nhãn tiền là nông dân trồng nhiều nông sản, đến lúc phải đổ bỏ, ông Các hỏi ngược lại: “Vậy thời gian qua có quy hoạch, nông dân có phải đổ bỏ nông sản không? Quy hoạch có giúp tiêu thụ hết nông sản cho dân không hay thanh long vẫn phải đổ bỏ cho bò ăn, sữa bò phải đổ bỏ, dưa hấu vẫn thừa ứ ở biên giới?”.
Đối với việc Bộ Công thương cho rằng cần quy hoạch các ngành như thép, cơ khí, bia... để định hướng cho nhà đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực của các doanh nghiệp, theo ông Các, là không thuyết phục. Các doanh nghiệp trước khi đầu tư bao giờ cũng phải tìm hiểu thị trường. Họ sẽ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Các bộ, ngành, với các nhân viên hành chính, không thể chắc chắn hiểu thị trường tốt hơn doanh nghiệp để rồi ấn định trong 5 - 10 năm chỉ nên xây bao nhiêu nhà máy được.
Còn việc phải lập quy hoạch xây dựng hay những quy hoạch ngành, ông Vũ Quang Các nêu thực tế: “Chuyện nay đào đường làm nước, mai đào lên làm đường điện, vừa lấp xong ngày kia lại thấy có anh đến đào làm viễn thông cho thấy quy hoạch tách biệt, ngành nào biết ngành ấy sẽ dẫn đến cực kỳ tốn kém.
Việc các cơ quan phối hợp lập quy hoạch không làm mất đi vai trò quản lý của các cơ quan đó, chỉ đòi hỏi phải có trách nhiệm cao hơn. Lập quy hoạch tích hợp đa ngành sẽ giúp không tập trung quyền lực cho một bộ nào mà tạo dân chủ, minh bạch, tránh dàn trải, không đồng bộ”.
Theo ông Vũ Quang Các, thực tế đã chứng minh các quy hoạch cụ thể như hồ tiêu, cà phê, cao su hiện nay cơ quan nhà nước không điều hành được, thường xuyên bị phá vỡ. Hay các quy hoạch karaoke, thép, nhà máy đường... thường xuyên phải điều chỉnh, vì có doanh nghiệp xin và thường cũng sẽ... cho. Ông Các nhấn mạnh: cần thay đổi tư duy, Nhà nước cần làm tốt việc cung cấp thông tin về thị trường, đưa khuyến cáo.
Chỗ nào cần phát triển thì xây dựng đề án phát triển, lĩnh vực nào cần quản lý thì đưa các tiêu chuẩn, điều kiện để quản lý, thậm chí điều kiện để được làm, như điều kiện chất lượng, hàm lượng, diện tích... Như vậy là công khai, doanh nghiệp biết phải đủ điều kiện gì họ sẽ được làm.
Đặc biệt, ông Vũ Quang Các còn nói nếu không thay đổi, hội nhập quốc tế cũng bắt ta phải thay đổi. VN từng quy hoạch nuôi tôm, xác định diện tích, đưa hỗ trợ, ngay lập tức bị kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sau đó phải mất không ít công sức, bằng mọi cách chứng minh quy hoạch đó không được thực hiện thì mới thoát kiện...
“Thế giới không ai làm quy hoạch quá cụ thể như VN. Chúng ta hội nhập, cần thay đổi tư duy, có cách làm khác, cần hạn chế xin - cho trong quy hoạch” - ông Các nói.
* TS NGUYỄN CHU HỒI (viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản): Cần loại bỏ cái không phải làm quy hoạch Quy hoạch phải đi trước sự phát triển, nhưng ở VN hầu như quy hoạch chậm tiến độ, có quy hoạch giai đoạn 2001 - 2010 thì năm 2007 mới làm xong, chỉ có ba năm thực hiện. Nếu quy hoạch đi sau, tiền làm quy hoạch đã tốn, tiền để giải quyết hậu quả còn tốn hơn. Phải làm rõ sản phẩm của quy hoạch là gì, kết thúc phải là một kế hoạch. Ở ta thường kết thúc bằng một báo cáo rất hoành tráng, nhiều dự án, tiền nong đầu tư được vẽ ra, nhưng ngay trong bộ làm quy hoạch đó họ còn chẳng thèm xem. Cần tái cấu trúc hệ thống quy hoạch, việc đầu tiên phải loại bỏ cái không phải làm quy hoạch. Chính tôi từng phải ký cái quy hoạch đầm nuôi thủy sản. Chỉ có mấy cái đầm nuôi, mấy cái cống cũng ký hợp đồng làm quy hoạch. Nhầm lẫn đến như thế... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận