Thế hệ chúng tôi, những người thuộc thế hệ 8X, mỗi khi Tết đến Xuân về được bố mẹ, ông bà mua cho bộ quần áo mới, được mặc trong dịp Tết đi về nhà ngoại thì vui mừng khôn xiết. Lũ trẻ trong chòm xóm cùng mặc bộ đồ mới, cùng khoe xem bộ áo quần nào đẹp nhất.
Bà tôi sinh được ba người con gái, mẹ tôi là cả, lấy chồng về ở rể. Ruộng vườn nhà tôi nhiều, bà tôi là người của công việc, đặt công việc lên trên tất cả, ngày không ngơi đôi chân, tay.
Bố tôi là người không siêng năng, cần cù trong lao động sản xuất, bởi thế hay bị bà chì chiết. Không chịu được những câu nói ví von, ẩn ý thâm sâu của bà, bố tôi đã bỏ về nhà. Tôi nhớ năm đó tôi đang học lớp 2 trường xã.
Kể từ ngày bố bỏ về quê cho đến lúc qua đời, ông không đặt chân đến nhà tôi thêm lần nào. Tết đến bố cũng không hỏi thăm, gửi tiền cho con. Gánh nặng mười hai năm học của tôi đè nặng trên đôi vai gầy của mẹ.
Mỗi khi Tết đến, mẹ lại lo lắng làm sao có được đôi gà thiến, thịt lợn, quần áo mới cho con. Và bao nhiêu thứ phải mua sắm để có được cái Tết tươm tất nhất có thể. Thế hệ chúng tôi đi học mặc quần áo vá là chuyện rất đỗi bình thường. Có bộ đồ mới để dành mặc trong dịp Tết để đi khoe xóm giềng.
Năm tôi học lớp 9, mấy con gà trống thiến lăn ra chết vì bệnh khi chỉ còn ba phiên chợ nữa là đến Tết. Mẹ nhìn mấy con gà chết mà rơi nước mắt, thịt lợn, bánh kẹo, bánh khảo, đỗ xanh, quần áo mới của con… trông chờ cả vào mấy con gà.
Tết này con sẽ không có quần áo mới rồi con ơi. Tôi không biết có ai mách với bố tôi về việc đàn gà nhà chết, sẽ chẳng mua sắm được nhiều trong dịp Tết không mà ông gửi người quen về cho tôi một bộ quần áo mới trong những ngày cuối năm?
Có được bộ quần áo mới, tôi vui mừng hơn cả nhặt được cục vàng. Tôi trân trọng ôm bộ quần áo mới vào lòng. Mẹ nhìn tôi nâng niu bộ quần áo mới thì nói: Con mở ra mặc thử xem có vừa không?
Bộ đồ rộng một tí còn được, chứ ngắn và chật thì coi như vứt đi thôi con ạ. Nghe lời mẹ tôi mở quần áo ra mặc thử.
Ôi thôi, bộ quần áo vừa chật vừa ngắn tôi không mặc được. Mẹ tức giận giật lấy bộ đồ ném luôn vào lửa. Miệng làu bàu bao nhiêu năm không quan tâm, đoái hoài gì đến con, mua bộ quần áo cũng không biết mua cái vừa, tưởng con mới đang lớp 5, lớp 6 chắc?
Đem cho người khác gì không nên, để lại cũng không đành vì có mặc được đâu. Thôi sang năm mẹ mua cho con hai bộ mới, không nên tiếc cái không thể mặc được con ạ. Nhìn bộ quần áo mới hóa tàn tro, lòng tôi ngậm ngùi nuối tiếc.
Giá như bố mua bộ đồ to hơn hai số là tôi mặc vừa rồi. Hình ảnh cái quần màu xanh cùng với cái áo có nhiều hoa văn dần tàn trên đống lửa đã in sâu vào trong ký ức không thể phai mờ trong quãng đời tuổi thơ của tôi mãi không thể nào quên.
Tôi đã quen với bữa cơm quây quần trong dịp Tết dưới mái nhà chỉ có ba người với ba thế hệ. Tôi rất thích ăn thịt gà thiến, thứ không thể thiếu trong dịp Tết của mỗi gia đình.
Gà thiến ta xương cứng nhưng thịt dai và đậm, ngọt hơn gà nuôi bằng cám công nghiệp. Dù khó khăn đến đâu, Tết đến gia đình nào cũng phải mua được một con gà thiến ta để cúng tổ tiên.
Bố không quan tâm đến cuộc sống của mẹ con tôi, ông đã lấy người đàn bà khác, có những đứa con khác. Trong thâm tâm tôi thầm nhủ sẽ không bao giờ nhìn mặt bố nữa.
Nhưng nhiều người nói "bố dù xấu dù tốt vẫn là bố của anh. Phiên chợ ngày cuối năm đông nghìn nghịt nhưng có ai là bố của anh không? Có bố mới có anh. Bố - ông ấy dù có tệ bạc thì vẫn là bố của anh".
Nghe theo những lời khuyên nhủ, tôi miễn cưỡng mỗi năm đôi ba lần đến thăm bố, ăn những bữa cơm với những đứa em cùng cha khác mẹ.
Nhiều lần bố vào viện, tôi vẫn đến chăm sóc ông như một người con có hiếu trong gia đình. Một năm trước, đúng những ngày gần Tết, mấy đứa em gọi điện cho vợ chồng tôi nói bố ốm nặng. Tôi đến, nhìn ông mê mệt, trong lòng dấy lên niềm thương cảm. 30, rồi mùng một Tết tôi ăn ở nhà bố.
Nhìn bố húp hai thìa sữa một cách khó nhọc. Tôi biết bố sắp đi xa. Nhìn bữa cơm tươm tất bày biện trên mâm chẳng ai buồn động đũa. Thịt gà ta trông ngon, gắp lên cho vào mồm có cảm giác nghèn nghẹn không sao nuốt được.
Gắng gượng thêm được ít ngày thì bố đi. Lần đầu tiên ăn Tết dưới mái nhà với bố để lại trong tôi những kỷ niệm sẽ không bao giờ quên.
Diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ diễn ra từ ngày 20-1 đến 20-2-2025, do báo Tuổi Trẻ và Công ty INSEE Việt Nam đồng hành.
Tất cả người Việt Nam, không giới hạn độ tuổi, nghề nghiệp đều có thể gửi bài tham dự diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ. Bài viết gửi đến địa chỉ email [email protected].
Bài viết tối đa 1.000 chữ, khuyến khích kèm theo ảnh, video minh họa.
Bài viết được thể hiện bằng tiếng Việt.
Tác giả ghi địa chỉ, điện thoại, email, số căn cước công dân cùng số tài khoản để ban tổ chức liên lạc.
Bài viết phải chưa từng tham gia bất kỳ cuộc thi viết được tổ chức trước đây, hiện không tham gia trong bất kỳ cuộc thi viết đang được tổ chức. Bài viết chưa từng được đăng trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Bạn đọc chịu trách nhiệm về bản quyền, khiếu nại xảy ra (nếu có).
Quyết định của ban tổ chức là quyết định cuối cùng.
Giải thưởng diễn đàn TẾT DƯỚI MÁI NHÀ
Các bài bạn đọc gửi đến diễn đàn sẽ được chấm điểm theo tiêu chí cùng với điểm do bạn đọc bình chọn.
Trong đó điểm chuyên môn do ban tổ chức chấm chiếm 50%, bạn đọc bình chọn chiếm 50% tổng số điểm của bài dự thi.
Số điểm bình chọn được tính dựa trên tương tác với bài viết, trong đó 1 sao = 15 điểm, 1 tim = 3 điểm, 1 like = 2 điểm.
- 1 giải nhất trị giá 5 triệu đồng.
- 3 giải nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng.
- 5 giải khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.
Các bài được chọn đăng sẽ được chấm trả nhuận bút theo quy định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận