Bùi Thị Hồng Thu trên một trang trại nông nghiệp thuộc mạng lưới của cô tổ chức - Ảnh: CHÂU TẤN
Bỏ nghề thông dịch để về đồng
"Ước mơ cháy bỏng của tôi bao năm nay là muốn tự mình làm ra những mặt hàng nông sản mà giá trị ngang hàng với các nước châu Âu. Muốn thế thì món hàng đó phải sạch, chất lượng, truy xuất nguồn gốc" - Bùi Thị Hồng Thu, cô chủ chuỗi sản phẩm nông sản sạch Noom tại thôn Bình Túy, xã Bình Giang (huyện Thăng Bình, Quảng Nam), tâm sự.
Chúng tôi gặp Thu từ nhiều năm trước. Ngày mới về thôn Bình Túy, nhiều người tò mò về cô gái bỏ việc ở thành phố để về quê làm nông nghiệp. Từ đám đất nhỏ, ngôi nhà của Thu hiện giờ vừa là xưởng chế biến nông sản tại chỗ, vừa là nơi hội họp của những người nông dân trong mạng lưới nông nghiệp sạch mà Thu là người cầm trịch.
Thu sinh năm 1981, quê huyện miền núi Tiên Phước, Quảng Nam. Cô chọn ngành tiếng Anh tại Trường ĐHSP Đà Nẵng để theo đuổi mơ ước thông dịch viên. Năm 2009, Thu tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm ở Công ty Samsung Việt Nam.
Mức lương Thu lãnh hằng tháng thời điểm đó làm nhiều người mơ ước. Nhưng chỉ làm được một thời gian, cô thấy mình không thật sự phù hợp.
Trong một lần về quê làm đám giỗ, hình ảnh tuổi thơ trỗi dậy mạnh mẽ. Thu khao khát được trở về, được cuốc dọn trên những cánh đồng bỏng rát nắng. Thu quyết định bỏ việc để về làm nông nghiệp. Mặt hàng đầu tiên mà cô thử nghiệm là làm nhang.
Trong một lần đi Kaohsiung, Đài Loan, một người bạn đã dẫn Thu tới siêu thị lớn để tìm hiểu thị trường. "Tôi ngẩn ngơ khi thấy các mặt hàng nông sản của họ và chạnh lòng khi chứng kiến sự đơn điệu, kém bắt mắt của sản phẩm Việt Nam nằm cùng dãy trên siêu thị. Tôi khao khát nông sản nước mình một ngày nào đó sẽ được cất lên đúng với giá trị" - Thu nhớ lại.
Thu kể rằng khi về lại quê nhà, cô nghĩ ngay đến những sản phẩm sẽ "đổi phận" cho nông sản thô. Nhang không dùng chất nhuộm hóa học, dầu mè - lạc ép lạnh, xà bông tự nhiên, đường mía thô..., những sản phẩm chất lượng nhảy múa trong đầu cô. Thu tìm đọc các cuốn sách để tìm hiểu công thức. Nguyên lý của cô hướng tới là đừng can thiệp thứ gì thuộc về "hiện đại" mà quay về cái tự nhiên vốn có ban đầu.
"Tôi nhớ đến tuổi thơ ngọt ngào của mình khi được ông tự tay gieo trồng và ép cho dùng những mẻ dầu lạc tươi ngon, tinh sạch. Nếu khách hàng được sử dụng những mặt hàng sạch và nguyên sơ như vậy, chắc chắn họ sẵn sàng chi trả rất cao" - Thu nói.
Hồng Thu phân loại, đánh giá các mẻ nông sản thô mới được bà con thu hoạch từ vườn rừng - Ảnh: CHÂU TẤN
Lấy tự nhiên nuôi tự nhiên
Năm 2015, Thu một mình chạy xe đến các ngôi làng ở vùng đồng bằng. Đó là lúc mọi thử nghiệm đã cơ bản có kết quả khả quan. Những làng quê cằn cỗi ở Quảng Nam như Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc... là nơi tập trung nhiều diện tích đậu phộng (lạc) và mè. Tuy nhiên, phần lớn bà con làm ra đều phải bán thô hoặc chế biến thủ công rồi đem ra chợ bán với giá gần như lấy công làm lãi.
Thu nhìn ra nỗi bế tắc của những người nông dân cần mẫn và thuyết phục họ theo mình. Nhưng không ai tin cô. Thật may mắn, những lãnh đạo trẻ xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nơi Thu tìm đến, đã hiểu ra câu chuyện.
"Tôi nhớ như in nguyên cả tháng đó, chính quyền xã Đại Thắng đã họp để thuyết phục dân, tìm người đồng hành" - Thu kể.
Được chính quyền mời bà con tới để lắng nghe, Thu trình bày hăng say về khởi lập mô hình làm nông nghiệp thuận tự nhiên, không sử dụng chất hóa học trong canh tác, lấy tự nhiên nuôi tự nhiên. Thời điểm này đó là một khái niệm rất mơ hồ với những nông dân ở đó.
"Hệ thống vườn rừng cần thời gian dài để cho hiệu quả. Mỗi khu vườn sẽ trồng rất nhiều loài cây khác nhau như một khu rừng. Lối canh tác này tập trung vào phục hồi và nuôi đất bằng những thứ có sẵn. Cây và vi sinh vật sẽ tự bù trừ và hỗ trợ nhau.
Mặt hàng khi tới tay thì người tiêu dùng sẽ biết chính xác nguồn gốc sản phẩm được trồng ở đâu, phương thức canh tác nào, do đích danh người nông dân nào trồng, công nhân nào chế biến... Mỗi nông trại vườn rừng cũng sẽ gần gũi với khách hàng như chính khu vườn mà tự tay họ trồng" - Thu giải thích.
Cô kể ban đầu nhiều nông dân tỏ ra nghi ngại. Nhiều người nghe xong thì lẳng lặng đi về. Nhưng chính quyền chọn "thí điểm" và cam kết với một vài hộ. Thấy có sự khác biệt, dần dần nhiều nông dân tự nguyện góp công, góp đất để làm "cổ đông".
Thu mở rộng tầm ảnh hưởng, tìm tới các vùng quê khác. Câu chuyện của cô được nhiều bà con truyền tai nhau. Những nông dân mỗi ngày ra đồng trồng đậu, cuốc đất, thu hoạch và nhập hàng... đều ghi nhật ký sản xuất tỉ mỉ vào một cuốn sổ.
Mọi thông tin về chi phí đầu vào, quy trình canh tác, chăm sóc đều ghi rõ và kèm sổ này cho công ty của Bùi Thị Hồng Thu khi bà con thu hoạch, bán nông sản. Thu cũng minh bạch tới phần cuối giá từng sản phẩm để nông dân biết được công lao của mình.
Thu nói rằng sau khi thiết lập mạng lưới tổ chức sản xuất, cô bắt đầu suy nghĩ đến chuyện sẽ trở thành nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp quy mô ra thị trường.
Cô đi qua các nước ở Đông Nam Á để tìm hiểu, tận dụng các mối quan hệ sẵn có để phục vụ chiến lược bán hàng. Nhờ thành thạo tiếng Anh, nhiều hàng hóa của cô tới được tay khách nước ngoài và nhờ đó mà thêm lan tỏa.
Cô cũng tích cực mở rộng các kênh tiếp thị sản phẩm không chỉ bằng mạng lưới đầu mối mà tận dụng lợi thế của mạng Internet để tăng tương tác. Ngoài bán lẻ, cô còn giữ các đầu mối bỏ sỉ số lượng lớn, luôn tự nhắc nhở mình giữ sự trung thực như một nguyên tắc của kinh doanh.
Điều thú vị ở cách bán hàng, tiếp thị của bà chủ xứ Quảng này là không bao giờ khuyên khách hàng dùng... quá nhiều sản phẩm của mình. Thay vì tập trung giới thiệu sản phẩm, cô thường kể cho khách nghe câu chuyện quy trình sản xuất, về hành trình miệt mài của những nông dân trên vườn rừng.
"11 năm trước và cho tới tận giờ, phản ứng của khách hàng đối với sản phẩm của chúng tôi vẫn là "giá hàng nhà em sao cao quá vậy"? Nhưng khi được cung cấp thông tin về quy trình sản xuất thì câu chốt vẫn là ship cho 10 bó nhang, 2 can dầu" - Thu cười kể.
Tới nay mạng lưới tổ chức, chế biến và phân phối nông sản của bà chủ Noom đã quy tụ được hàng trăm nông hộ ở các huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, Quảng Nam. So với lối canh tác cũ, trên cùng một đám ruộng, nông dân đã có thu nhập cao vượt trội, dứt hẳn được việc trồng trọt lệ thuộc vào chất hóa học.
Thu cũng mở cho mình được một xưởng sản xuất dầu ép cơ học, không tinh luyện và kho bãi rộng gần 3.000m2, một xưởng sản xuất nhang dưỡng khí gần 1.000m2, một lò nấu đường mía thô rộng 500m2 và một xưởng sản xuất chà bông tại tỉnh Bến Tre rộng khoảng 500m2.
Nhiều người trẻ, học hành bài bản đã tự nguyện tham gia mạng lưới do Thu tổ chức để đi theo nền nông nghiệp sạch, chất lượng cao.
"Sự mất kết nối giữa người tiêu dùng đối với nông dân đã diễn ra trong thời gian dài mà cả hai là người thiệt hại. Nông dân không bán được sản phẩm đúng giá trị, người mua không mua được mặt hàng tốt như mình kỳ vọng. Không ai có lỗi trong câu chuyện này mà lỗi nằm ở chuỗi cung ứng" - Bùi Thị Hồng Thu nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận