Sản phẩm khởi nghiệp trưng bày tại cuộc họp mặt doanh nghiệp khởi nghiệp cuối năm 2019 ở Đồng Tháp - Ảnh: VĂN LỢI
Nhiều năm trước, nhắc tới nông thôn gắn với những hình ảnh chất chứa "nỗi buồn và cái thiếu", là đường làng nắng bụi mưa bùn, cầu tre lắc lẻo, mái tranh xiêu dột và những đứa trẻ đầu trần chân đất.
Thưa rằng diện mạo nông thôn ngày nay rất khác. Ở các tỉnh biên giới cũng có đường ôtô chạy đến trung tâm xã, đường đan đi xe máy dễ dàng xuống tận xóm ấp. Điện lưới, viễn thông và Internet hầu như phủ khắp. Xã nào cũng có trường học và trạm y tế. Đâu đâu cũng có nhà ngói, nhà tường, chí ít cũng là nhà tôn, tranh tre nứa lá đã là rất hiếm hoi.
Đời sống ở nông thôn ngày nay cũng khác. Ra khỏi nhà là có hàng quán dịch vụ. Xưa người quê hầu hết chỉ trông chờ vào hai vụ lúa, nay ngoài lúa thì có rau củ, trái cây, thủy sản. Ngoài ruộng vườn còn có thêm nhiều nghề phụ như đan lát thủ công mỹ nghệ, thu mua, chế biến nông sản... hoặc làm việc ở khu cụm công nghiệp cách nhà dăm mười cây số.
Ở nhiều vùng nông thôn đang phát triển du lịch nông nghiệp, khách tới dập dìu. Đờn ca tài tử, lễ hội đình làng được phục dựng, phát huy. Diện mạo nông thôn giờ đã rất khác mười năm trước. Không nhộn nhịp, phồn hoa như phố thị nhưng cũng đã đủ sức giữ chân người trẻ. Công nghệ thông tin phát triển rộng khắp, người ở quê vẫn dễ dàng liên lạc, giao lưu và học tập với thế giới bên ngoài. Đây là điều rất quan trọng để người trẻ mạnh dạn lập nghiệp ở quê.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - nhà sáng lập Tập đoàn Mỹ Lan (Trà Vinh) - có lần chia sẻ một cách nghĩ tích cực: "Ở đâu còn lạc hậu, ở đó có cơ hội". Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, hiện chỉ mới có khoảng 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp cả nước.
Nhìn lạc quan, về quê lập nghiệp vào thời điểm này là một lựa chọn có tính khả thi rất cao khi hầu hết nông sản Việt hiện nay vẫn đang xuất khẩu thô, chưa qua chế biến. Canh tác nông sản của nông dân vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật nên chi phí cao, chất lượng kém. Những tác động của thời tiết, khí hậu, thủy văn gần đây đòi hỏi người làm nông phải có kiến thức và biết ứng dụng. Nông thôn đang rất cần người trẻ quay về vì lẽ đó.
Một lý do khác là từ nhiều năm nay, người tốt nghiệp đại học hằng năm rất nhiều. Mặt trái của tình trạng này là làm cho "căn bệnh to đầu" ở các đô thị - tập trung quá nhiều người có trình độ cao, dẫn đến hiện tượng "cử nhân chạy xe ôm, bưng hủ tiếu".
Về quê lập nghiệp là xu thế tất yếu. Có rất nhiều lý do để nhiều người có thể mạnh dạn về quê lập nghiệp đường hoàng với trình độ, sức sáng tạo của tuổi trẻ. Họ quay về không chỉ vì bản thân mình. Đây là một xu thế tất yếu và rất đáng mừng.
Các báo cáo nghiên cứu thị trường gần đây vẫn khẳng định thị trường nông thôn luôn là mảnh đất giàu tiềm năng nhưng vẫn chưa được khai thác hết. Cần có những chiến lược kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa và đội ngũ trẻ nhạy bén có lợi thế thâm nhập, thúc đẩy tăng trưởng tại thị trường này.
Cần thêm nhiều cú hích
Đơn cử như với 70% người dùng điện thoại ở nông thôn Việt Nam đang sử dụng smartphone (tỉ lệ này là 90% ở đô thị), nếu Chính phủ đẩy mạnh số hóa về khu vực nông thôn sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển, nhanh chóng lấp đầy khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Dù chưa thống kê đầy đủ, nhưng thực sự đã có một làn sóng khởi nghiệp với nhiều doanh nghiệp thành lập mới, nhiều sản phẩm mới ra đời từ khu vực nông thôn. Chủ nhân của các dự án khởi nghiệp này hầu hết đều là người trẻ, có học hành bài bản tại các trường đại học ở đô thị, sau đó về quê cống hiến sức mình.
Điển hình như ở Đồng Tháp, từ 3 năm trước tỉnh đã có đề án hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một câu lạc bộ doanh nhân dẫn đầu đại diện những doanh nghiệp lớn trong tỉnh đã, đang theo sát và đỡ đầu những dự án khởi nghiệp bằng cách tư vấn, hỗ trợ vốn, đặt mua sản phẩm.
3-4 năm nay, quà tặng ngày lễ tết của cơ quan nhà nước và nhiều doanh nghiệp trong tỉnh có 80% là sản phẩm từ các doanh nghiệp khởi nghiệp đã thực sự gặt hái được thành công ở địa phương (như sen ướp tươi, trà lá sen, tinh dầu vỏ quýt, mứt chuối phồng...). Đây là sản phẩm từ cơ sở sản xuất của những người trẻ, có trình độ đại học và sau đại học, có người từng làm việc cho công ty nước ngoài.
Trong khuôn viên UBND tỉnh Đồng Tháp có một văn phòng hỗ trợ khởi nghiệp, nơi tổ chức nhiều hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Đã có 60-70 doanh nghiệp khởi nghiệp có sản phẩm bán được ra thị trường trong và ngoài tỉnh, hầu hết là sản phẩm chế biến nông sản, thủ công mỹ nghệ từ nông sản. Mọi ý tưởng, kế hoạch làm ăn của bạn trẻ đều được trân trọng từ chính sách cụ thể trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội tỉnh.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp đều được lãnh đạo địa phương ghé thăm, góp ý; mọi ý tưởng khởi nghiệp đều được ghi nhận từ huyện, xã. Sản phẩm làm ra được trình bày trang trọng ở các hội nghị, cơ hội quảng bá sản phẩm cho xã hội biết mình đang làm gì. Đó là vinh hạnh cho người trẻ lập nghiệp, là cú hích để họ yên tâm và tự tin vượt qua những khó khăn bước đầu.
Để người trẻ có thêm điểm tựa lập thân lập nghiệp ở quê, cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ vừa thiết thực vừa đảm bảo khả thi ở cấp quốc gia. Hai trong số đó là chính sách tiếp cận vốn khởi nghiệp thoáng hơn từ ngân hàng và chính sách về hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến.
Có được những điều này, bạn trẻ sẽ mạnh dạn về quê hơn. Và diện mạo nông thôn sẽ càng khởi sắc hơn nữa.
VĂN LỢI (Đài phát thanh truyền hình Đồng Tháp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận