Như Tuổi Trẻ Online thông tin, số liệu thống kê năm 2023 cho thấy tỉ lệ người nhập cư TP.HCM chỉ tăng 0,67%, tương ứng khoảng 65.000 người (trong khi trước đó khoảng 200.000 - 250.000 người/năm).
Lần đầu tiên TP.HCM và một số tỉnh, thành Đông Nam Bộ không còn được xem là "miền đất hứa" khi ngày càng nhiều khu công nghiệp ở các địa phương mọc lên và người lao động có xu hướng về quê càng nhiều.
Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là chia sẻ của bạn đọc Vũ Thị Minh Huyền xung quanh câu chuyện rời phố về quê.
Rời phố về quê, bạn bè mua được nhiều nhà, ô tô
Các bạn học của tôi là thế hệ sinh năm 1981, đa phần tốt nghiệp đại học năm 2003. Sau khi ra trường, phần lớn chúng tôi đều quyết tâm bám trụ thành phố lớn bằng cách đi thuê nhà ở, tự xin việc làm và tích lũy tiền để mua nhà.
Chỉ có một số ít bạn lựa chọn về quê lập nghiệp.
Gia đình một người bạn của tôi, chồng tốt nghiệp Trường đại học Y Hà Nội, vợ tốt nghiệp Học viện Ngoại giao. Cả hai đã chọn về quê lập nghiệp. Một người công tác ở bệnh viện đa khoa tỉnh, một người công tác ở một doanh nghiệp tư nhân lớn trong khu công nghiệp ở thành phố.
Sau vài năm về quê sống, hai vợ chồng tích lũy được vốn mở một phòng khám sản phụ khoa ở gần nhà.
Hằng ngày, hết giờ làm, anh chồng ra phòng khám làm thêm. Với trình độ chuyên môn giỏi, ngày càng có nhiều bệnh nhân tìm đến phòng khám của anh, vợ chồng anh kiếm được khá nhiều tiền.
Sau hơn 20 năm tốt nghiệp đại học, anh chị đã có vài căn nhà, 2 xe ô tô cho 2 vợ chồng đi làm, 1 phòng khám rất đông bệnh nhân, 3 cô con gái vừa xinh đẹp, ngoan ngoãn vừa học giỏi. Con gái lớn của anh chị sinh năm 2006 mới thi đỗ Học viện Ngoại giao năm nay.
Gia đình anh chị sống hạnh phúc, có điều kiện kinh tế tốt, các con ngoan, học giỏi là mơ ước của biết bao nhiêu bạn học khác như chúng tôi. Dù anh chị không sống và làm việc ở Hà Nội nhưng sự giàu có của anh chị hơn rất nhiều người sống và làm việc ở Hà Nội như tôi.
Một người bạn khác của tôi sau khi tốt nghiệp đại học ở Hà Nội cũng thử ở lại thành phố mấy năm. Cảm thấy cuộc sống quá vất vả, đi làm cả ngày, thậm chí cả tối và cuối tuần cũng đi làm thêm nhưng vẫn không đủ tiền mua nhà ở thủ đô, nên đã quyết định chuyển hẳn về quê sống.
Bạn xin vào làm giáo viên ở một trường THPT chuyên của tỉnh, có sẵn nhà để ở, công việc ổn định, phí sinh hoạt thấp nên bạn tích lũy được nhiều.
Sau 15 năm ở quê, bạn cũng đã kịp học xong thạc sĩ và đang học nghiên cứu sinh. Chuyên ngành bạn học lại là chuyên ngành mới ở đây, không có nhiều giáo viên khác cạnh tranh vì đa phần những người học chuyên ngành đó đều làm việc ở thành phố.
Bạn nhanh chóng trở thành một giáo viên giỏi có tiếng ở trường, thường xuyên được chọn là giáo viên dạy đội tuyển học sinh giỏi quốc gia của tỉnh, kinh tế gia đình khấm khá, mua được ô tô đi làm, các con ngoan, học giỏi.
Nếu so sánh với nhiều bạn học khác học cùng khóa thì thành tích học tập của bạn chỉ ở mức trung bình khá, nhưng về quê ít người cạnh tranh, bạn dễ dàng có cơ hội trở thành người nổi bật hơn.
Ở thành phố gần 25 năm, tôi được gì?
Tôi đã tốt nghiệp đại học 25 năm, quyết tâm ở lại Hà Nội nhưng đến hiện tại, tôi cũng chỉ là một nhân viên bình thường, kinh tế ở mức trung bình, không thành đạt, không giàu có như nhiều bạn học khác và không bằng những bạn lựa chọn về quê lập nghiệp.
Tôi không hối tiếc vì sự lựa chọn của mình, bởi sự lựa chọn nào cũng có giá của nó và tôi cảm thấy hài lòng với lựa chọn của mình. Tuy nhiên, tôi nghĩ đôi khi quyết định của bản thân tại một thời điểm quan trọng nào đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người sau này.
Nếu bạn lựa chọn đúng, cuộc sống của bạn sẽ rất thuận lợi, may mắn, hạnh phúc. Nếu bạn lựa chọn sai thì cuộc sống của bạn sẽ bị rẽ sang một hướng khác, vô cùng vất vả, lận đận.
Có khi bạn học giỏi hơn hay bạn thông minh hơn, chăm chỉ hơn nhưng không hẳn bạn có cuộc sống tốt bằng người khác.
Khi tôi nói chuyện với mấy người bạn đã từng quyết định bỏ phố về quê và đang có cuộc sống rất tốt, họ chia sẻ sống ở đâu cũng có ưu điểm và hạn chế. Chỉ là mình thấy bản thân phù hợp với nơi nào hơn, ở đâu thấy vui vẻ, hạnh phúc hơn.
Sống ở quê thì chi phí sinh hoạt thấp, môi trường sống trong lành hơn, tốt cho sức khỏe tinh thần, các mối quan hệ được cải thiện, giảm chi phí, tăng đầu tư cho bản thân, tích lũy nhiều hơn, đặc biệt không mất khoản tiền thuê nhà.
Hơn nữa, giờ ở quê cũng không quá khó sống như xưa, vì đã có internet có thể làm việc từ xa. Công việc ở quê không quá áp lực như thành phố, nên chủ động được thời gian chăm sóc gia đình, sức khỏe của bản thân...
Những lưu ý khi bỏ phố về quê
Cần lên kế hoạch chi tiết, chuẩn bị đủ các điều kiện về kinh tế, tâm lý và kỹ năng để bắt đầu hành trình chuyển từ phố về quê.
Nhiều bạn trẻ quyết định bỏ phố về quê nhưng chưa thực sự chuẩn bị tinh thần cho hành trình này, dẫn đến việc rời bỏ phố về quê không thành công.
Câu chuyện người trẻ bỏ phố về quê không phải mới, nhưng nếu như thời gian trước nhiều người về quê để được sống gần gia đình sau đó tìm một công việc phù hợp thì nay, người trẻ đã có sự chuẩn bị, trở về để khởi nghiệp và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Đã có nhiều bạn trẻ thành công khi chọn bỏ phố về quê, mang những kiến thức đã được học về áp dụng vào thực tế tại địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận