31/01/2021 21:06 GMT+7

Bố ơi! Đợi con về gói bánh chưng Tết nhé!

PHẠM THU HƯỜNG
PHẠM THU HƯỜNG

TTO - Từ lúc đi học đại học cho đến khi đi làm, năm nào tôi cũng gọi về dặn bố: "Bố đợi con về gói bánh chưng nhé". Bởi gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành một trong những thói quen chẳng thể bỏ của cả nhà.

Bố ơi! Đợi con về gói bánh chưng Tết nhé! - Ảnh 1.

Gói bánh chưng - Nét văn hóa lâu đời của nhiều gia đình người Việt

26 năm sống cùng bố mẹ cũng là ngần ấy năm quây quần cùng gia đình bên mâm cơm cúng giao thừa. 2 chị gái đã đi lấy chồng, rồi cũng đến phận mình làm dâu nhà người ta. Lần đầu tiên trong đời, mới có cảm giác nhớ da nhớ diết mùi hương trầm ấm thân quen trong căn nhà nhỏ, cái thơm nồng của húng quế trong chả đa nem mẹ làm, vị bánh chưng mằn mặn đặc thù bố gói…

Tết nhà chồng tôi khác với nhà tôi nhiều, ông bà bên này chả mấy khi gói bánh chưng, phần vì neo người, phần vì không làm nông nghiệp. Cũng không cúng cấp, ăn uống đêm giao thừa. Nhưng nhà tôi thì khác!

Từ lúc đi học đại học cho đến khi đi làm, năm nào tôi cũng gọi về dặn bố: "Bố đợi con về gói bánh chưng nhé". Bởi gói bánh chưng ngày Tết đã trở thành một trong những thói quen chẳng thể bỏ của cả nhà. Bố tôi bảo: "Sẵn đỗ, sẵn gạo thì gói, cho Tết nó có không khí". Thế nên, bận mải đến mấy, cũng thu xếp để gói.

Tôi dù là con gái, nhưng gọi là biết gói thôi, chứ gói chưa được đẹp. Hai chục tấm bánh thì nhiều lắm tôi gói được 4, được 5. Còn lại bố tôi gói cả. Chủ yếu là thích cái cảm giác rửa lá dong, cắt lá rồi lăng xăng phụ bố mấy việc lặt vặt. Đến cuối buổi, thể nào bố cũng gói riêng cho một cái nho nhỏ, xinh xinh, gọi là bánh đặc biệt dành riêng cho cô út.

Chiếc bánh ấy, thường mẹ tôi sẽ bóc để cả nhà thưởng thức vào đêm giao thừa. Không biết có phải do đó là chiếc bánh đầu tiên của năm hay không, mà lần nào ăn cũng thấy ngon lạ thường.

Bao giờ cũng vậy, nhà tôi luôn chuẩn bị một mâm cỗ trên bàn thờ chính và một mâm cỗ đặt trước cửa nhà, cúng ngoài trời. Mâm lễ bên ngoài, nghe nói các vị thần chỉ ghé qua ăn rất vội, để chứng nhận lòng thành tâm của gia chủ rồi trở về thiên đình ngay nên không cần chuẩn bị quá cầu kỳ. 

Còn mâm cỗ trên bàn thờ chính, bố sẽ chuẩn bị con gà luộc từ chập tối, đến 11h mẹ làm đĩa miến xào lòng gà, rán thêm chục cái nem nữa. 

Nem mẹ tôi làm ngon lắm, không phải món gì lạ lẫm, nhưng nem mẹ làm luôn có hương vị vô cùng đặc trưng. 

Nguyên liệu, cách thức thì chắc nhà nào cũng giống nhau. Nhưng, mẹ tôi có thêm hai bí quyết nho nhỏ. Lúc cho tiêu vào, ngoài việc rang lên, giã nhỏ, thì cần phải nhớ cho tiêu vào đến hai lần, lần đầu là sau khi xay thịt, trộn cùng với hành bằm, thịt sẽ được ướp thơm ngọt, kèm vị cay the the tự nhiên. 

Còn lần hai, là trộn đều vào nhân nem rồi mới cuốn và chiên lên. Thêm chút húng quế cắt sợi nhỏ vào nhân nữa là hết sảy. Cái mùi thơm nồng, quyến rũ của húng quế chỉ cần đưa miếng bánh lên miệng là đã thôi thúc người ta thử ngay một miếng. 

Vỏ bánh giòn rụm, tan trong miệng, nhân bánh đậm đà hài hòa vị ngọt từ thịt xay và rau củ, chấm cùng nước mắm chua ngọt là ăn hoài không chán.

Bố ơi! Đợi con về gói bánh chưng Tết nhé! - Ảnh 2.

Nem rán - Món ăn không thể thiếu ngày Tết

Mới thoáng nghĩ đến trong đầu những hương vị thân quen ấy, nước mắt lại cứ chực trào ra. Giờ này, mọi thứ ở nhà chắc cũng đã chuẩn bị xong xuôi, nhấc máy lên gọi video call về nhà, câu đầu tiên định hỏi: "Bố mẹ chuẩn bị xong hết chưa?". Mà thế nào, vừa nhìn thấy mẹ, lại buột miệng nói ngay: "Con nhớ nhà quá.". Thế rồi, tự nhiên, hai mẹ con lại cứ rưng rưng.

Bố vội cầm điện thoại, giơ tay chào con gái, rồi an ủi: "Năm mới hai mẹ con ai lại sụt sịt là thế nào, ông bà bên đấy không cúng giao thừa hả, thế bố mẹ phần hai đứa nhé".

Nói đoạn, bố giơ chiếc cái máy đi vòng vòng quanh nhà, dừng lại một tý ở cây đào, rồi quay đi quay lại mâm cơm cúng lúc này đã đủ đầy để sẵn sàng làm lễ. Chồng kéo tay tôi, bảo: "Đấy, có mạng tiện bao nhiêu, thế mà chồng bảo vợ nối mãi mà vợ cứ chần chừ".

Tôi gật đầu, cười cười. Lâu nay cứ nghĩ bố mẹ có tuổi nên lại cứ vô tâm cho rằng công nghệ, smart phone là thừa thãi. Nhưng có những phút giây thế này mới thấy cần lắm, quý lắm.

Trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với tâm thế của đứa con gái năm đầu tiên lấy chồng xa…, được nhìn thấy căn nhà nơi mình đã sinh ra và lớn lên từ tấm bé, được nghe giọng nói trầm ấm của bố, ngắm thật gần nụ cười hiền hậu của mẹ… có ai biết rằng cũng đã đủ ấm áp lắm rồi!

banner tet_1120x450

Diễn đàn "Mâm Tết nhà tôi" bao gồm các bài viết, bài dự thi của bạn đọc chia sẻ những khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia đình, bè bạn bên mâm cỗ Tết, các món ăn "tủ" của gia đình, món ăn đặc sản quê hương... có thể không bên cạnh nhau nhưng nhờ sự kết nối công nghệ, mình có thể cùng nhau chia sẻ những giây phút ấy.

Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức với mong muốn lan tỏa một cái Tết đoàn viên, dù rằng ở bất kỳ nơi đâu, với sự kết nối bằng công nghệ thì "những mâm Tết xa vẫn trọn tình nhà".

Các bài viết diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ [email protected] từ nay đến hết ngày 20-2, mỗi bài tối đa 1.000 chữ có kèm theo hình ảnh (và video nếu có).

Các bài viết chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chưa đăng ở các báo phương tiện truyền thông khác.

Bạn đọc vui lòng ghi rõ thông tin liên lạc, số tài khoản ngân hàng, số CMND để tòa soạn trả nhuận bút.

Ăn Tết xa quê: Mâm Tết nhà tuy xa mà gần Ăn Tết xa quê: Mâm Tết nhà tuy xa mà gần

Khi cái Tết đã cận kề, có những người con nôn nao chuẩn bị hành trang trở về nhà, nhưng có những người con ôm nỗi niềm riêng cách xa gia đình ngàn cây số.

PHẠM THU HƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp