02/12/2014 11:51 GMT+7

​Bổ nhiệm người có phiếu tín nhiệm thấp hơn

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Trong cả hai đợt lấy phiếu tín nhiệm năm 2013 và 2014, kết quả phiếu của ông Nam đều cao hơn ông Tân nhưng hiệu trưởng vẫn quyết định bổ nhiệm ông Tân làm phó chủ nhiệm khoa.

Một số giảng viên khoa quản trị kinh doanh Trường CĐ Công thương TP.HCM phản ảnh ông Lê Thanh Bình - hiệu trưởng nhà trường - bổ nhiệm người có phiếu tín nhiệm thấp hơn làm phó chủ nhiệm khoa, như thế là thiếu khách quan và không công bằng.

Theo phản ảnh, năm 2013 trường cho khoa bỏ phiếu tín nhiệm hai người là ông Vũ Nhật Tân và Nguyễn Kim Nam để bổ nhiệm làm phó chủ nhiệm khoa. Kết quả ông Nam có số phiếu nhiều hơn. Tuy nhiên năm đó trường không bổ nhiệm ai.

Tháng 9-2014, trường tiếp tục yêu cầu khoa bỏ phiếu tín nhiệm và kết quả ông Nam vẫn có số phiếu cao hơn ông Tân. Tháng 11-2014, ông Lê Thanh Bình ký quyết định bổ nhiệm ông Tân làm phó chủ nhiệm khoa.

Nhiều giảng viên băn khoăn: bỏ phiếu tín nhiệm để đảm bảo tính dân chủ nhưng lại bổ nhiệm người có phiếu tín nhiệm thấp hơn, như vậy có dân chủ không hay theo ý của cá nhân hiệu trưởng?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Thanh Bình cho rằng việc bổ nhiệm được thực hiện đúng quy trình khi tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm và xin ý kiến đảng ủy, ban giám hiệu.

“Đúng là ông Nam có số phiếu tín nhiệm cao hơn nhưng không đáng kể. Nếu số phiếu đó nhiều hơn hẳn thì rất thuận tiện cho chúng tôi trong việc bổ nhiệm, tuy nhiên số phiếu chênh lệch không nhiều. Hơn nữa, khoa này đang có tình trạng đấu đá và chia rẽ nội bộ.

Chúng tôi đã cân nhắc nhiều yếu tố như ông Tân có kinh nghiệm thực tiễn từ doanh nghiệp, đã có bằng tiến sĩ của ĐH Bulacan (Philippines), có chứng chỉ luật gia, tham gia viết sách... trong khi ông Nam mới đang làm nghiên cứu sinh.

Do đó, ông Tân có nhiều lợi thế hơn so với ông Nam và trường đã bổ nhiệm ông Tân làm phó chủ nhiệm khoa” - ông Bình giải thích.

Liên quan đến vấn đề này, trưởng phòng tổ chức một trường ĐH công lập tại TP.HCM phân tích việc bỏ phiếu tín nhiệm không phải bầu cử, ai nhiều phiếu hơn sẽ thắng nhưng đó là kênh tham khảo quan trọng nhất khi bổ nhiệm cán bộ.

Nếu bổ nhiệm người có phiếu thấp hơn cần phải công khai giải thích lý do vì sao, nếu không thì bỏ phiếu tín nhiệm để làm gì.

Trong khi đó, lãnh đạo khoa quản trị kinh doanh Trường CĐ Công thương TP.HCM cho biết ban giám hiệu hoàn toàn không làm việc với khoa để giải thích lý do bổ nhiệm người có phiếu tín nhiệm thấp hơn.

Về bằng tiến sĩ do ĐH Bulacan cấp cho ông Tân, cuối năm 2013 Tuổi Trẻ đã có bài viết về việc học tiến sĩ quốc tế bằng tiếng Việt, phản ánh việc nhiều người VN học tiến sĩ tại ĐH này nhưng có phiên dịch tiếng Việt, kể cả khi bảo vệ luận án.

Đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT cho biết đã kiểm tra và phát hiện đây là hình thức đào tạo từ xa có hướng dẫn. Với hình thức đào tạo như vậy, cục chưa công nhận văn bằng.

Chương trình này chưa được phê duyệt nên bằng cấp sẽ không được công nhận tại VN.

Về vấn đề này, ông Bình cho biết hiện trường chỉ lưu bằng tiến sĩ này để tham khảo bởi theo quy định, tất cả bằng nước ngoài đều phải được Bộ GD-ĐT công nhận mới có giá trị.

Việc bổ nhiệm căn cứ vào nhiều yếu tố chứ không phải bằng cấp, ông Tân hiện mới có bằng thạc sĩ được trường công nhận.

Khoa chia rẽ nội bộ, lãnh đạo trường biết rõ việc đó. Thế nên việc bổ nhiệm người có phiếu tín nhiệm thấp hơn mà không có những giải thích rõ ràng và thấu đáo từ nhà trường càng làm cho nội bộ khoa rối ren hơn, nhiều cán bộ, giảng viên tâm tư.

Hơn nữa, bằng tiến sĩ của người được bổ nhiệm lại không được Bộ GD-ĐT công nhận càng làm dư luận trong khoa, trường không tâm phục.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp