"Mekong là dòng sông chung xuyên biên giới và chảy qua nhiều quốc gia. Là quốc gia hạ nguồn sông Mekong, Việt Nam rất quan tâm đến các tác động xuyên biên giới và khả năng tích nước của các công trình thủy điện trên dòng sông Mekong", phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt nêu vấn đề trong cuộc họp báo ngày 23-5 của Bộ Ngoại giao.
Đại diện Bộ Ngoại giao đưa ra phát biểu khi được đề nghị bình luận về thông tin của một số chuyên gia.
Trong đó, những người này cho rằng 14 đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong đang gây ra nguy cơ cạn kiệt dòng chảy và làm giảm lượng trầm tích chảy đến vùng hạ nguồn.
Theo họ, các điều này đã góp phần làm tình trạng hạn mặn và sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam ngày một nghiêm trọng.
Theo ông Việt, việc phát triển và vận hành các công trình thủy điện trên sông Mekong cần đảm bảo không gây tác động tiêu cực, bao gồm các tác động xuyên biên giới, đến môi trường cũng như phát triển kinh tế xã hội, đời sống kinh tế xã hội của các nước trên lưu vực sông Mekong, nhất là các nước hạ nguồn và phải phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.
"Việt Nam mong muốn và sẵn sàng cùng các nước liên quan tăng cường hợp tác nhằm quản lý và sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong, vừa đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước, vừa không có tác động tiêu cực đến đời sống của người dân sinh sống trong lưu vực", đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Thanh Tạng ở Trung Quốc và đổ ra Biển Đông. Đây là một trong những hệ thống sông lớn nhất thế giới, chảy qua các nước Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Dòng sông là huyết mạch nuôi sống hàng trăm triệu người từ lâu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các động thái của những nước thượng nguồn Mekong đã gây lo lắng.
Viện dẫn nhu cầu phát triển điện tái tạo, một số nước đã xây dựng các đập thủy điện trên dòng Mekong, trong đó có những đập cao hàng trăm mét.
Tác động của biến đổi khí hậu, sức ép phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng đã dẫn đến hệ quả nguồn tài nguyên nước Mekong bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam với tư cách là quốc gia ở hạ nguồn.
Giai đoạn từ 2010-2020, tổng lượng dòng chảy đã suy giảm 4-8%, trong khi các quốc gia tăng sử dụng nước sông Mekong từ 5-12%.
Dòng chảy từ thượng nguồn đổ về hạ du và Đồng bằng sông Cửu Long bên Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng, khiến khu vực này thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán nghiêm trọng, hiện tượng xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn từ 1-1,5 tháng với cường độ lớn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận