03/08/2024 10:12 GMT+7

Bộ Ngoại giao bày tỏ thất vọng, đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam

Việt Nam đề nghị Mỹ tiếp tục thực hiện cam kết về việc phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng, tiến tới sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ngày 3-8, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:

"Chúng tôi thất vọng về việc Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Mặc dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, quyết định này không phản ánh đầy đủ những nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận", bà Hằng nêu.

Cũng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua, các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực phối hợp với Bộ Thương mại Mỹ cung cấp nhiều lập luận thuyết phục khẳng định kinh tế Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ sáu tiêu chí kinh tế thị trường theo quy định của luật pháp Mỹ.

Điều này, theo bà Hằng, cũng được nhiều hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia Mỹ và quốc tế ủng hộ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao thông tin rằng trên thực tế, cho đến nay đã có 72 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Các tổ chức quốc tế đều ghi nhận những bước tiến vượt bậc của kinh tế Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do chất lượng cao.

"Trên tinh thần quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị Mỹ tiếp tục thực hiện cam kết về việc phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và tiến tới sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.

Các cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác Mỹ bảo đảm quan hệ kinh tế, thương mại song phương tiếp tục phát triển ổn định, hài hòa, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước", bà Hằng nhấn mạnh.

Trước đó, tối 2-8, Bộ Công Thương ra thông cáo, bày tỏ rất "lấy làm tiếc" khi Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường.

Theo Bộ Công Thương, nếu Bộ Thương mại Mỹ xem xét hồ sơ và thực tiễn tại Việt Nam một cách khách quan, công bằng thì đã có thể thừa nhận thực tế rằng Việt Nam là một nền kinh tế thị trường như 72 nền kinh tế khác đã công nhận, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Mexico, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, New Zealand…

Bộ Công Thương khẳng định hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do.

Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ. Bộ Công Thương sẽ bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.

Theo khoản 771 của Đạo luật Thuế quan Mỹ 1930, 6 tiêu chí khi xem xét một quốc gia kinh tế thị trường bao gồm: Mức độ chuyển đổi của đồng tiền; Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; Vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực, giá cả và các yếu tố khác.

Bộ Công Thương Bộ Công Thương 'lấy làm tiếc' khi Mỹ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường

Bộ Công Thương bày tỏ rất lấy làm tiếc khi Bộ Thương mại Mỹ ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam nhưng vẫn tiếp tục không công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp