Vì thế đã có kêu ca thuế chồng thuế, tận thu, thuế đánh cả người có thu nhập thấp…
Nếu cung cấp đầy đủ thông tin về sắc thuế mới dự kiến ban hành, khi có thuế mới sẽ bỏ loại thuế nào, kèm theo những khảo sát có số liệu thuyết phục, sau đó truyền thông tốt, chắc chắn những kêu ca theo hướng không đồng tình, phản ứng sẽ giảm đi.
Quan sát các lần giới thiệu về sắc thuế mới, các nội dung do Bộ Tài chính đưa ra với công luận thường theo khuôn mẫu: chủ trương, định hướng của Nhà nước về pháp luật thuế; kinh nghiệm và thông lệ của các nước mà chưa tập trung vào những khảo sát từ thực tế, tâm tư nguyện vọng của đối tượng sẽ bị chi phối của luật thuế… Trong khi đó, công tác truyền thông về sắc thuế mới lại rất hạn chế.
Cần nhắc lại, năm ngoái Bộ Tài chính cũng họp báo thông tin về tăng thuế giá trị gia tăng nhưng không truyền thông, giải thích cặn kẽ nên gặp phải sự phản ứng từ xã hội và Thủ tướng phải chỉ đạo chưa tăng thuế, phí.
Khi đó, có ý kiến nói tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nhưng cũng có luồng ý kiến chỉ ra người tiêu dùng là nơi phải chi trả thêm khi tăng thuế. Cả hai luồng ý kiến đều cho là mình đúng nhưng luận cứ lại mong manh, chủ yếu là suy đoán.
Từ đó, có đề nghị phải có khảo sát khoa học, điều tra thực tế trong nước, không suy đoán, đừng quá dựa vào thông lệ, kinh nghiệm của các nước. Thế nhưng, Bộ Tài chính lại làm chưa tốt điều này.
Với Luật thuế tài sản, đụng đến túi tiền của toàn dân, nếu vẫn theo cách làm cũ, người dân chưa thông sẽ khó nhận được sự đồng thuận, hoặc tìm ra những điểm chưa hợp lý để điều chỉnh nhằm có một luật thuế mà cả Nhà nước và người dân đều chấp nhận được.
Theo lộ trình tái cơ cấu nguồn thu ngân sách, Nhà nước sẽ tăng thu từ thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, tài sản… (tức đụng chạm trực tiếp đến túi tiền người dân - để bù đắp nguồn thu sụt giảm do giảm thuế theo cam kết hội nhập) thì không thể làm chính sách thuế như kiểu lâu nay.
Đừng nghĩ rằng thuế là áp đặt từ Nhà nước, người dân có nghĩa vụ thực hiện để rồi làm chính sách theo kiểu một chiều.
Truyền thông tốt, giải thích cặn kẽ, dễ hiểu, sát thực tế… để mọi người cùng góp ý là cách làm chính sách khôn ngoan nhất. Phải thay đổi, bắt đầu từ Luật thuế tài sản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận