Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Thủ tướng về hồ sơ nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TP.HCM kết nối 5 tỉnh, thành Đông Nam Bộ.
Đây là dự án có quy mô lớn thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), có kế hoạch trình Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 10-2024. Đến nay, các địa phương được giao nhiệm vụ đang triển khai chuẩn bị theo hai phương án.
Chọn phương án làm đường nối 5 tỉnh, thành Đông Nam Bộ
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương án 1 là giao các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức triển khai theo 5 dự án thành phần độc lập như văn bản chỉ đạo của Thủ tướng năm 2021. Theo đó cần giao cho một cơ quan chủ trì xây dựng nghị quyết thí điểm về cơ chế đặc thù cho các dự án trình Quốc hội ban hành 10 cơ chế đặc thù như đề xuất của các địa phương.
Phương án này có ưu điểm là các chính sách tại nghị quyết thí điểm sẽ có hiệu lực ngay khi được Quốc hội thông qua. Một số địa phương không sử dụng ngân sách trung ương hỗ trợ như TP.HCM có thể phê duyệt được dự án ngay, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án.
Tuy nhiên, nhược điểm là việc xây dựng nghị quyết thí điểm phải làm thủ tục như một bộ luật. Trong đó có những chính sách chưa có tiền lệ được Quốc hội cho phép áp dụng như cho phép tỉnh Long An quyết định chủ trương đầu tư dự án tương đương dự án trọng điểm quốc gia. Khi dự án chia thành 5 dự án nhỏ sẽ gặp khó khăn cho cơ quan điều phối chung, khó khăn trong việc thu hút nhà đầu tư, tiến độ sẽ khó đảm bảo đồng bộ.
Phương án 2 là ghép 5 dự án thành phần qua 5 địa phương thành một dự án tổng thể trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo phương án này, dự án sẽ thuộc nhóm dự án quan trọng quốc gia, Thủ tướng giao một cơ quan chuẩn bị báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể trình Quốc hội. Việc này tương tự như khi làm vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 Hà Nội,
Ưu điểm của phương án này là có thể đưa các chính sách đặc thù vào nghị quyết của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Bên cạnh đó, TP.HCM đã có kinh nghiệm về thủ tục vì đã làm vành đai 3 TP.HCM. Các chính sách đặc thù có thể áp dụng ngay, thuận lợi cho công tác điều phối. Quy trình triển khai thực hiện chặt chẽ và theo hệ thống pháp luật chung. Dự án tuân thủ theo đúng quy hoạch, thuận lợi cho công tác thu hút nhà đầu tư, công tác kiểm tra, giám sát.
Nhược điểm của phương án là phải thực hiện theo trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát đầu tư, phải thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước.
Tại buổi làm việc với các địa phương và phân tích các yếu tố liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy, phương án 2 có nhiều ưu điểm, triển khai thuận lợi hơn. Đồng thời đây cũng là phương án TP.HCM kiến nghị.
Trình tự phê duyệt một dự án tổng thể ra sao?
Về trình tự thủ tục, sau khi nhận được hồ sơ trình thẩm định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước. Hội đồng sẽ thẩm định chủ trương đầu tư trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày thành lập.
Trên thực tế, hội đồng thẩm định cũng từng đã thực hiện trường hợp nhanh nhất là 45 ngày đối với dự án vành đai 3 TP.HCM bao gồm cả thời gian tiếp nhận hồ sơ, tiếp thu ý kiến thẩm định của các thành viên.
Sau khi hoàn thành công tác thẩm định, dự án sẽ trình Bộ Chính trị có ý kiến trước khi trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo quy định, đối với dự án, dự thảo trình Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội để các cơ quan tiến hành thẩm tra.
Với thời gian cấp bách như trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng sớm bố trí lịch họp để nghe các địa phương báo cáo về tình hình chuẩn bị và các kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện. Bởi hiện nay, dự án còn một số vấn đề chưa thống nhất, cần sự chỉ đạo của Thủ tướng. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện hồ sơ theo phương án 2.
Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, căn cứ hồ sơ hoàn thiện của TP.HCM, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thực hiện vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước theo đúng quy định trong thời gian sớm nhất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận