07/03/2015 19:00 GMT+7

Bó hoa rưng rưng gửi những phận đời không 8-3

QUỐC MINH - MAI HOA
QUỐC MINH - MAI HOA

TTO - Chúng tôi đem đến chút bất ngờ cho người phụ nữ nghèo tơi tả đang nuôi chồng trong bệnh viện; người phụ nữ khác quanh năm nhặt rác mưu sinh trên đường phố... “Sắp đến ngày gì ấy nhỉ?” - một chị bảo.

PV Tuổi Trẻ tặng hoa và quà cho chị Trần Thị Mỹ Hạnh ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Với nhiều phụ nữ, 8-3 là ngày của hoa hồng,quà tặng và lời yêu thương. Nhưng với những phận nghèo, lễ phụ nữ vẫn là ngày đổ mồ hôi cơ cực mưu sinh. Nhiều người còn không nhớ có một ngày đặc biệt ấy dành cho mình…

Chị ngượng nghịu, chùi bàn tay đen nhẻm vào gấu áo. Chúng tôi đem đến chút bất ngờ cho người phụ nữ quanh năm nhặt rác mưu sinh trên đường phố. “Sắp đến ngày gì ấy nhỉ?” - chị cau mày cố nhớ, rồi chợt cười bẽn lẽn. Mồ hôi chảy trên gương mặt đen sạm nắng gió, bụi đường.

Bên xóm “Kênh nước đen”

Nắng trưa rải lửa trên đường phố. Chị Lê Thị Sửu còng lưng đạp xe rác, dẫn chúng tôi về xóm trọ bên kênh nước đen, P.Thạnh Lộc, Q.12 (TP.HCM). Người em chị cũng mới đi nhặt rác về, mệt mỏi đạp xe theo. Hai chị em còng lưng lặng lẽ đi qua các đường phố đã ngập tràn sắc hoa ngày lễ phụ nữ ...

Tâm sự chuyện đời mình, chị Sửu rưng rưng kể quê nhà ở Vĩnh Phúc, đã bảy năm vào Nam lượm ve chai mưu sinh. 56 tuổi, chị đã có sáu con và một đàn cháu ngoại. Con gái chị vừa học hết lớp 9 là nghỉ lấy chồng. Cứ mỗi lần cưới con là vợ chồng chị lại thêm nợ.

Trả chưa hết cho đứa này, thì đứa kia lại cưới. Còn đứa con trai duy nhất mới học xong đại học, vừa gọi điện kêu mẹ mua xe máy để xin việc. Hồi trước tết, cậu vào nhặt ve chai với mẹ được bốn tháng chịu không thấu, lại ngược về Bắc. Tết này là cái tết thứ tư vợ chồng chị lặng lẽ qua ngày ở Sài Gòn.

Hồi đầu, chị Sửu theo chân em dâu vào Nam kiếm sống, người chồng nhất quyết không cho đi. Chị ở lại mà nhấp nhổm không yên. Miếng cơm manh áo quá nặng nề, khó kiếm ở quê nhà. Đi chở sắn thuê, mỗi ngày chị còng lưng đạp xe chở hơn 200 kg. Người chị sụt hơn 10 kg, nhưng cái nghèo vẫn chẳng tha gia đình. Một hôm, chị lả đi, ngã lăn ra đường, tưởng không thể gượng dậy được nữa. Nhưng em dâu về, chị lại cố nén đau, xin  đi cùng.  Chị quệt nước mắt, ra chợ, xin một cái túi ni lông đựng hai bộ quần áo, về nhà dắt thêm chiếc xe đạp, rồi đi.

“Thôi em đi, anh ở nhà ráng thay em lo cho con học hành. Em làm được thì ở đến tết, không được sẽ về ngay”- chị nghẹn nói,  rồi đi như ma đuổi, không dám quay đầu lại. Cả nhà khóc nhìn theo. Chị cắn răng, lên xe vào Sài Gòn ...

Ngày con trai cũng vào Sài Gòn học, chị mới dám động viên chồng cùng vào. Nhọc nhằn chắt chiu từng đồng mưu sinh, nếu chúng tôi không hỏi chị Sửu cũng không hề nhớ có ngày lễ phụ nữ trên cõi đời này. “Mấy hôm tết xa nhà, tôi định mua con gà. Nhưng anh ấy cản, mình chả ăn bao nhiêu, thôi dành dụm cho con cháu”- chị buồn buồn kể.   

PV Tuổi Trẻ tặng hoa và quà cho chị Lê Thị Sửu khi chị vừa đi bán ve chai về trưa 6-3 - Ảnh: Mai Hoa

Buổi chiều ở “xóm ve chai” bên dòng kênh nước đen này, chúng tôi còn nghe bao cảnh đời phụ nữ buồn khổ khác. Phòng bên cạnh, chị Lê Thị Đông, 47 tuổi, có chồng bị bệnh ở quê, nhiều lúc không thể đi lại được. Hai đứa con trai, đứa lớn mới học nghề xong, chưa có việc làm, đứa nhỏ còn đi học. Chị ngày ngày còng lưng đạp xe nhặt rác, chắt bóp từng đồng gửi về nhà.  Cuộc sống quá cơ cực và nặng gánh gia đình, cơ thể chị Đông tiều tuỵ đến nỗi chỉ còn hơn 30kg. Nhiều đêm, chị mệt lả, muốn gục xuống bãi rác ven đường, nhưng lại cố gượng dậy khi nghĩ đến hình ảnh chồng con đang ngóng đợi ở quê nhà ...

Hai phụ nữ và ngôi nhà buồn

Trong căn nhà nhỏ ở chung cư 210 Đề Thám (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM). Gần 9g, chị Nguyễn Thị Mai Lan (56 tuổi) đi chợ sáng vẫn chưa về. Người mẹ 85 tuổi, bệnh tiểu đường, mất trí nhớ. Cha 91 tuổi, nằm liệt 8 năm nay sau cơn tai biến. Ba em trai đều đã bốn, năm chục tuổi cùng mắc bệnh trí não. Chừng ấy con người bấu víu, dựa dẫm vào hai phụ nữ. Người chẳng dám lấy chồng. Người thì lấy chồng rồi cũng phải chia tay vì quá nặng gánh gia đình.

Sáng chúng tôi đến, chị Trâm Anh, em gái chị Lan, vẫn nằm lả dưới sàn. Xung quanh, ba người anh đã thức dậy từ lúc nào, đi đi lại lại, hết nghịch chén đũa, lại lấy đồ chỗ này vất chỗ kia.  Mẹ chị ngồi trên ghế cười khùng khục. Cha chị nằm trên giường, vẳng tiếng ư ử chẳng biết là tiếng ngáy hay rên rỉ. Những đêm dài mệt mỏi như thế cứ triền miên nối tiếp nhau, chị Trâm Anh không thể nào  chợp mắt được.

Nhận giỏ hoa tươi chúng tôi trao tay, chị vừa ngạc nhiên vừa bối rối chưa dám tin nó là của mình. Trong căn nhà này, nắng hay mưa, ngày hay đêm, ngày thường hay ngày lễ tết đâu có ai phân biệt được, nói gì đến ngày lễ phụ nữ. Trong phút chốc, trái tim trĩu nặng khổ đau của người phụ nữ bất hạnh này dường như mềm lại.

Tâm sự với chúng tôi, chị Trâm Anh kể mấy ông anh vầy là đỡ lắm rồi, vì giờ người chị đi làm, có chút tiền mua được thuốc uống. Hồi trước, những người đàn ông to lớn này cứ đập phá, chửi rủa, dọa đánh giết cả nhà. Có người còn nhảy qua lan can lầu xuống đất, gãy chân tay, làm khổ cho hai người chị vốn đã quá vất vả. 

Ngày ngày, chị Lan đi chợ sớm. Còn chị Trâm Anh ở nhà cho mẹ uống sữa, uống thuốc, thay băng cho cha. Bà cụ có bữa ngậm thuốc rồi phun cả vào mặt chị. Ông cụ không tự tiêu tiểu được nên phải sát trùng, thay băng hàng ngày. Nhờ sự khéo léo của hai chị em, đã nằm suốt 8 năm ông cụ vẫn chẳng ám mùi hôi hám, hoại tử... 

Mỗi sáng chờ chị Lan về, chị Trâm Anh mới chạy sang quận 3 mở hàng. Chị có một sạp quần áo nhỏ,  ấy là nguồn sống của cả gia đình...

CHị Nguyễn Thị Trâm Anh bất ngờ khi nhận hoa từ phóng viên báo Tuổi Trẻ trao sáng 7-3 - Ảnh: TTD

Chị Mai Lan đã về, lỉnh kỉnh những thứ cho gia đình đầy người già cả, ốm đau. Thời con gái, chị Lan cũng nổi tiếng đẹp, cũng được nhiều người yêu thương dù biết hoàn cảnh chị. Nhưng thương em, thương cha mẹ, chị lần lữa mãi đến lỡ duyên, rồi ngoảnh đi ngoảnh lại giờ đã ở tuổi 56 rồi. “Thôi kiếp này đã lỡ, kiếp sau thể nào cũng ráng lấy chồng.

Có người hỏi tui sao không đưa cha mẹ vô viện dưỡng lão, mấy đứa em vô trại tâm thần cho đỡ cực. Nhưng tui mới nghĩ đến cảnh đó đã thắt ruột thắt gan rồi. Ai chăm mẹ, chăm em bằng mình được...”, chị Lan nói một hơi dài. Câu trước còn cười đùa, câu sau đã nghẹn ngào rơi nước mắt!

Tận cùng nỗi đau

Chỉ vài ngày tìm đến với những mảnh đời không có ngày 8-3, chúng tôi đã phải lặng nghe biết bao bi kịch của số phận. Ngồi lặng bên chồng đang ngày càng yếu dần trong Bệnh viện ung bướu, chị  Trần Thị Mỹ Hạnh, quê ở xã Bình Thắng, H.Bình Đại, tỉnh Bến Tre, nhiều lần phải quay mặt đi để giấu làn nước mắt khổ đau.

Cuộc đời người phụ nữ nghèo khổ này chưa bao giờ có một ngày yên bình, không phải nặng trĩu nỗi lo cơm áo, bệnh tật. Chị nghẹn ngào tâm sự: “Kể ra thì ngượng, nhưng cảnh nghèo cứ đeo đẳng như truyền kiếp trong gia đình tôi. Cha tôi thuộc diện đói nghèo ở địa phương, đến đời tôi cũng phải cầm sổ nghèo. Nhà tình thương lần thứ nhất tặng cho cha tôi bị bão đánh sập. Bây giờ tôi lại ở căn nhà tình thương thứ hai!”.

Tâm sự về đời mình, Hạnh ứa nước mắt kể thật lòng cô chưa bao giờ biết 8-3 là ngày gì, phụ nữ được hạnh phúc ra sao. Tuổi con gái của cô ở quê là chuỗi ngày theo cha mẹ  đầu tắt mặt tối làm thuê để đong gạo ăn từng bữa. Họ ở trong cái chòi lá rách nát đến nỗi không biết đứng vào đâu cho khỏi ướt trong mỗi trận mưa.

Tận cùng bi kịch ập xuống gia đình cô khi người mẹ lìa đời năm con mới ba tuổi. Vài năm sau đến lượt người cha đổ bệnh, nằm liệt giường hơn một năm rồi cũng ra đi. Thành phận mồ côi, cô bé Hạnh nhỏ xíu phải nghỉ học để vừa là cha vừa là mẹ nuôi đứa em thơ duy nhất của mình. Nhiều bữa không đủ gạo nấu, cô phải nhường phần cơm của mình cho em ...

Năm 2008, Hạnh tìm được tình yêu với người con trai ở xóm bên. Họ nhanh chóng nên duyên, có hai đứa con trai bụ bẫm. Cuộc sống mỗi ngày của họ vẫn hết sức cơ cực, khi không ruộng vườn, miếng cơm manh áo của cả gia đình chỉ trông chờ vào mỗi việc làm thuê ở xóm quê vốn nghèo khó. “Tuy nhiên, dù khó khăn, nhưng tôi cũng bắt đầu tìm thấy niềm vui anh ạ. Cảm giác thật yên bình, hạnh phúc khi mỗi tối được quây quần bên chồng con dù chỉ là mâm cơm mắm với canh rau. Bây giờ thì …”.

Hạnh không kìm được tiếng nấc, cô gục đầu, nước mắt rơi lã chã trên gương mặt người chồng cũng đang chuẩn bị lìa cô ra đi. Hạnh phúc cô gái quê nghèo chưa kịp đong đầy. Tận cùng nỗi đau lại ập đến với số phận phụ nữ này khi người chồng phát bệnh ung thư! Vì quá nghèo, lại thương con thơ bữa đói bữa no, họ phải trốn bệnh viện về để lo cho con.

Và bây giờ thì căn bệnh ung thư hiểm nghèo của anh đã sang giai đoạn cuối. Được ít tiền từ những người tốt bụng, cô lại dìu chồng lên bệnh viện. Bác sĩ thở dài: “Sao đến trễ quá vậy?”. Hạnh không biết trả lời thế nào, chỉ khóc tuyệt vọng với chồng…

Tặng Hạnh bó hoa trong bệnh viện mà chúng tôi cũng nghẹn giọng, chẳng thể nói nên lời chúc. Ngoài phố, hoa vẫn nở tươi, tiếng cười vẫn tràn ngập, nhưng sao hạnh phúc ngày 8-3 quá xa vời với những mảnh đời phụ nữ bất hạnh này!

QUỐC MINH - MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp