Trường ĐH Luật TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Chiều nay 20-5, bà L.T.A.N. - giảng viên khoa luật quốc tế Trường ĐH Luật TP.HCM - xác nhận bà vừa nhận được văn bản trả lời đơn công dân của Bộ GD-ĐT.
Bà L.T.A.N. cho biết thêm năm 2016 bà từng viết hai đơn cứu xét gửi Bộ GD-ĐT về việc bị "trường trù dập" nhưng bộ không giải quyết. Đến tháng 6-2018, bà N. gửi đơn tố cáo trưởng khoa luật quốc tế cô lập bà trong một số hoạt động chuyên môn và tháng 12-2018 bà N. gửi đơn tố cáo trưởng khoa luật quốc tế đạo văn.
Sau đó, khoảng tháng 8-2019, có người trong trường gửi đơn tố cáo đến lãnh đạo nhà trường cho rằng bà N. không thường xuyên tham gia các hoạt động của trường, vắng họp khoa, tự ý bỏ việc và đi nước ngoài không xin phép...
Tháng 12-2019, trường công bố kết luận nội dung tố cáo cho rằng việc bà L.T.A.N. tự ý bỏ việc và đi nước ngoài không xin phép là tố cáo đúng... Ngay sau đó, bà N. tiếp tục gửi đơn tố cáo đến Bộ GD-ĐT cho rằng ông Trần Hoàng Hải và bà Nguyễn Tú Anh - phụ trách phòng thanh tra nhà trường - liên tục bỏ sót thông tin, xác minh không chính xác, kết luận rằng bà tố cáo sai.
"Bộ GD-ĐT chuyển đơn tố cáo này về trường, nhưng nhà trường thụ lý và giải quyết trái pháp luật tố cáo, không thỏa đáng. Tuy nhiên, lúc đó tôi không khiếu nại vì sợ việc thực hiện đề tài cấp bộ, bị trả thù. Đến nay tôi mới nhận được văn bản trả lời từ bộ", bà N. cho hay.
Trong văn bản trả lời đơn công dân gửi bà L.T.A.N., Bộ GD-ĐT cho biết bộ có nhận đơn tố cáo tiếp của bà N. ghi ngày 12-1-2020 và ngày 25-3-2020 có nội dung tố cáo "ông Trần Hoàng Hải - phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM - vi phạm trong việc ban hành kết luận nội dung tố cáo đối với bà L.T.A.N., số 1125/KL-ĐHL ngày 12-12-2019".
Về việc này, Bộ GD-ĐT có ý kiến: theo quy định của Luật tố cáo, người tố cáo có 7 quyền, trong đó có quyền "khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật", luật không quy định quyền tố cáo tiếp của người bị tố cáo. Điều này có nghĩa bà N. là người đang bị tố cáo nên không có quyền tố cáo tiếp.
Việc tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết là quyền của người tố cáo theo quy định của Luật tố cáo.
"Sau khi xem xét đơn và các tài liệu do trường cung cấp cho thấy với vai trò là người bị tố cáo thì bà L.T.A.N. không có quyền tố cáo tiếp đối với việc ban hành kết luận số 1125/KL-ĐHL. Vì vậy, nếu cho rằng việc ban hành kết luận trên có nội dung ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, đề nghị bà thực hiện quyền khiếu nại theo quy định.
Trường hợp bà N. đã gửi đơn khiếu nại đến trường nhưng không được xem xét giải quyết hoặc có giải quyết nhưng không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của trường và bà N. có đơn đến Bộ GD-ĐT thì bộ sẽ xem xét giải quyết", Bộ GD-ĐT nêu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận