Anh trai từ giã giảng đường rồi đi làm thuê ở xa, nên một mình Định phải xoay xở chăm sóc mẹ đau yếu - Ảnh: B.D. |
Bằng tuổi em, các bạn giờ là sinh viên năm hai, năm ba rồi, nhưng hoàn cảnh không cho em lựa chọn. Em chỉ mong mẹ sống được ngày nào hay ngày đó vì mình có thể không làm việc này vẫn còn việc khác, còn mẹ thì chỉ có một |
Nguyễn Hữu Định |
Nguyễn Hữu Định - em trai của Nam - dù học hết lớp 12 cũng không thể đi thi ĐH, trở về nhà xin đất trồng rau để cứu mẹ.
Ông Nguyễn Huy Lý - dượng của Nam và Định - nói: “Cả Nam lẫn Định đều học rất khá, nhưng giờ hoàn cảnh ngặt nghèo đã làm dang dở tất cả. Hàng xóm ở đây ai cũng thương, nhưng chỉ giúp được bằng cách mỗi sáng ra chợ mua cho Định một bó rau muống để anh em nó có thêm tiền mua thuốc cầm cự cho mẹ”.
Ước mơ dang dở
Nhà Nam và Định nằm hiu hắt giáp cánh đồng mía ở rìa thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), vùng đất được mệnh danh là “chảo lửa” của Tây nguyên. Ở trong ngôi nhà gỗ, bà Thân Thị Đức (56 tuổi) - mẹ của Nam và Định - gầy nhom, đưa mắt buồn qua cửa sổ nhìn con trai đang cắt từng cọng rau muống trong ao: “Từ năm 2011, khi tôi bắt đầu đổ bệnh đến nay, thằng Nam bỏ học đi xa làm thuê miết, một mình Định ở nhà học hết 12 rồi trồng rau muống, mỗi sáng đem ra chợ bán lấy tiền mua thuốc cho tôi” - bà Đức nghẹn ngào.
Bà Đức cho biết trước đây vợ chồng bà làm nông, quanh năm nghèo khó ở Hà Tĩnh cặm cụi nuôi con, nhưng chồng bà chẳng may mất sớm. Ông Nguyễn Huy Lý cho biết một lần về quê thăm ông bà tổ tiên, thấy mẹ con bà Đức quá nghèo khổ, bà Đức bệnh tật và yếu đi từng ngày nên vợ chồng ông bàn với nhau đưa mẹ con bà Đức lên huyện Krông Pa để làm ăn. “Mình phải nuôi con, điều kiện cũng không khá giả, nhưng thấy chị, cháu mình khổ quá nên không cầm lòng được” - ông Lý nói.
Khi về Krông Pa, cả ba mẹ con hằng ngày đi làm thuê nuôi nhau qua ngày, rồi được anh em cho một miếng đất làm nhà, dựng lều để mẹ con có chỗ ra vào. Hằng ngày ngoài thời gian đi học, cả Nam và Định theo mẹ đi cuốc cỏ, rồi trồng rau muống gánh ra chợ bán sống qua ngày. Sống trong cảnh chắp vá, thiếu thốn nhưng cả Nam và Định đều học khá. Kỳ thi đại học năm 2010, Nam trúng tuyển vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM với ước mơ trở thành kỹ sư. Ngày lên đường, mấy mẹ con động viên nhau dù nghèo nhưng cố gắng làm thêm, rồi học hành ra trường để thoát cảnh nghèo khó.
Nam biết mẹ đau yếu, làm lụng vất vả nhưng vẫn quyết tâm lên đường vào thành phố. Nhưng ước mơ bị chặn đứng khi vào năm thứ hai ĐH, Nam nhận được tin dữ mẹ bị bệnh trụy tim, phải chữa trị cấp bách để duy trì sự sống. Ở trường, vừa nghe tin nhà, Nam liền bắt xe về quê phụ em nuôi mẹ.
Nhà đã khó lại càng khó hơn. Một tuần sau, Nam trở lại trường xin đăng ký bảo lưu kết quả học tập, quyết tâm ra ngoài đi làm “thợ đụng” kiếm tiền nuôi mẹ, dự định năm sau học tiếp. Thế nhưng kết thúc năm, bệnh tình của mẹ không khá hơn, mỗi ngày phải thuốc men cả trăm ngàn đồng nên Nam quyết định bỏ học, gửi lại trường ước mơ làm kỹ sư để lang thang đi làm kiếm tiền nuôi mẹ.
“Vì mẹ chỉ có một”
Ngày chúng tôi về thăm nhà của ba mẹ con Nam, Định, ngôi nhà ấy gần như trống trơn, không còn thứ gì đáng giá. Bà Đức gầy khô, da dính sát vào xương và nặng chưa đầy 35kg. Đã gần một năm nay bà sống chủ yếu nhờ thuốc, mỗi ngày tốn hơn 100.000 đồng tiền điều trị. Mọi sinh hoạt từ tắm giặt, ăn uống, vệ sinh đều do chàng trai hiếu thảo Nguyễn Hữu Định lo liệu.
Định năm nay 23 tuổi, cao ráo, hiền lành. Hỏi đến việc học hành, Định ngồi quay mặt ra ngoài rồi thở dài nói: “Em học hết 12 rồi nghỉ luôn từ đó. Hồi đó định thi theo anh trai nhưng ai cũng bảo mẹ mày như thế, đi học ĐH rồi ai lo cho mẹ nên em chẳng dám nghĩ ngợi gì nữa. Giờ ở nhà lo cho mẹ, sáng cắt rau muống ra chợ bán lấy tiền mua gạo, mua thuốc”.
Từ ngày mẹ đổ bệnh đến nay, Nguyễn Hữu Nam phải đi khắp nơi, hết TP.HCM rồi qua Lào, Thái Lan theo người làng đi làm thuê kiếm tiền. Người dân ở Phú Túc thương mẹ con nghèo khó đã gọi Định tới rồi giao cho các thửa ruộng có nước, các khoảnh ao để Định có thể trồng rau muống.
Chàng học trò vừa dứt áo thư sinh đã trở về làm nông dân thực thụ, sáng ra ao nhổ cỏ, bón phân quần quật với các ruộng rau muống; tối đến lại chong đèn cắt tỉa rau, xếp thành bó, tưới nước cho rau tươi, sáng mai đánh chiếc xe máy cọc cạch chở ra chợ bán. Thầy cô giáo cũ, người dân ở Phú Túc biết hoàn cảnh của Định đã xúm nhau mua giúp rau. “Mỗi bữa ra chợ như thế em bán được khoảng 100.000 đồng, được bao nhiêu gửi bấy nhiêu đi TP.HCM mua thuốc về cầm cự cho mẹ” - Định nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận