31/01/2021 07:09 GMT+7

Bộ GD-ĐT: Sẵn sàng cho dạy học trực tuyến

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Trường THCS Ngoại ngữ và Trường THPT Ngoại ngữ (trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) đã chuyển 100% học sinh sang học trực tuyến, nhiều trường khác cũng đã sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến.

Bộ GD-ĐT: Sẵn sàng cho dạy học trực tuyến - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) được kiểm tra thân nhiệt trước khi vào lớp - Ảnh: VĨNH HÀ

Ngày 30-1, Bộ GD-ĐT ban hành công văn hướng dẫn điều chỉnh kế hoạch dạy học ứng phó với dịch COVID-19, yêu cầu các nhà trường xem xét cho học sinh nghỉ học nếu địa phương có ca nhiễm COVID-19, F1, F2 và chuyển sang dạy học trực tuyến hoặc các hình thức khác.

Theo Bộ GD-ĐT, trường hợp không an toàn cho giáo viên, học sinh, cần xem xét quyết định cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế.

Phản ứng nhanh của ngành giáo dục

Công văn của Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ trường hợp học sinh phải nghỉ học 100%, có thể áp dụng các hình thức dạy học gián tiếp thay thế theo đúng các hướng dẫn mà bộ đã ban hành. 

Bộ cũng yêu cầu các sở chỉ đạo các nhà trường chuẩn bị phương án điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, chủ động triển khai tổ chức dạy học trực tuyến hoặc các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhà trường để thực hiện chương trình, phòng chống và ứng phó kịp thời khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, việc điều chỉnh kế hoạch dạy học để thích ứng với các tình huống khác nhau, trong đó có tình huống học sinh không đến trường vì dịch COVID-19, đã được bộ hướng dẫn từ năm học trước và nêu trong nhiệm vụ năm học 2020 - 2021.

Ngay cả khi học sinh vẫn đến trường, các trường cũng có thể điều chỉnh một phần nội dung dạy học chuyển sang trực tuyến hoặc bố trí thời gian dạy học trực tiếp, trực tuyến chéo nhau giữa các khối lớp để đảm bảo học sinh không tập trung quá đông trong một thời điểm.

Bộ GD-ĐT: Sẵn sàng cho dạy học trực tuyến - Ảnh 2.

Giáo viên Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội, đã sẵn sàng dạy trực tuyến từ 1-2 - Ảnh: V.HÀ

Các trường sẵn sàng

Tại Hà Nội, nhiều trường phổ thông đã có kế hoạch và thông báo cho cha mẹ học sinh chuẩn bị tinh thần cho học sinh chuyển sang học trực tuyến. Trường đầu tiên thực hiện việc chuyển 100% học sinh sang dạy học trực tuyến là Trường THCS Ngoại ngữ và Trường THPT Ngoại ngữ (trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội). 

Theo ông Đỗ Tuấn Minh - hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội), học sinh 2 trường trên đều chuyển sang dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu trên nền tảng Microsoft Teams từ ngày 29-1, đồng thời hoãn tất cả các kỳ thi của trường diễn ra trong ngày này.

Từ ngày 29-1, theo thông báo của hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường THPT chuyên Đại học sư phạm, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành chuẩn bị sẵn sàng cho việc dạy học qua mạng. Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã họp gấp về tình hình hiện tại và quyết định chuyển sang phương án dạy học trực tuyến từ ngày 1-2.

Ông Lê Trung Kiên - hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) - cũng cho biết trường đã chuẩn bị sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến. Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) từng là một trong những trường công lập đi đầu trong việc thực hiện dạy học trực tuyến theo thời khóa biểu. Theo bà Nguyễn Thị Nhiếp - hiệu trưởng nhà trường, trường luôn sẵn sàng các điều kiện về nền tảng công nghệ thông tin, đội ngũ giáo viên để "vào cuộc".

Tuy nhiên theo bà Nhiếp, để thực hiện hiệu quả, khi chuyển sang dạy học trực tuyến trường vẫn phải điều chỉnh kế hoạch dạy học. 

"Khi dạy học trực tuyến, khó có thể xếp 4 tiết/buổi với thời gian 45 phút/tiết vì học sinh sẽ rất mệt. Vì thế chúng tôi đã phải tính toán xây dựng lại số tiết/môn học để sao cho mỗi một tiết dạy trực tuyến chỉ tối đa 40 phút. Học sinh cần có thời gian nghỉ giữa các tiết học" - bà Nhiếp nói.

"Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học"

hs quang ninh 31012021 3(read-only)

Học sinh Trường tiểu học Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh học trực tuyến tại nhà thời điểm tháng 4-2020 - Ảnh: NGỌC ÁNH

Ngành giáo dục của các địa phương đang có học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19 như Hải Phòng, Hải Dương, Quảng Ninh... đều có hướng dẫn, chỉ đạo các trường căn cứ điều kiện hoàn cảnh để triển khai dạy học trực tuyến và phương án học bù, thực hiện tốt chủ trương "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng học".

Ghi nhận tại các địa phương nói trên cho thấy việc kích hoạt việc dạy học trực tuyến qua Internet và trên truyền hình trong thời gian học sinh phải tạm dừng việc đến trường đều đã được các sở GD-ĐT triển khai tới các trường.

Theo đó, hình thức dạy học trực tuyến đã được hướng dẫn chi tiết, đầy đủ từ năm học 2019 - 2020 và trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 của các cấp học, phù hợp với từng trường, từng đối tượng học sinh.

Tại tỉnh Quảng Ninh, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT, trong trường hợp học sinh trên địa bàn tỉnh tiếp tục phải nghỉ học ở nhà thì việc dạy học trực tuyến sẽ được thực hiện ngay từ thứ hai (1-2). Cụ thể, ở những nơi có đủ điều kiện thuận lợi triển khai dạy học trực tuyến thì phải có kế hoạch phù hợp đối với từng lớp, sử dụng nhiều phương pháp trong tổ chức dạy học, đảm bảo có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, giữa giáo viên và gia đình học sinh.

Những nơi chưa đảm bảo điều kiện dạy học trực tuyến, nhà trường phối hợp với gia đình cũng như một số tổ chức chính trị ở địa phương để có giải pháp phù hợp như giao các phiếu học tập cho học sinh. Khuyến khích các cơ sở giáo dục phối hợp xây dựng bài giảng qua Internet, trên truyền hình và chia sẻ để làm tư liệu tham khảo cho các cơ sở giáo dục khác.

Đối với cấp học mầm non, tiếp tục tăng cường triển khai các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà trong thời gian nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19. Phát động phong trào xây dựng video clip "Hướng dẫn phụ huynh về nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non khi trẻ ở nhà" trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non. Khuyến khích xây dựng video clip ở tất cả các độ tuổi, lĩnh vực phát triển giáo dục. Tích cực chia sẻ video clip giữa các đơn vị (huyện, trường) để tạo nguồn tư liệu hỗ trợ cho cha mẹ trẻ.

TIẾN THẮNG

Không bỡ ngỡ

Theo bà Nguyễn Thị Nhâm Huyền - hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội), trường đã chuẩn bị kỹ cho phương án dạy học trực tuyến ngay từ đầu năm học 2020 - 2021 theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đã có thực tiễn triển khai việc này từ năm học trước nên không bỡ ngỡ. Việc dạy học trực tuyến có thể triển khai từ tuần tới. Trước đó, Trường THPT Phan Đình Phùng có học sinh là F1 nên đã xin ý kiến Sở GD-ĐT Hà Nội cho học sinh toàn trường nghỉ học từ ngày 29-1.

Thái Bình: chưa có bệnh nhân COVID vẫn cho học sinh nghỉ học

Dù trên địa bàn hiện chưa có trường hợp lây nhiễm COVID-19, trước những diễn biến phức tạp của dịch và cũng là địa phương nằm tiếp giáp với tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh Thái Bình ngày 30-1 quyết định đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc cho học sinh nghỉ học để phòng chống dịch COVID-19.

Theo đó, học sinh các cơ sở giáo dục mầm non, THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các trung tâm ngoại ngữ, tin học, giáo dục kỹ năng sống... trong toàn tỉnh sẽ nghỉ học tạm thời từ ngày 1-2 cho đến khi có thông báo đi học trở lại. Trong thời gian học sinh nghỉ học, Sở GD-ĐT chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục điều chỉnh kế hoạch giáo dục của đơn vị, tổ chức các hoạt động giáo dục qua Internet, trên truyền hình và các hình thức giáo dục phù hợp khác.

Dạy học trực tuyến không còn xa lạ Dạy học trực tuyến không còn xa lạ

TTO - Đó là chia sẻ của nhiều sinh viên, giảng viên khi hình thức dạy học trực tuyến đang được coi là phương án tối ưu nếu dịch COVID-19 tái bùng phát.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp