10/06/2019 15:14 GMT+7

Bộ GD-ĐT lên tiếng vụ trường đại học khai giảng viên cơ hữu 'ảo'

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Bộ GD ĐT cho biết đã và đang thực hiện việc hậu kiểm hết sức chặt chẽ, sau khi có kết quả kiểm tra sẽ có chế tài, xử lý nghiêm minh đối với các trường đại học sai phạm.

Bộ GD-ĐT lên tiếng vụ trường đại học khai giảng viên cơ hữu ảo - Ảnh 1.

Trường ĐH Võ Trường Toản đã cập nhật đề án tuyển sinh, loại giảng viên trùng khỏi danh sách - Ảnh: V.T.T.

Liên quan đến thông tin tình trạng giảng viên cơ hữu trùng nhau, cử nhân dạy đại học, nhiều ngành chỉ có 1 giảng viên cơ hữu mà Tuổi Trẻ phản ánh, Bộ GD-ĐT đã có trao đổi thêm về vấn đề này.

Ông Phạm Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết khi nhận được thông tin phản ánh của Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT đã tạm thời dừng việc công bố công khai Đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học này trên cổng thông tin tuyển sinh của bộ.

* Được biết bộ có phần mềm phát hiện trùng giảng viên cơ hữu của các trường. Bộ có chạy phần mềm này không và đã phát hiện trùng giảng viên cơ hữu của các trường chưa, ngoài danh sách phóng viên cung cấp?

- Phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu về đội ngũ giảng viên các cơ sở giáo dục đại học đang trong giai đoạn hoàn thiện. Mặc dù bước đầu phần mềm này đã hỗ trợ việc rà soát để phát hiện sự trùng lặp giảng viên cơ hữu trong các cơ sở giáo dục đại học.

Tuy nhiên, do cơ sở dữ liệu để đối chiếu giữa các cơ sở giáo dục đại học chưa đầy đủ và hiện tại chưa có cơ sở dữ liệu về lực lượng khoa học công nghệ toàn quốc để đối chiếu giữa trong hệ thống giáo dục đại học với các cơ quan tổ chức bên ngoài hệ thống giáo dục đại học nên việc rà soát để phát hiện sự trùng lặp còn gặp nhiều khó khăn.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ GD-ĐT đã và đang hoàn thiện lại hệ thống cơ sở dữ liệu giáo dục, trong đó có dữ liệu giáo dục đại học, dữ liệu về đội ngũ giáo viên nhằm phục vụ quản lý nhà nước được chặt chẽ hơn.

Các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải khai báo đầy đủ các thông tin theo quy định như các thông tin của giảng viên cơ hữu, học sinh, sinh viên... vào hệ thống. Các thông tin này sẽ được công khai để xã hội giám sát và cơ quan quản lý nhà nước theo dõi, quản lý.

Bộ đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học có liên quan phải nghiêm túc rà soát lại toàn bộ danh sách giảng viên của nhà trường. Khi phát hiện có danh sách giảng viên trùng, các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải tự chỉnh lại Đề án tuyển sinh và xác định lại chỉ tiêu tuyển sinh đảm bảo đúng quy định, báo cáo về Bộ GD-ĐT (giải trình đối với từng trường hợp cụ thể) để bộ tổng hợp, điều chỉnh và công khai trên công thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

* Việc kê khai trùng này là sự gian dối để tăng chỉ tiêu tuyển sinh? Việc gian dối này bị xử lý thế nào?

- Theo quy định của Thông tư 01 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 06 về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học và trình độ cao đẳng đẳng trung cấp sư phạm, các trường được tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh (Bộ GD-ĐT không xác định chỉ tiêu cho trường).

Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu vi phạm khai tăng chỉ tiêu tuyển sinh vượt quá năng lực đào tạo của cơ sở giáo dục đại học, bộ sẽ yêu cầu cơ sở giáo dục đại học phải rà soát lại và phải tự điều chỉnh lại chỉ tiêu đảm bảo theo đúng quy định, báo cáo về bộ để tổng hợp, điều chỉnh và công khai trên công thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.

Tùy theo mức độ sai phạm cơ sở đào tạo sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục hiện hành và các quy định khác có liên quan.

Bộ GD ĐT đã và đang thực hiện việc hậu kiểm hết sức chặt chẽ, đã thành lập các đoàn kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Sau khi có kết quả kiểm tra sẽ có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các cơ sở giáo dục đại học sai phạm và công bố công khai cho xã hội biết và tiếp tục giám sát.

Đối với đội ngũ giảng viên, ngoài việc phải đảm bảo thực hiện theo các quy định trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện theo các định về mở ngành đào tạo, quy chế đào tạo và các quy định có liên quan để đảm bảo chất lượng đào tạo".

Ông Phạm Như Nghệ - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT

* Trong đề án tuyển sinh các trường, nhiều ngành chỉ có vài giảng viên (chưa tới 10), có ngành chỉ có 1 giảng viên cơ hữu, có ngành không có tiến sĩ nào. Những ngành này đáng ra phải bị đình chỉ tuyển sinh?

- Thực hiện quy định của Luật Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT đã giao cho các trường tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh nhưng phải theo quy định đảm bảo điều kiện của Bộ GD-ĐT, đó là tỉ lệ sinh viên trên 1 giảng viên và diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của cơ sở đào tạo tính trên một sinh viên chính quy và yêu cầu về chủng loại và số lượng học liệu, trang thiết bị tối thiểu của các hạng mục công trình theo yêu cầu của chương trình đào tạo.

Ngoài các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các trường phải đảm bảo những điều kiện bắt buộc về chất lượng khác và phải công khai trên trang thông tin điện tử của trường.

Đồng thời, cập nhật đầy đủ và thường xuyên thông tin, số liệu chi tiết về các tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định, kết quả thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh vào phần mềm quản lý của Bộ GD-ĐT để xã hội và cơ quan quản lý nhà nước giám sát.

Mặt khác, theo quy định hiện hành, các trường cũng được quyền ký hợp đồng thỉnh giảng đối với các giảng viên, chuyên gia ngoài trường mời tham gia vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường. Tuy nhiên phải đảm bảo quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ tỉ lệ sinh viên/giảng viên.

Hàng năm, Bộ GD-ĐT đã và sẽ tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục đại học trong đó có nội dung thanh tra, kiểm tra về điều kiện đảm bảo chất lượng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh, việc duy trì điều kiện đảm bảo chất lượng trong việc mở ngành đào tạo… Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra sẽ có chế tài xử lý và công bố công khai cho xác hội biết và giám sát.

Đại học vi phạm không được tự xác định chỉ tiêu trong 5 năm

Theo ông Nghệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH quy định rõ "Cơ sở giáo dục đại học vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh thì bị xử lý theo quy định của pháp luật và không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong thời hạn 05 năm, kể từ khi có kết luận về việc vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2109 và đây sẽ là cơ sở pháp lý để xử lý đối với các cơ sở giáo dục đại học không thực hiện đúng quyền tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh.

Báo động chất lượng đại học - Kỳ 1: Giảng viên cơ hữu "ảo" Báo động chất lượng đại học - Kỳ 1: Giảng viên cơ hữu 'ảo'

TTO - Một người đứng tên giảng viên cơ hữu ở 2 trường khác nhau. Điều này tạo ra lượng giảng viên cơ hữu 'ảo' khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh và các điều kiện đảm bảo chất lượng không đúng thực tế.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp