Bà Nguyễn Thúy Anh - Ảnh: LÊ KIÊN
Sáng 13-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh, thảo luận tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu không tán thành với quy định thời hạn 5 năm với giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các ý kiến không đồng tình cho rằng quy định thời hạn sẽ làm tăng thêm thủ tục hành chính, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm này, Thường trực Ủy ban thống nhất giữ như quy định của luật hiện hành không quy định về thời hạn của giấy phép nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hạn chế tối đa việc gây khó khăn cho doanh nghiệp.
"Dự thảo luật đã bổ sung các điều kiện đối với doanh nghiệp được cấp giấy phép, cũng như bổ sung các quy định cụ thể về các trường hợp nếu doanh nghiệp dịch vụ vi phạm hoặc không đáp ứng được sẽ phải nộp lại hoặc bị thu hồi giấy phép, cơ bản bảo đảm bảo vệ tốt hơn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng" - bà Thúy Anh nói.
"Do đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, có ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài, nên việc cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và cập nhật hệ thống báo cáo thường xuyên, định kỳ phù hợp mới là công cụ hiệu quả để bảo đảm thực thi pháp luật và hạn chế các vi phạm pháp luật", bà khẳng định.
Phát biểu góp ý hoàn thiện dự thảo, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng dự án luật cần bổ sung các quy định nhằm nâng cao năng lực, chất lượng của người lao động Việt Nam trước khi đưa họ sang nước ngoài làm việc.
"Ra nước ngoài tôi thấy dân mình lao động rất khổ, như sang Trung Đông làm việc chân tay giữa trời nắng hay ở Malaysia phải trèo lên hái dừa cực nhọc" - ông Phúc nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng "khi đất nước phát triển chất lượng của lực lượng lao động phải nâng tầm, hiện không phải như cách đây 15 năm thiếu việc làm phải bôn ba đi tìm việc. Cần có chính sách đủ mạnh, đủ đúng để nguồn nhân lực đi lao động nước ngoài có trình độ cao hơn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận