Mùa hè sắp qua đi, mối lo ngày lại càng tăng bởi giờ đây các em còn phải đối diện với áp lực của việc học hành, thi cử.
"Mẹ giết bạn con rồi!"
Chị Thanh (quận Tân Bình, TP.HCM) đến giờ vẫn còn nhớ hình ảnh con chị khóc nức nở hét lên "Mẹ giết bạn con rồi!" khi chị cầm lấy chiếc điện thoại và xóa đi trò chơi mà con vừa dán mắt vào suốt gần hai tiếng đồng hồ. Quá bực, chị nổi nóng: "Mẹ chỉ xóa tên các bạn, sao con bảo là giết bạn được?".
"Ngày hè con chỉ có được mấy người bạn thân thiết để chơi, nói chuyện trên mạng. Mẹ làm vậy là giết bạn con chứ là gì?", con chị trả treo.
Lúc nóng giận là thế, nhưng đến khi ngồi nghĩ lại, chị Thanh thấy hành động của mình đúng là chưa được tâm lý. "Những đứa trẻ bây giờ đã khác xưa nhiều lắm. Dạy dỗ chúng vì thế quả là không đơn giản", chị nói.
Còn chị Yến (quận 12) kể: "Trong thời gian giãn cách do dịch COVID-19, gia đình tôi cho cháu cầm điện thoại lâu hơn để cháu bớt buồn. Chính điều này gây tai hại về sau. Khi hết giãn cách, cháu thay đổi tính tình, mê game, phản ứng dữ dội khi bị lấy lại điện thoại.
Gia đình đã phải tìm hết cách này đến cách khác để cháu bớt mê điện thoại, cho cháu tham gia hoạt động xã hội vào ngày cuối tuần, dẫn cháu về ngoại thường xuyên hơn để vui cùng cây cỏ, con vật... Thấy cháu tiến bộ hằng ngày, cả đại gia đình vui mừng".
Câu chuyện của chị Thanh, chị Yến chỉ là hai trong số rất nhiều tình huống mà các bậc phụ huynh đau đầu tìm cách để con thấy được niềm vui bên ngoài chiếc điện thoại. Nhưng phụ huynh có thể bình tâm hơn khi đang có nhiều sự trợ giúp từ các sân chơi lành mạnh hay những chương trình văn hóa nghệ thuật.
Xem nghệ thuật, tham gia sân chơi lành mạnh
Để có thêm những sân chơi lành mạnh cho trẻ em, truyền hình không đứng ngoài cuộc. VTV3 có chương trình Trạng nguyên nhí, mời Hậu Hoàng - gương mặt YouTube được yêu thích - làm MC. THVL duy trì chương trình Kho tàng cổ tích bằng hoạt hình 3D. HTV7 có game show Siêu tài năng nhí dành cho các em có tài năng ở nhiều lĩnh vực.
Mới đây, Chiến binh tí hon được đưa vào sản xuất. Đây là sân chơi rèn luyện thể lực - ý chí cho các em, dự kiến lên sóng vào tháng 9. Nhà sản xuất hy vọng chương trình mang đến những ngày hè bổ ích, sôi động khỏe mạnh cho các em giữa sự "thống trị" của thiết bị điện tử - điện thoại. Còn khi là khán giả, các em cũng học hỏi được nhiều điều chứ không chỉ là giải trí.
Bên cạnh tìm môi trường để vui chơi hoặc xem các chương trình truyền hình lành mạnh, trẻ em còn có thể thưởng thức nghệ thuật trong không gian tập thể, chẳng hạn như đến sân khấu.
"Bà bầu" Mỹ Uyên của Nhà hát 5B cho biết: "Nhiều cha mẹ tâm sự với tôi là họ muốn con rời khỏi điện thoại, hòa chung với một câu chuyện bổ ích và gần gũi. Duy trì kịch thiếu nhi là nỗ lực cả năm qua của nhà hát để hy vọng tạo thành điểm diễn quen thuộc".
Mọi năm thường chỉ có Idecaf với chương trình Ngày xửa ngày xưa thì năm nay thị trường giải trí mùa hè cho thiếu nhi, thiếu niên trở nên sôi động, đa dạng hơn.
Chương trình Ngày xửa ngày xưa số 34 với vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai diễn kéo dài đến 3-9 với hơn 60 suất diễn, phá đổ mọi kỷ lục của Ngày xửa ngày xưa. Sân khấu Trương Hùng Minh lần đầu làm kịch thiếu nhi với vở Bí mật trăm đốt tre kéo dài đến tháng 10 với hơn 50 suất diễn.
Nhà hát kịch 5B suốt một năm nay duy trì kịch thiếu nhi vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần. Sân khấu kịch Hồng Hạc dựng vở Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ liên tục tái diễn. Sân khấu kịch Quốc Thảo cũng tham gia "đường đua" kịch thiếu nhi hằng tuần.
Nhà hát nghệ thuật Phương Nam tung kịch xiếc Ba Tư huyền bí, Cha Rồng mẹ Tiên; vở rối nước Anh hùng Nguyễn Trung Trực, Cá chép hóa rồng...
Sân khấu kịch thiếu nhi sôi động trở lại vì nhiều phụ huynh nhận ra tầm quan trọng của những hoạt động gắn kết gia đình, trong đó không thể thiếu việc cùng thưởng thức nghệ thuật. Họ trân trọng tình cảm gia đình hơn và mong có cơ hội để gắn kết với con cái.
Chị Yến Nhi, giáo viên mầm non ở quận Tân Bình, cho biết để thuyết phục con buông bỏ điện thoại thì một vở kịch là chưa đủ. Nhưng với phụ huynh, đó là cách họ cho con biết không gian nhà hát, cách hòa chung cảm xúc với tập thể, biết giao lưu, thấm thía những câu chuyện, bài học nho nhỏ từ các vở kịch.
Phụ huynh ngày nay hiểu rằng không thể cấm tiệt điện thoại mà mình phải đồng hành cùng con: cùng giải trí qua mạng, cùng đến những không gian giải trí tập thể. Muốn con không bị cuốn vào thế giới mạng, cha mẹ nên làm bạn cùng con.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận