Sinh viên khoa điện - điện lạnh Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP.HCM trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG
Câu chuyện Cháu tôi muốn bỏ đại học đi học nghề, khuyên làm sao? của tác giả Tô Yến Phương gợi lên nhiều vấn đề suy ngẫm.
Trong sự việc cụ thể này, nếu đúng như em sinh viên đã giải thích là chương trình học quá khó với em và đại học là lựa chọn của cha mẹ chứ chẳng phải của em thì từ góc độ là một giảng viên đại học, tôi chân thành khuyên gia đình hãy cho em được bỏ ngang đại học để học nghề như nguyện vọng.
Chỉ có em mới hiểu đúng năng lực, sức học của em, chứ cuốn học bạ "đẹp" kia chưa chắc đã phản ánh đúng sự thật mà chỉ khiến cha mẹ ảo tưởng về khả năng của con mình mà thôi.
Dễ vào, khó ra
Đầu vào của các trường đại học hiện nay khá dễ, chỉ cần học lực trung bình cũng có thể đậu vài trường đại học. Nhưng đầu ra lại không dễ như đầu vào, sinh viên phải đảm bảo các chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, tin học, trong đó khó nhất là ngoại ngữ. Chỉ là giấy chứng nhận B1 tiếng Anh nội bộ mà rất nhiều sinh viên thi đến 5-6 lần vẫn không đạt.
Bên cạnh đó, số lượng sinh viên nợ các học phần cả chuyên ngành lẫn đại cương cũng không hề ít. Năm học 2018-2019, trường đại học nơi tôi công tác có một số khoa tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng thời hạn chỉ hơn 20%.
Con số này hẳn gây sốc cho nhiều phụ huynh. Vậy nên, nếu con em mình không đủ khả năng lẫn niềm yêu thích thì gia đình đừng ép các em lãng phí thanh xuân, cố đấm ăn xôi lay lắt ở trường đại học với hi vọng sẽ có được tấm bằng đại học.
Chẳng thà để các em nghỉ ngang ngay năm thứ nhất, chuyển hướng sang học nghề sớm vừa tiết kiệm thời gian của các em lẫn tiền bạc của gia đình.
Quan trọng là chính mình
Dù học đại học hay trường nghề thì điều quan trọng nhất là các sinh viên phải nỗ lực, chăm chỉ, có trách nhiệm với bản thân mình.
Trường nghề không phải là nơi dành cho những em học lực trung bình nhưng lười biếng, chỉ thích việc nhẹ lương cao. Học trường nghề, các em sẽ được thực hành nhiều hơn so với đại học nhưng nói như vậy không có nghĩa sẽ không phải học lý thuyết.
Nếu các em không có ý thức tự học, chịu khó tìm tòi, ham chơi thì dù học trường nghề hay đại học cũng không xong.
Lớp tôi làm cố vấn có một bạn sinh viên học lực không đến nỗi nào nhưng ham chơi hơn ham học nên càng học càng đuối dần. Năm thứ hai bạn bị cảnh báo kết quả học tập. Tôi đã điện thoại báo với gia đình để kết hợp nhắc nhở nhưng tình hình không được cải thiện. Cách đây vài tháng vào buổi thi lại của lớp, tôi phát hiện bạn không đi thi.
Tôi đã gọi cho bạn hàng chục cuộc điện thoại nhưng bạn không nghe máy. Tôi gọi cho phụ huynh nhờ phụ huynh gọi tiếp nhưng bạn cũng không nghe máy. Gọi cho một bạn cùng lớp nhờ chạy qua phòng gọi bạn đi thi thì được báo bạn ấy vừa chuyển phòng ra khỏi ký túc xá và lớp chưa kịp có địa chỉ nên không ai biết bạn đang ở đâu...
Hết giờ thi, bạn gọi lại cho tôi nói: "Em ngủ quên, giờ tỉnh dậy thấy một loạt cuộc gọi nhỡ của cô, mẹ và các bạn!". Tôi miễn bình luận luôn!
Mười tám tuổi, sinh viên năm thứ nhất có thể chọn sai trường, sai ngành vì những cái sai này có thể sửa nhưng tuyệt đối không được có thái độ sai: lười biếng, thiếu trách nhiệm với tương lai của bản thân. Thái độ sai kiểu như thế này sẽ vô cùng nguy hiểm và để lại hậu quả lâu dài cho chính cuộc đời của các em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận