Ông Lê Trung Thực hạnh phúc khi được làm bố của những em nhỏ không nơi nương tựa - Ảnh: Thúy Hằng |
Không lập gia đình nhưng ông Lê Trung Thực (51 tuổi) đã là bố của hàng trăm đứa con. Ở đâu có trẻ khuyết tật, bị bỏ rơi hoặc ba mẹ qua đời, ông đều đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông lo cho đám nhỏ từ bình sữa cho đến một cái nghề lập thân.
Làm đủ nghề nuôi con
Kết thúc cuộc thi Cuộc thi viết “Hạt giống tâm hồn Việt” thời gian qua đã nhận được 209 bài viết của 150 tác giả gửi tham gia. Đã có 12 bài viết được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ và nhiều bài viết khác được đăng ở địa chỉ Cuộc thi do báo Tuổi Trẻ tổ chức, Công ty Bibica và First News tài trợ. Ban giám khảo sẽ chọn ra ba giải nhất, nhì, ba dành cho tác giả và ba giải nhất, nhì, ba dành cho nhân vật có câu chuyện lay động, ba giải nhất, nhì, ba dành cho cuộc thi clip. Tuổi Trẻ sẽ công bố tác giả, nhân vật đoạt giải và giải thưởng vào những số báo sau. |
Trong rừng âm thanh cười nói, vui đùa của bầy trẻ, một vài bé bỗng khóc váng lên. Nghe tiếng khóc của con, ông Thực có mặt dỗ dành và bế những đứa nhỏ vào lòng. Ông dỗ con bằng giọng đầm ấm, ngọt ngào: “Nào, ngoan nào, bố thương, các con không được khóc nữa nhé, ngoan để bố cho sữa nào”. Các bé nín khóc, ông chuẩn bị sữa, tự tay bón cho các con. Nhìn cử chỉ thuần thục, dịu dàng của ông, ai cũng bất ngờ bởi “gà trống” không vợ lại chăm con khéo thế.
Xuất thân từ ngành văn hóa nghệ thuật nhưng lời ca tiếng hát không nuôi nổi đời sống, từ trẻ ông Thực đã chuyển hướng học nghề. Nghề học xong thành thạo, năm 1993 ông vào thành phố Vinh (Nghệ An) dạy may cho những đứa trẻ là con em các gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 1997, huyện Đô Lương (Nghệ An) mở lớp dạy may cho 20 trẻ khuyết tật, mồ côi, ông Thực được mời về đảm trách.
Ông tâm niệm dạy nghề là việc làm thiết thực dạy những đứa trẻ ước mơ và sống được với ước mơ. Không màng đến hạnh phúc riêng tư, ông sớm xác định những đứa nhỏ chính là con của mình nên ngoài dạy nghề, ông nhận cưu mang tất cả, trìu mến gọi các bé là con, các bé trìu mến gọi lại bằng bố.
Những buổi đầu cuộc sống của “bố con” ông chồng chất khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng bế tắc.
Để đảm bảo đời sống của bầy con, ông nhận làm bất kể việc gì. Trời nóng hầm hập hay lạnh cắt thịt cắt da, người bố trẻ đều hằng ngày dậy sớm làm đậu phụ, bánh bao đội đi bán. Rồi nuôi thêm heo, duy trì việc dạy cắt may cho đàn con.
Vừa chi trả tiền thuê nhà, vừa nuôi 20 đứa con ăn học, ông Thực còn thường xuyên lo toan thuốc men cho các con bởi hầu hết các bé sinh ra trong điều kiện thiếu nguồn sữa mẹ, sức đề kháng yếu...
Không ít người thắc mắc lý do khiến ông tận lực với bầy trẻ nhỏ không máu mủ ruột rà, hỏi ông, ông cũng không biết lý giải thế nào. Gạn lắm, ông mới cười hiền, nói chẳng có gì hơn một cuộc sống con người yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Khi cưu mang bầy trẻ, sướng với chúng, khổ với chúng, ông đều thấy vui, vậy thôi.
Nguyện cả đời làm “gà trống”
Những năm 1998-1999, ông Thực được địa phương tạo điều kiện tiếp quản một vùng đất mới rộng rãi hơn để chăm sóc gia đình lớn. Ông bán chiếc xe máy, nhẫn kỷ vật mẹ trao - hai tài sản lớn nhất đời mình - gom góp thêm đầu này đầu kia xây dựng nên Trung tâm nhân đạo Nghệ An (nay là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An).
Ngôi nhà xây đắp bằng tình thương yêu và trách nhiệm mọc lên, là chỗ nương tựa của những mảnh đời bé nhỏ bất hạnh.
Hiện nay, trung tâm là mái nhà của bố Thực và 77 đứa con nhỏ. Không chỉ nuôi dưỡng, dạy dỗ, dạy nghề, ông cũng cho con đi học văn hóa đàng hoàng. Đứa nào học giỏi, thi đỗ đại học, ông chăm lo trọn vẹn. Có những trường hợp đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh hai vợ chồng khó khăn vẫn được ông sâu sát chia sẻ...
Người ta nói ông lo cho đám nhỏ vừa thôi, đến 18 tuổi được rồi, ông trả lời con cái mình phải thương phải lo đến cùng. Có cha mẹ nào chỉ lo cho con đến lớn rồi bỏ đâu. “Còn sức tôi còn lo. Đời này tôi nguyện dành hết cho các cháu” - ông nói.
Hơn chục năm qua, giữa đám trẻ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Nghệ An luôn có ông, dáng người nhỏ bé trong chiếc quần tây và chiếc áo trắng ngả vàng. Ông bồng bế từng đứa nhỏ, nụ cười bình dị và an nhiên đến lạ lùng.
Lan tỏa lối sống đẹp Đã có rất nhiều cuộc thi ý nghĩa, sát với thực tế cuộc sống, mang tính nhân văn cao do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Đón đọc tất cả các kỳ bài viết của “Hạt giống tâm hồn Việt”, tôi rất cảm động. “Mình vì mọi người” là những gì tôi học được từ những tấm gương sáng được kể bằng những bài dự thi của bạn đọc cả nước được Tuổi Trẻ chọn đăng. Bản thân tôi không có bài dự thi, nhưng tôi đồng cảm với cảm xúc của tác giả các bài viết khi kể về “hạt giống” đã gieo cảm hứng sống đẹp cho họ. Dâng trào, cảm phục, kính nể, qua lăng kính của các tác giả, tôi nhận ra cuộc sống quanh tôi thật tuyệt vời. Có rất nhiều những con người sống cống hiến, quên thân mà không đòi hỏi nhận lại. Câu chuyện của họ, việc họ làm dù rất nhỏ và giản dị với họ nhưng với tôi, đó là những bài học cuộc sống sâu sắc, đáng quý. Nhìn lại chính mình, tôi thấy mình thật đáng chê trách khi khư khư lối sống ích kỷ, sống như xung quanh mình không có ai khác ngoài mình. Một lối sống tẻ nhạt mà tôi cứ lầm tưởng rằng đúng đắn, thiết thực. Qua từng bài viết, tôi dần nhận ra những sai lầm trong cách nghĩ. Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những tác giả, những nhân vật được đề cập trong các bài viết vì món quà cuộc sống vô giá. Tất cả đã cùng nhau vẽ nên bức tranh đời sống chân thực nhưng vẫn đẹp lung linh các giá trị làm người. Sau cuộc thi, báo Tuổi Trẻ đã có một danh sách lớn các “hạt giống tâm hồn Việt” đang hằng ngày sống, cống hiến, lan tỏa lòng nhân ái. Rất mong những hạt giống tiếp tục nảy lộc đâm chồi, sinh sôi thật nhiều hạt giống khác trong lòng người. Kính mong báo Tuổi Trẻ tổ chức nhiều hơn những cuộc thi tương tự để những điều đẹp đẽ nhất quanh ta được khai phá, biết đến. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận