Ông Đỗ Thắng Hải cho biết tới đây Bộ Công Thương sẽ tổ chức họp báo định kỳ ba tháng/lần - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chiều ngày 17-10, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ. Trả lời Tuổi Trẻ về kết luận xử lý lãnh đạo liên quan đến vụ việc về công ty cổ phần Con Cưng, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết ngày 16-10 Bộ có báo cáo Chính phủ tổng thể về "vụ việc Con Cưng".
Tuy nhiên, liên quan đến kết luận của Bộ về việc kiến nghị xem xét xử lý vi phạm kỷ luật với một số cá nhân lãnh đạo cục quản lý thị trường cả về mặt Đảng và Chính quyền, hiện Bộ vẫn đang lấy ý kiến các bên.
"Khen thưởng kỷ luật đều có trình tự thủ tục, các bước và nghe ý kiến cá nhân, đơn vị liên quan và đánh giá xem xét, sau đó mới ban hành quyết định kỷ luật. Do đó, sau khi có ý kiến bộ mới ban hành quyết định kỷ luật Bộ sẽ thông tin kịp thời về hình thức kỷ luật cụ thể" - ông Linh cho hay.
Trước đó, ngay khi có thông tin liên quan đến nghi vấn gian lận nhãn mác tại hệ thống của công ty cổ phần Con Cưng, Bộ Công Thương đã thành lập Tổ công tác kiểm tra liên ngành để kiểm tra vụ việc.
Bộ Công Thương đã chính thức công bố thông tin, khẳng định một số vi phạm của Con Cưng ở một số hành vi, nhưng không có vi phạm về giả mạo xuất xứ...
Ngày 3-10, Bộ này cũng đã công bố kết luận rà soát quy trình kiểm tra, theo đó, xác định hai Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín và ông Trần Hùng có dấu hiệu vi phạm quy định về phát ngôn của cơ quan này.
Đã có 26 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD
Thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 9 tháng đầu năm 2018, ông Đỗ Thắng Hải, thứ trưởng Bộ Công thương cho biết VN đã có 26 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD, động lực đến chủ yếu đến từ các doanh nghiệp FDI.
Nhiều thị trường Việt Nam ký kết FTA có mức tăng trưởng kim ngạch cao, như ASEAN tăng 16%; Trung Quốc tăng 26,6%; Nhật Bản tăng 12,2%; Hàn Quốc tăng 26,5%; Áo tăng trên 25%...
Nhiều thị trường tăng trưởng giúp VN duy trì mức thặng dư thương mại ước đạt 5,39 tỉ USD. "VIệc kiểm soát cán cân thương mại giúp tăng thặng dư ngoại tệ, giảm áp lực tăng tỉ giá, ổn định thị trường ngoại hối và cải thiện cán cân thanh toán quốc tế" - ông Hải thông tin thêm là dự tính cả năm 2018 tất cả các chỉ tiêu được giao sẽ đạt và vượt so với mục tiêu mà Chính phủ giao.
Thông tin về phương án cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Anh Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết đã cắt giảm được 677 điều kiện đầu tư kinh doanh. Còn theo phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh giai đoạn 2019-2020, bộ sẽ tiếp tục cắt giảm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện còn lại, tương đương 36,1%. Các lĩnh vực tập trung như an toàn thực phẩm, kinh doanh thuốc lá, kinh doanh rượu, hóa chất...
"Khi hoàn thành kế hoạch thì sẽ cắt giảm trên 72%, tính trên tổng số điều kiện kinh doanh của các bộ ngành khác thì số lượng cắt giảm của Bộ Công Thương chiếm 14,1%. Hi vọng việc đầu tư kinh doanh của tổ chức, cá nhân sẽ thuận lợi hơn" – ông Sơn nói.
Nhiều dự án đã giảm lỗ, giảm nợ
Thông tin về tình hình xử lý 12 dự án, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết các dự án được xem xét đều có chuyển biến tích cực. Nhiều dự án sản xuất kinh doanh thua lỗ nhưng nay đã có 2 dự án có lãi là DAP số 1 Hải Phòng lãi 147 tỉ đồng; thép Việt Trung... Các phương án tiết giảm chi phí, cơ cấu lại sản xuất đã đưa ra nên kỳ vọng mục tiêu xử lý dự án là năm 2018 cơ bản xử lý khó khăn và 2020 cơ bản xử lý dứt điểm có thể đạt được.
Đối với dự án khó khăn dừng sản xuất là Sơ xợi Đình Vũ, Nhiên liệu sinh học Dung Quất và Dung Quất đã đưa vào vận hành. Theo đó sản phẩm sản xuất chất lượng tốt, tiêu thụ thuận lợi nên tới đây sẽ tiếp tục vận hành lại dây chuyền toàn bộ nhà máy... Một số dự án khác như bột giấy Phương Nam cũng đã có phương án như bán đấu giá.
"Tổng dư nợ giảm 124 tỉ đồng so với trước đây. Đảm bảo nguyên tắc không sử dụng vốn nhà nước vào dự án, xử lý theo thị trường nên giúp giảm nợ và thu hồi vốn. 12 dự án này khó khăn trải qua nhiều năm, vướng mắc rất nhiều, rất gian nan. Khó nhất là hiện nay xử lý tranh chấp ở các hợp đồng EPC, nên Ban chỉ đạo tập trung rà soát kỹ để gỡ từng bước, từ đó quyết toán hoàn thành dự án" - ông Hưng thông tin.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải "nhận lỗi" khi đã lâu mới họp báo dẫn tới tình trạng có nhiều thắc mắc về việc họp báo thường kỳ trở thành "bất thường" (cuộc họp báo ngày 17-10 tổ chức lại sau 1 năm Bộ này không tổ chức họp báo, kể từ tháng 9-2017).
"Bộ Công Thương không tổ chức họp báo nhưng hàng ngày, hàng tuần và tháng có sự tương tác. Chúng tôi hết sức cố gắng, không phải toàn bộ những nội dung đưa ra, kể cả tiến độ thời gian nhưng chúng tôi là một trong những bộ ngành, cơ quan có sự phản hồi tương đối đầy đủ" - ông Hải giải thích.
Theo quyết định về quy chế phát ngôn vừa được Bộ trưởng Bộ Công Thương ký ban hành, ông Hải cho biết tới đây Bộ sẽ tổ chức họp báo định kỳ ba tháng một lần, cũng như cung cấp thông tin báo chí theo yêu cầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận