24/10/2018 13:27 GMT+7

Bộ Công thương tính dồn sức cho đại gia xe hơi trong nước

N.AN
N.AN

TTO - Bộ Công thương tính nghiên cứu đề xuất không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước của xe hơi nhằm giảm giá xe, tạo động lực cho các nhà sản xuất trong nước.

Bộ Công thương tính dồn sức cho đại gia xe hơi trong nước - Ảnh 1.

Mặc dù có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước nhưng tổng sản lượng của ngành dự kiến vẫn giảm - Ảnh: TL

Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội các nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ Công thương đã thông tin liên quan đến việc thực hiện quy hoạch phát triển ngành ôtô, theo đó ngành này đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây khi sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước liên tục tăng mạnh.

Cụ thể, từ 200.000 xe vào năm 2015 đã tăng lên 283.300 xe năm 2016, một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ…

Nhiều ông lớn có mặt, nội địa hóa vẫn chỉ vài phần trăm

Tính chung, tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 500 nghìn xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 47%, còn lại là doanh nghiệp trong nước. Nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe trong nước.

Mặc dù vậy, Bộ Công thương cũng đánh giá ngành sản xuất lắp ráp ôtô vẫn chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp.

Do chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn, nên tỉ lệ nội địa hóa của một số dòng xe còn đạt thấp so với mục tiêu đề ra.

Thực tế, dù mục tiêu tỉ lệ nội địa hóa đạt 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, nhưng hiện mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Đây là con số khá thấp khi tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65-70%, Thái Lan đạt tới 80%.

Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ôtô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa...

Có tới 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật cao hiện phải nhập khẩu, với số tiền lên tới 2-3,5 tỉ USD.

Bộ Công thương cho biết định hướng phát triển ngành ôtô đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035, tập trung vào phát triển các sản phẩm xe con phù hợp với người Việt Nam và xu hướng phát triển xe con của thế giới như xe thân thiện môi trường như eco car, hybrid, xe điện.…

Mục tiêu, xe sản xuất trong nước đáp ứng 60 - 70% nhu cầu thị trường và nội địa hóa đến 2020 đạt từ 35 - 40%, đến năm 2021 - 2025 đạt 40 - 45%.

Xe tải và xe khách sẽ tập trung vào phát triển các chủng loại sản phẩm sản xuất trong nước có lợi thế và các sản phẩm phục vụ nông nghiệp, nông thôn; các loại xe chuyên dùng.

Dồn sức cho đại gia nội

Để đạt mục tiêu, Bộ Công thương cho biết đã thành lập Tổ công tác phát triển ngành ôtô. Sau đó, Nghị định 116/2017 quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô ra đời.

Trên cơ sở tận dụng cơ hội thị trường, các chính sách, tập trung hỗ trợ để thúc đẩy nhanh dự án của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công, Tập đoàn VinGroup (VinFast) và các dự án khác.

Mục tiêu là nhằm gia tăng sản lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới. Xây dựng thí điểm chuỗi cung ứng ngành cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp trong và ngoài nước.

Đồng thời nghiên cứu, trình Quốc hội ban hành sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỉ lệ nội địa hóa cao theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước.

Sản lượng năm 2018 dự báo giảm

9 tháng đầu năm 2018, nhiều chính sách đối với thị trường xe hơi có hiệu lực như chính sách thuế nhập khẩu của một số dòng xe từ ASEAN về 0%; thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe động cơ dưới 2.0L giảm thêm 5%, Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ tháng 01 năm 2018.

Sản lượng ô tô lắp ráp trong nước phục hồi mạnh, đóng góp một phần vào mức tăng trưởng cao của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Thời gian vừa qua, các công ty lắp ráp ô tô tăng cường mở rộng, nâng công suất như Công ty Trường Hải đã khánh thành nhà máy Thaco Mazda, Công ty Huyndai Thành Công mở rộng sản xuất, lắp ráp dòng xe thương mại…

Tuy nhiên, dự báo tổng sản lượng của ngành trong năm 2018 sẽ không có tăng trưởng nhiều so với năm 2017, kết quả kinh doanh của các hãng xe hơi sẽ tùy thuộc nhiều vào khả năng bảo đảm thực hiện quy định của Nghị định 116/2017 của từng hãng xe. Dự kiến sản lượng sản xuất ôtô năm 2018 đạt khoảng 235.000 nghìn chiếc, giảm 1,3% so với năm 2017.

Toyota đã chịu nhập 200 xe hơi về Việt Nam

TTO - Sau gần nửa năm "vắng bóng", lô xe hơi 200 chiếc của hãng Toyota vừa cập cảng TP.HCM, mở đầu cho những lô xe của hãng này về Việt Nam từ đây đến cuối năm.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp