Công an kiểm tra một cửa hàng xăng dầu trong đường dây xăng dầu giả tại Bình Dương - Ảnh: BÁ SƠN
Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của Bộ Công thương đã xác nhận thông tin trên và cho hay việc kiểm tra, hậu kiểm này diễn ra từ trước tết, đến nay cơ bản đã hoàn thành.
Trong khoảng 10 doanh nghiệp là những thương nhân đầu mối, phân phối nằm trong danh sách kiểm tra, theo tiết lộ của vị này, thì đây đều là những doanh nghiệp có "dấu hiệu", "hiện tượng" vi phạm pháp luật trong kinh doanh xăng dầu như không đảm bảo điều kiện kinh doanh xăng dầu theo nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, buôn lậu, mua bán hóa đơn.
Thậm chí còn có trường hợp doanh nghiệp đầu mối xăng dầu buôn tài chính, sử dụng giấy phép đó để huy động vốn ngân hàng, quay vòng nhanh, không thực hiện đúng chức năng kinh doanh xăng dầu.
"Việc kiểm tra được thực hiện mấy tuần qua, cùng phối hợp cơ quan chức năng gồm công an, quản lý thị trường, tài chính. Với kết quả ban đầu, có 4-5 doanh nghiệp không đủ điều kiện, gồm cả những doanh nghiệp đã cấp phép rất lâu, là doanh nghiệp tư nhân, chắc chắn sắp tới chúng tôi sẽ tước giấy phép. Trong quá trình vận hành vi phạm pháp luật, hệ thống phân phối không đảm bảo như hồ sơ ban đầu được cấp phép mà không báo cáo cơ quan quản lý nhà nước" - vị này thông tin.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh vụ việc đường dây xăng dầu giả quy mô "khủng" lên tới 2,7 triệu lít xăng giả được phát hiện và cơ quan công an đang mở rộng điều tra. Đây là đường dây quy mô lớn pha chế xăng giả, mua bán hóa đơn trái phép... diễn ra ở nhiều tỉnh thành.
Cơ quan công an đã bắt giữ khẩn cấp 26 người để điều tra về hành vi buôn lậu, sản xuất hàng giả, sau đó bắt giữ nhiều người liên quan có vai trò là "ông trùm" cùng một cán bộ hải quan có liên quan đến đường dây này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận