Nội dung này đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều, khi trước đó nhóm các thương nhân phân phối, đại lý và bán lẻ xăng dầu đã gửi kiến nghị tới Chính phủ về vấn đề này.
Các doanh nghiệp cho rằng quy định thương nhân phân phối chỉ bắt buộc mua từ một nguồn duy nhất là thương nhân đầu mối và không được mua bán với nhau là phân biệt và hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp lo ngại bị phân biệt đối xử
"Việc quy định hạn chế quyền của doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền của nghị định, việc nghị định hạn chế quyền kinh doanh bằng cách gắn các quyền ấy với các điều kiện bất hợp lý là trái luật. Ngoài ra, việc quy định về quyền kinh doanh của doanh nghiệp theo cách tiếp cận của dự thảo nghị định dẫn đến sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử" - văn bản kiến nghị nêu.
Theo các doanh nghiệp, nghị định 95/2021 sửa đổi nghị định 83/2014, Chính phủ đã quy định cho thương nhân phân phối được mua xăng dầu với khác. Vì vậy với quy định trên, các doanh nghiệp lo ngại thương nhân đầu mối lãnh đạo thị trường, khiến các doanh nghiệp còn lại rơi vào thế phụ thuộc.
Trả lời vấn đề này, bà Nguyễn Thúy Hiền - phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho hay theo quy định hiện hành, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Vì vậy khi tham gia thị trường cần đáp ứng các quy định.
Đối với thương nhân phân phối, thời gian qua đã phát triển với hơn 300 đơn vị, trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống phân phối xăng dầu. Tuy vậy, bà Hiền cho hay hoạt động của nhóm này cũng bộc lộ những bất cập, đã được cơ quan thanh tra, điều tra chỉ ra.
Đó là việc tạo ra nhiều tầng nấc trung gian làm tăng chi phí; tạo nên con số tiêu thụ ảo gây khó khăn cho quản lý. Việc mua bán xăng dầu lẫn nhau còn phục vụ cho mục đích kinh doanh tài chính để vay vốn, không đảm bảo đúng mục tiêu kinh doanh xăng dầu...
Ngành kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ đúng quy định
Vì vậy thực hiện ý kiến kết luận của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, dự thảo nghị định thiết kế theo hướng bỏ quy định mua bán xăng dầu giữa các thương nhân phân phối xăng dầu với nhau, loại bỏ số liệu "ảo" về lượng xăng dầu tiêu thụ trên thị trường.
Việc quy định này, theo bà Hiền, giúp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tính toán chính xác được lượng xăng dầu tiêu thụ trong nước để tạo nguồn hàng. Cơ quan quản lý nhà nước xác định được chính xác nhu cầu tiêu thụ trong nước để thực hiện phân giao tổng nguồn.
Trước những lo ngại nếu bỏ quy định này có thể có yếu tố hạn chế cạnh tranh trên thị trường, không đảm bảo sự công bằng khi thương nhân phân phối cho rằng bị phân biệt đối xử, bà Hiền nói đây là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nên thương nhân phải tuân thủ điều kiện khi tham gia kinh doanh.
"Việc quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn", bà Hiền nêu quan điểm.
Những điểm mới trong dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu
Cơ chế điều hành giá xăng dầu: Giá bán xăng dầu do doanh nghiệp tự tính toán. Nhà nước công bố các yếu tố hình thành giá để doanh nghiệp tự quyết định giá, thực hiện kê khai giá và gửi văn bản kê khai giá, thông báo giá về cơ quan quản lý để giám sát.
Bình ổn giá xăng dầu: Việc bình ổn giá xăng dầu thực hiện theo quy định tại Luật Giá năm 2023.
Bổ sung điều kiện đối với thương nhân đầu mối: Có thời gian làm thương nhân phân phối ít nhất 36 tháng, kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu; có trách nhiệm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu 100.000m3, tấn xăng dầu trong một năm.
Thương nhân phân phối xăng dầu: Bỏ quy định thương nhân phân phối xăng dầu phải dự trữ lưu thông xăng dầu 5 ngày; bỏ điều kiện về kho chứa xăng dầu, phòng thử nghiệm chất lượng xăng dầu...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận