Phóng to |
Trần Lê Huy Vũ - Ảnh: K.Anh |
Về vườn trồng lan
Lui cui xếp những bó hoa lan rực rỡ sắc màu vào chiếc cần xé bằng nhựa để chở lên giao cho vựa hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10), ông chủ vườn lan Trần Lê Huy Vũ cười: “Trót mê hoa lan từ lúc còn đi học phổ thông, sau này dù đi làm nhưng tôi vẫn muốn tìm mảnh vườn để trồng lan”.
Vào sâu trong ấp 2 xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, Vũ tậu mảnh vườn hơn 3.000m2 chuẩn bị đời nhà nông. Lên mạng đọc thông tin, đến tận những vườn lan để xem kỹ thuật, Vũ về tự thiết kế hệ thống tưới, lưới che nắng... cả cách chia những luống hoa đều tăm tắp, vừa đủ khoảng cách để cây lan có chỗ... “thở”.
Hơn 5.000 cây giống lan mokara của Thái Lan được Vũ nhập về trồng. Những ngày đầu giống cây mới nhập về còn yếu, Vũ dày công chăm sóc quên cả ăn, ngủ cũng không yên giấc bởi luôn bị dòng suy nghĩ về cây lan len lỏi trong đầu. Qua được những ngày khó khăn ban đầu, hiện vườn lan của Vũ mỗi tuần hai lần cắt cành cho nguồn thu cũng khá từ khoảng 1.000 cành hoa lan.
Ban đầu, từ thuốc chữa bệnh cho cây, phân bón Vũ đều chọn loại tốt nhất, giá cũng mắc nhất, nhưng nhờ gắn liền với vườn lan, Vũ có thể “bắt bệnh” cho lan một cách dễ dàng, từ đó chọn được những loại thuốc với giá thành thấp nhưng trị bệnh cho lan vẫn tốt. Đem những kinh nghiệm đó Vũ chia sẻ cho nhóm bạn trẻ cũng mới vào nghề trồng lan như mình. Không chỉ thế, Vũ còn bán giống cây, tư vấn cách trồng, chăm sóc cây cho những bạn trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp với cây hoa lan.
Nhìn Vũ cắt tỉa cho hoa lan một cách thuần thục, mấy ai biết ông chủ vườn lan từng làm công chức của huyện Bình Chánh. “Bây giờ thì thành nông dân chính hiệu rồi”- Vũ dí dỏm.
Phóng to |
Vũ Tiến Tuân - Ảnh: K.Anh |
“Ép” cá kiểng đẻ
Chàng cử nhân Trường ĐH Nông lâm TP.HCM Vũ Tiến Tuân đang làm việc tại Trung tâm Khuyến nông TP, lại gạt qua bao lời bàn ra của người thân và đồng nghiệp để về vườn xây ao nuôi cá kiểng.
Trước khi bắt tay vào khởi nghiệp, với kiến thức khuyến nông của mình Tuân cũng tạm yên tâm về mặt kỹ thuật, nhưng muốn làm ăn còn cần nhiều yếu tố khác. Mảnh đất hơn 1.500m2 ở sâu trong ấp 2 xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh được Tuân mua lại với tất cả vốn liếng của mình và vay mượn thêm.
Những cái hồ được Tuân xây theo quy cách 4x3 m và 3x2 m, bộ lọc nước phèn cũng được lắp đặt để tạo nguồn nước sạch cho cá. Khởi đầu với 500 cá đực và ngần ấy cá cái, Tuân đã “ép” cá đẻ và nhân rộng ra gần 50 hồ với hàng ngàn con cá kiểng sau ba năm lăn lộn với nghề nông.
Thế mạnh của Tuân là mặt hàng cá bảy màu, loài cá thấy dễ nuôi nhưng để tạo giống không bị lem màu là cả vấn đề. “Lý thuyết học ở trường chỉ đáp ứng chưa đến một nửa trong thực tế. Phải mày mò, tìm đến kinh nghiệm của những lão nông mới xử lý kịp thời những căn bệnh mà cá của mình gặp phải” - Tuân cho biết.
Chính vì thế, khi ai đến mua cá về làm giống Tuân cũng hướng dẫn kỹ thuật và tư vấn một số tình huống gặp phải. Tuân bảo muốn làm được không chỉ say mê mà phải có kiến thức về lĩnh vực mình làm. Làm theo cách cuốn chiếu, Tuân còn xây thêm khu nhà gồm hệ thống hồ kính để nuôi các loài cá có giá trị hơn như cá half moon (xiêm Thái)...
Gần đây, Tuân đầu tư thêm nuôi dế cung cấp thị trường thức ăn cho chim kiểng. “Làm nông dân như mình không phải dãi dầu nặng nhọc, chỉ tốn thời gian thôi. Nếu làm được mô hình đa dạng thì nguồn thu của mình tăng lên. Còn trẻ mà, làm gắng chút cũng không sao”- Tuân bày tỏ.
Nuôi theo cách gối đầu nên ngày nào Tuân cũng có dế đem bán. Chỉ đống vật liệu vừa chuyển về trước sân nhà, Tuân cười: “Tôi đang đầu tư xây thêm nhà nuôi dế thương phẩm, phục vụ các nhà hàng. Mình cứ làm từ từ để quy mô ngày càng rộng hơn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận