Hàng loạt cán bộ sai phạm trong việc giao đất tại khu đất vàng 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) đã bị khởi tố trong thời gian qua - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Ngày 27-8, theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ Online, các bị can bị khởi tố nhưng được cho tại ngoại gồm bà Nguyễn Lan Châu - chuyên viên Phòng quản lý đất, Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM, ông Lâm Nguyên Khôi - nguyên phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM và ông Nguyễn Quang Minh - nguyên trưởng phòng hạ tầng, Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM.
Các bị can bị khởi tố vì liên quan đến việc khu "đất vàng" 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1 "biến mất" vào tay tư nhân.
Cổ phần hóa...
Theo tài liệu của Tuổi Trẻ Online, khu đất rộng đến 6.000m2 bốn mặt tiền (đường Hai Bà Trưng - Đông Du - Thi Sách và Công trường Mê Linh) hiện do tư nhân nắm giữ hoàn toàn. Khu đất này ban đầu do Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - lúc chưa bán 53,59% vốn điều lệ cho cổ đông Thái Lan) trực tiếp sử dụng theo diện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước của quyết định 09/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 19-2-2007.
Năm 2004, trên cơ sở đề nghị của Sabeco xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà cao tầng tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) có văn bản đồng ý chủ trương di dời văn phòng để đầu tư mới và sử dụng hiệu quả khu đất hơn.
Hai năm sau, vào năm 2006, UBND TP.HCM có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp đang sử dụng đất để sản xuất kinh doanh trên địa bàn, trong đó có nhà, đất tại địa chỉ nói trên do Sabeco "là đơn vị sử dụng".
Sau khi UBND TP có văn bản đề nghị cho ý kiến về việc Sabeco "xin chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng cao ốc phức hợp 45 tầng bao gồm khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê", Bộ Tài chính có văn bản trả lời UBND TP cho phép chuyển mục đích sử dụng khu đất để xây dựng cao ốc phức hợp cùng các hạng mục nói trên.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu giá đất khi được UBND TP cho phép Sabeco chuyển mục đích sử dụng đất "là giá sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại điểm c, khoản 4, điều 6 của quyết định 09/2007/QĐ-TTg".
Tháng 12-2007, Văn phòng UBND TP thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín "chấp thuận, giao Sabeco làm chủ đầu tư thực hiện dự án đầy tư xây dựng khu phức hợp. Sabeco có trách nhiệm nộp tiền giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường vào ngân sách TP.HCM theo ý kiến của Bộ Tài chính tại văn bản ngày 6-11-2007".
Song song với khoảng thời gian ban hành các văn bản, quyết định giữa Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp (cũ) và UBND TP giai đoạn này, chủ thể của mọi văn bản xin các ý kiến thực hiện đều do Sabeco - doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp - quản lý.
... rồi thoái sạch vốn
Tuy nhiên, "ngã rẽ" của Sabeco được bắt đầu ngày 3-2-2007 khi HĐQT Sabeco có nghị quyết số 03/2007/NQ-HĐQT thống nhất chủ trương thay thế đối tác đầu tư và thành lập Công ty cổ phần bất động sản Sabeco (Sabeco Land).
Nghị quyết quan trọng này đã quyết định chọn Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển công nghiệp vận tải Bình Kiên để thay thế đối tác nước ngoài là Stushing tham gia dự án, với pháp nhân mới được thành lập là Sabeco Land, vốn điều lệ 480 tỉ đồng.
Tuy nhiên, từ lúc thành lập Sabeco Land cho đến thời điểm tháng 6-2013 khi Bộ Công thương có văn bản nêu ý kiến về việc chậm triển khai thực hiện dự án nói trên "gây lãng phí trong việc sử dụng tài sản của Sabeco, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của tổng công ty", văn bản chỉ đạo của Bộ Công thương cũng cho thấy quyết định giải thể Sabeco Land, mở đường tìm kiếm nhà đầu tư mới.
Sau văn bản này, dự án được tái khởi động thông qua việc thành lập Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl (gọi tắt Sabeco Pearl) vào tháng 2-2015, vốn điều lệ khoảng 567 tỉ đồng, gồm các cổ đông: Sabeco, Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty CP đầu tư Mê Linh.
Theo đó, Sabeco đề xuất phương án hợp tác đầu tư với nhóm các nhà đầu tư nói trên bằng cách góp 18% vốn đều lệ bằng tiền mặt, cộng với 8% giá trị được hưởng lợi thế từ khu đất. Đồng thời, Sabeco sẽ nhận kết quả kinh doanh tương ứng với số vốn góp bằng 26% vốn điều lệ. Các cổ đông còn lại sẽ góp vốn bằng tiền mặt và nộp tiền sử dụng khu đất khoảng 1.236 tỉ đồng.
Ngày 11-2-2015, hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Sabeco và nhóm các nhà đầu tư chính thức được ký kết. Tổng vốn đầu tư của dự án xấp xỉ 2.423 tỉ đồng. Căn cứ để Sabeco tham gia thành lập Sabeco Pearl được đơn vị này khẳng định "tuân thủ theo chỉ đạo của Bộ Công thương, không vi phạm Luật đất đai 2013, không vi phạm nghị định 94/NĐ-CP về đầu tư ngoài ngành".
Tuy nhiên, khi góp vốn thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án, Sabeco không góp bằng quyền sử dụng đất mà bằng tiền do bên B (là các doanh nghiệp đối tác, đồng sáng lập) sẽ trả cho Sabeco dựa trên "giá trị lợi thế" của khu đất có giá trị quy đổi không thấp hơn 50 tỉ đồng, do chính bên B quy đổi.
Theo khẳng định của các chuyên gia, việc lựa chọn tỉ lệ góp vốn dưới 30% này của Sabeco là có chủ đích, hòng tránh xin chủ trương đầu tư theo quy định do lúc đó Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối tại Sabeco.
Một năm sau khi thành lập, tháng 6-2016, Sabeco thoái vốn bằng cách bán đấu giá hơn 14 triệu cổ phần nắm giữ cho chính các cổ đông sáng lập, thu về gần 195 tỉ đồng. Sau khi Sabeco thoái sạch vốn, ba cổ đông còn lại của Sabeco Pearl cũng lần lượt "đi" theo.
Theo thông tin mới nhất Tuổi Trẻ Online có được, sau khi đổi tên Công ty cổ phần đầu tư Sabeco Pearl thành Công ty cổ phần đầu tư Quảng trường Mê Linh, đến nay toàn bộ số cổ phần của các cổ đông sau khi thoái vốn vào ngày 11-6-2018 hiện vẫn đang thuộc sở hữu của ông Ngô Văn An (chiếm 98,53% vốn điều lệ), ông Trần Quang Huy (0,49%) và bà Nghiêm Thị Hương (0,98% vốn điều lệ).
Mọi hoạt động liên quan đến khu đất lẫn chủ đầu tư mới của dự án đều "án binh bất động" kể từ khi ông Nguyễn Hữu Tín cùng bốn bị can bị khởi tố từ tháng 11-2018 đến nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận