Công an làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân - Ảnh: DANH TRỌNG
Bộ Công an vừa công bố lấy ngày 10-10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số ngành công an. Lãnh đạo bộ cho biết kết quả thực hiện kế hoạch chuyển đổi số trong 9 tháng của năm nay đã đạt được nhiều thành tựu tích cực trên các lĩnh vực: xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý; phát triển các ứng dụng trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân; cung cấp dịch vụ công trực tuyến…
Cung cấp 5 tiện ích cho xã hội
Theo thống kê của Bộ Công an, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2022, đến nay đã có 12 đơn vị bộ ngành thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu khác. Bộ Công an cũng đã triển khai kết nối chính thức đối với 14 địa phương và 3 cục nghiệp vụ ngành công an.
Bộ Công an cũng cho hay đã có hơn 27 triệu công dân được đồng bộ thông tin bảo hiểm xã hội; hơn 1,7 triệu công dân được đồng bộ thông tin đăng ký xe; hơn 1,5 triệu công dân được đồng bộ thông tin hộ chiếu…
Đáng chú ý, đến nay ngành công an đã cấp hơn 73 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip trên tổng số gần 82 triệu công dân đủ điều kiện làm căn cước.
Đại diện Bộ Công an giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính một số sản phẩm chuyển đổi số tại hội nghị tổ chức ngày 10-10 - KIÊN PHẠM
Bộ Công an đã cung cấp 5 tiện ích cho xã hội, gồm: sử dụng tài khoản định danh điện tử thực hiện các dịch vụ công; sử dụng thẻ căn cước công dân, ứng dụng VNeID thay thế thẻ bảo hiểm xã hội; sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ ATM; kết nối với hợp đồng điện tử, xác thực phục vụ thu thuế; làm sạch thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thuê bao di động;...
Sau 3 tháng triển khai thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ ATM tại một số chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội và Quảng Ninh, đã có 762 lượt công dân sử dụng để giao dịch với tổng số tiền trên 22,7 tỉ đồng.
Ngoài ra có hơn 11.000 cơ sở y tế sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip tích hợp bảo hiểm y tế trong khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Công an đang phối hợp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, triển khai sổ sức khỏe điện tử, tích hợp thông tin khám chữa bệnh của công dân lên ứng dụng VNeID; tổ chức xác thực dữ liệu thông tin thuê bao với 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone để làm sạch nhằm giải quyết tình trạng SIM rác.
Bộ Công an đã công bố hệ thống định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.
Giảm bớt thời gian, giảm phiền hà cho dân
Tại Hội nghị chuyển đổi số lần thứ nhất vừa được Bộ Công an tổ chức, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc - thứ trưởng Bộ Công an - cho biết từ nay đến cuối năm ngành công an sẽ cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên môi trường điện tử. Bộ cũng phối hợp cung cấp 2 dịch vụ công liên thông về đăng ký khai sinh, khai tử và 28 dịch vụ công khác trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Các dịch vụ công trực tuyến mà Bộ Công an đang xây dựng được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt thời gian, phiền hà cho người dân khi giải quyết các thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết từ nay đến cuối năm ngành công an sẽ cung cấp 227/227 dịch vụ công trực tuyến - Ảnh: KIÊN PHẠM
Theo Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, trong ba tháng cuối năm Bộ Công an sẽ phối hợp triển khai cung cấp chữ ký số miễn phí, cấp mã an sinh cho người dân; mở tài khoản ngân hàng gắn với số điện thoại, mã số thuế để thực hiện thu thuế, truy thu thuế và đặc biệt là sẽ tích hợp bằng lái xe trên ứng dụng VNeID.
"Trong thời gian tới, người dân có thể dùng ứng dụng VNeID trong giao dịch về bảo hiểm y tế, giáo dục, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, quản lý thị trường, quản lý thuế, nền tảng mạng xã hội, mở tài khoản thanh toán, ví điện tử,...", ông Ngọc cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng sẽ xây dựng để cung cấp dịch vụ tiện ích thực hiện bỏ phiếu, bầu cử điện tử và để người dân chấm điểm tín dụng trong hoạt động tài chính, tiêu dùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận