Hình ảnh tinh vân ORION do Khải chụp tháng 1-2016 - Ảnh: NVCC |
Bộ ảnh này đã gây ấn tượng mạnh trong giới chơi ảnh thiên văn và cộng đồng thiên văn nghiệp dư ở Việt Nam.
Đăng bộ ảnh trên trang Facebook cá nhân, Khải hồn nhiên chia sẻ: “Những ảnh thiên văn (tinh vân, thiên hà, ngân hà, DSO, Messier...) do tui chụp. Cảm ơn sự giúp đỡ nhiệt tình từ các anh, chị trong CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM. Hi vọng được nhiều sự ủng hộ để có thể tiếp tục đam mê và cống hiến”.
Từ năm 2007, ở TP.HCM đã có một số người chụp ảnh thiên văn, nhưng do thiếu thiết bị và kinh nghiệm nên chất lượng ảnh chưa tốt. Bộ ảnh của Khải có bước đột phá so với tác phẩm của các anh chị đi trước là do bạn đã kiên trì, chịu khó nghiên cứu nhiều về nhiếp ảnh, thiên văn, đầu tư thời gian chụp, di chuyển địa điểm để có bầu trời đẹp ở Gia Lai. Chỉ vài năm theo đuổi thể loại chụp này, Khải đã có vốn kiến thức đáng kể về thiên văn, giúp em tiến nhanh trong đam mê này. |
Anh NGUYỄN ANH TUẤN (người sáng lập tổ chức Cộng đồng thiên văn Việt Nam - VietAstro) |
Gần 9 năm theo đuổi thiên văn
Yêu thích thiên văn từ năm lớp 7, Khải sớm tiếp xúc, đam mê nghiên cứu về kính thiên văn và bầu trời. Lớp 8, Khải đã có thể chế tạo kính hiển vi quang học với giá 50.000 đồng. Lớp 11, Khải dùng vật liệu tái chế, tạo ra kính thiên văn quan sát được vành đai sao Thổ, sao Hỏa và vết tích miệng núi lửa trên Mặt trăng với giá 700.000 đồng, đoạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật Gia Lai lần IV.
Theo đuổi thiên văn gần chín năm, Khải đi từ chỗ mê làm kính, thích quan sát bầu trời rồi đến đam mê nhiếp ảnh. “Nhiều anh chị trong hội vẫn đang tự chế kính và chụp ảnh, nhưng chất lượng ảnh chưa tốt. Mình muốn đi sâu vào nhiếp ảnh, nên tự đầu tư thiết bị và tích lũy kinh nghiệm chụp ảnh” - Khải cho biết.
Để theo đuổi đam mê chụp ảnh, Khải đi làm thêm, dành dụm tiền và xin một phần hỗ trợ từ gia đình để mua rời các thiết bị chuyên dụng (ống kính, chân đế) loại bình dân hoặc đã qua sử dụng.
Sau khi tất cả thiết bị được chuyển từ Mỹ về, Khải tự lắp và chế thêm phần gá (nối từ kính thiên văn qua máy ảnh) với sự hỗ trợ của CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM.
Riêng thấu kính ED100Sf Khải phải mua mới và hàng chính hãng, để đảm bảo hình ảnh có độ nét cao, chuẩn màu. Ống kính hiện đại này có độ mở lớn, cho phép chụp được vật thể ở xa hàng triệu năm ánh sáng.
Bộ kính thiên văn và máy ảnh “cục cưng” này của Khải có giá khoảng 65 triệu đồng.
Nguyễn Tân Khải đang lắp đặt kính thiên văn và máy ảnh tại Bình Thuận - Ảnh: NVCC |
Khổ luyện mới có ảnh đẹp
“Mình phải đi xa khu trung tâm TP Gia Lai để tránh ô nhiễm không khí. Trước đó, mình đã xác định các đối tượng cần chụp, tìm vị trí phù hợp, xác định vĩ độ, trục quay Trái đất, mùa trong năm... Địa điểm chụp thường là sân thượng hoặc khu vực cắm trại có nguồn điện.
Thông qua laptop, mình có thể điều khiển kính, máy ảnh chuẩn xác và đồng bộ hơn việc điều chỉnh bằng tay. Tiếc là ở Việt Nam mình chưa tìm được loại ăcquy phù hợp với bộ thiết bị này. Nếu có thì mình sẽ chủ động hơn về nguồn điện, địa điểm chụp” - Khải giải thích.
Sau việc tìm địa điểm là chuyện canh thời tiết. Những tấm ảnh về thiên hà mà Khải chụp có khi mất đến một tháng để canh bầu trời. Dựa vào biểu đồ mây, hơi nước, độ ẩm không khí của một trang web nước ngoài về vị trí định chụp, Khải sẽ quyết định chụp hôm nay hay ngày mai, chụp lúc mấy giờ...
“Chụp ảnh thiên văn không phải rảnh ngày nào chụp ngày đó. Thời tiết thay đổi liên tục, mình phải dành cả tuần để canh, chờ thời tiết ổn định. Nói chung, mình phải luôn sẵn sàng khi có bầu trời đẹp” - Khải kể lại về những tháng ngày luôn “lên dây cót” để chuẩn bị cho giờ G.
Với những bạn định dấn thân vào đam mê chụp ảnh thiên văn, Khải chân thành trải lòng: “Các bạn cần suy nghĩ thật kỹ về vấn đề sức khỏe. Cả tuần thức khuya dễ gây suy nhược cơ thể. Đó là chưa kể đi chụp thường phải đi một mình. Ai có thể đi đêm, thức đêm cả tuần và “tám” về những thứ trên trời với bạn? May lắm 3-4 tháng anh em trong hội mới có dịp chụp chung. Nhiều lần đang chụp thì mây mưa kéo tới, phải nhanh chóng dọn thiết bị vào nhà để tránh hư hỏng”...
Cứ thế, mỗi đêm Khải chụp khoảng 4-5 tiếng, bao gồm cả thời gian lắp đặt máy, tìm thiên hà và chụp. Nhiếp ảnh thể loại DSO (Deep sky object - Vật thể tối) phải phơi sáng lâu, tổng cộng thời gian phơi từ 30 phút đến 2 tiếng tùy đối tượng chụp; nếu có mây mù thì chụp lại, hoặc chuyển qua ngày khác.
“Mắt người nhìn vào kính có thể thấy các thiên thể, nhưng không rõ và đầy đủ màu sắc như khi để máy ảnh phơi sáng. Bộ ảnh của mình chỉ mang ý nghĩa nhiếp ảnh, lưu lại những hiện tượng đẹp của vũ trụ cho mọi người chiêm ngưỡng. Ảnh không mang ý nghĩa nghiên cứu” - Nguyễn Tân Khải chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận