07/04/2014 11:00 GMT+7

Blouse trắng trên đảo Tây Nam

MAI HOA - T.T.DŨNG
MAI HOA - T.T.DŨNG

TT - Điện, nước khó khăn. Trang thiết bị hầu như chẳng có gì. Địa bàn “đóng quân” lại tách biệt hoàn toàn với đất liền.

vMhZDkUu.jpg
Bác sĩ Hà Hoàng Khanh - Ảnh: T.T.D.

Nhưng những y bác sĩ, nhân viên y tế mà chúng tôi gặp trong chuyến công tác các đảo Tây Nam vẫn đầy lạc quan với cuộc sống và công việc của mình.

Gần 21g, bác sĩ Hà Hoàng Khanh mới chạy xe về đến Trạm y tế xã An Sơn (huyện Kiên Hải, Kiên Giang). Chị vừa vượt hơn 4km đường dốc, không có một ánh đèn đến thăm bệnh cho một bà cụ ở ấp Bãi Ngự. Đó cũng là giờ “tan ca” rất bình thường của những y bác sĩ trên đảo.

yAsZh84Z.jpg
Hơn 20g30, bác sĩ Hà Hoàng Khanh vẫn còn khám cho một bệnh nhân trên đảo Nam Du (xã An Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang) - Ảnh: T.T.D.

Cấp cứu giữa đảo khơi

Vừa dựng xe, bác sĩ Khanh vừa kể như phân bua: “Bà cụ lớn tuổi, huyết áp tăng giảm đột ngột, đường sá đi lại khó khăn nên gia đình phải gọi mình đến”. Mới về công tác ở trạm được ba tháng, bác sĩ Khanh giờ đã kịp quen với những chuyến thăm bệnh và ca bệnh lúc nửa đêm đầy tận tụy như vậy. Trên đảo, cứ 11g đêm là cúp điện tối om nhưng bác sĩ Khanh nói chuyện đó cũng thường thôi, chị là dân gốc Hòn Tre, một hòn đảo cũng trên vùng biển Tây Nam này nên tay lái rất “lụa”. “Cứ bấm đèn nổ máy, dò dẫm mà đi trong đêm tối là tới thôi” - chị Khanh cười hồn nhiên.

Đồng nghiệp của bác sĩ Khanh, y sĩ sản Thị Hoàng (29 tuổi) về công tác tại Trạm y tế xã An Sơn đã bốn năm, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Kiên Giang. Non kinh nghiệm, trang thiết bị lại thiếu thốn, Hoàng và cô bạn cùng lớp tên Gấm tự mày mò, tự xử lý các tình huống. Gặp ca khó quá lại gọi các cô giáo để hỏi, may mắn là tới giờ tất cả đều thành công. Chị Hoàng kể mỗi năm trung bình trạm y tế đỡ khoảng 40-50 ca sinh. Còn lại là các công việc khám phụ khoa, làm kế hoạch... Các dụng cụ sản thì hầu như không có gì. Chiếc giường nằm sinh của sản phụ đã bị gãy một bên kê chân, thành ra mỗi khi leo lên, sản phụ chỉ gác được chân trái, còn chân phải chới với không biết để đâu.

Có một ca bệnh làm cả Hoàng và Gấm nhớ đời khi nửa đêm, một sản phụ bị nhau tiền đạo không thể xử lý được. Hoàng và Gấm quyết định phải đưa sản phụ vào bờ mới mong cứu được, vì ngoài đảo không có đủ phương tiện để xử lý. Gia đình phải thuê ghe cá chở sản phụ vào Bệnh viện Rạch Giá. Gấm đi theo. Đang mùa mưa bão, sóng to gió lớn, tàu đi lạc đường đến tận Cà Mau. Nhưng bệnh viện ở đó không nhận mà chỉ cấp cứu rồi cho xe chuyển về Rạch Giá. Cũng may, ca đó mẹ tròn con vuông.

Trạm y tế xã Tiên Hải đóng trên Hòn Đốc, trước đây còn gọi là đảo Hải Tặc, phục vụ khám chữa bệnh cho gần 2.000 dân của xã. Mặc dù đảo ở khá gần đất liền, quãng đường vào Hà Tiên chỉ 18-19km, đi mất hơn một giờ, nhưng trang thiết bị ở đây cũng rất thiếu thốn. Cả trạm chỉ có một máy đo đường huyết. Dụng cụ sản chỉ có duy nhất tai nghe bằng gỗ. Không máy siêu âm. Bác sĩ cũng chưa có chứng chỉ sử dụng máy siêu âm, điện tim. Điện trên đảo chỉ có từ 8g-10g và từ 17g-22g.

nIR3nqLS.jpg
Nữ hộ sinh Thị Hoàng chuẩn bị một ca đỡ đẻ với bàn sinh chỉ còn một chỗ gác chân trái cho sản phụ (ảnh chụp trên đảo Nam Du, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang) - Ảnh: T.T.D.

Duyên với đảo

Khi còn là y sĩ ở Trung tâm y tế Hòn Tre, chị Khanh đã có nhiều dịp đi thăm xã đảo An Sơn và biết được tình hình thiếu bác sĩ ở đây. Khi học lên bác sĩ xong, nhận phân công công tác, chị hăm hở lên đường và... bàng hoàng. Điện trên đảo này chỉ có từ 8g30-13g và từ 15g30-23g, vài ba bữa lại cúp điện nguyên ngày để sửa chữa. Như mấy ngày nay, máy phát bị hư, hai ngày cúp, một ngày có. Ban đêm, dưới ánh điện tù mù vàng vọt, các cán bộ của trạm ra ngồi hóng gió trước cửa, muỗi ào ạt tấn công. Nhà vệ sinh mới xây, khá khang trang nhưng điện hỏng từ bao giờ, mỗi lần vào phải cầm theo chiếc đèn pin nhỏ treo lên vách tường.

Ba tháng ở đảo, chị mới về thăm nhà ở Hòn Tre được hai lần dù chỉ cách mấy chục kilômet. Đã vậy, nếu khách đông tàu sẽ không ghé Hòn Tre mà chạy về Kiên Giang, phải đón xe quay lại. “Cũng may ông xã cũng là bác sĩ nên rất thương và thông cảm cho vợ, thi thoảng từ Bệnh viện An Minh, Kiên Giang, ông xã lại đón ghe ngược ra thăm mình” - chị Khanh kể. Những lần thăm đó, anh vô tình trở thành “viện binh” cho trạm y tế. 4g sáng, một sản phụ vào trạm, sức khỏe vẫn bình thường, tử cung đã mở. Nhưng mãi chị chưa sinh được vì bào thai bị nhau quấn cổ. Nhờ sự trợ giúp của bác sĩ tăng viện này, một bé gái nặng 3kg đã chào đời trong niềm vui sướng khôn tả của gia đình và cái thở phào của vợ chồng bác sĩ.

“Đảo cũng như nhà mình, sẽ gắn bó lâu dài với nơi này thôi. Là bác sĩ, ở đâu người dân cần là mình góp sức, không ngại gì. Trong những trường hợp cấp bách, phải bằng mọi giá kéo dài sự sống chuyển bệnh nhân lên tuyến trên” - bác sĩ Khanh nói.

Còn y sĩ sản Thị Hoàng khi quyết định về đảo, ai cũng ngỡ ngàng. Gia đình ngăn cản, vì trước đó có người đã hứa xin việc tại một bệnh viện trong bờ. “Nhưng tôi muốn ra đảo để thử thách chính mình. Rồi yêu luôn hòn đảo này”. Mới lấy chồng vào năm ngoái và chưa có con, nhưng trên những hòn đảo thuộc xã An Sơn này, có hàng chục đứa trẻ đã bi bô gọi Hoàng là mẹ, người mẹ đỡ đầu.

Cần nhất là máy siêu âm

Ông Nguyễn Bá Lợi, trạm trưởng Trạm y tế xã An Sơn, cho biết: “Với 11 cán bộ, với khoảng 4.600 dân không đến nỗi quá tải. Nhưng do không có đủ thiết bị, không phân biệt được nội - ngoại khoa, việc chẩn đoán và xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Có một số bệnh hay gặp như đau ruột thừa, chỉ cần có máy siêu âm là có thể phát hiện nhanh và chính xác. Nhưng chúng tôi chỉ thăm khám và phán đoán, có khi cũng không chính xác. Bệnh nhân phải thuê ghe cá chạy vào Rạch Giá rất xa, rất tốn kém. Ghe lớn, trời trong thì 6-7 tiếng là tới nơi. Ghe nhỏ hơn thì 11 tiếng. Mùa mưa bão thì không chừng”.

Bác sĩ Mạc Phú Ngọc, trạm trưởng Trạm y tế xã Tiên Hải, cũng cho biết đã xin máy siêu âm mấy năm rồi mà chưa được. “Có máy siêu âm là đỡ cho bà con nhiều lắm, nhưng chưa trang bị được thì phải chịu thôi” - bác sĩ Ngọc nói.

Lần đầu tiên được ra đảo, nhiều thành viên trong đoàn công tác của báo Tuổi Trẻ đến với đảo Tây Nam đã chia sẻ những cảm xúc tươi mới, chân thành về người lính, cuộc sống của người dân trên đảo...

* Ông NGUYỄN THẾ TRUẬT (phó giám đốc NXB Trẻ):

Chỉ là hạt cát giữa biển khơi

Tôi từng là thầy giáo dạy môn lịch sử - địa lý và bây giờ tiếp tục giảng dạy bộ môn xuất bản tại trường đại học. Tôi sẽ đưa những cảm nhận, những điều mắt thấy tai nghe hôm nay vào bài giảng của mình. Ra đảo càng thấy quê hương giàu đẹp và thấm thía hơn những hi sinh của rất nhiều người để bảo vệ sự sống nơi này. Vậy mà những trang sách viết về Tây Nam vẫn còn ít quá. Trẻ em nói riêng và người dân trên những hòn đảo còn thiếu thốn nhiều, việc tiếp cận với sách báo thật khó khăn. Có đảo như Hòn Chuối không có tủ sách. Có đảo có trường học thì chưa có thư viện. Chứng kiến cuộc sống của người dân và người lính đảo nơi đây, mới thấy sự ủng hộ giúp đỡ của chúng ta còn quá nhỏ bé, giống như hạt cát giữa biển khơi, chẳng biết bao giờ là đủ.

* Chị TRẦN THỊ MINH PHƯỢNG(bí thư chi đoàn Ngân hàng Vietcombank TP.HCM)

Mong có thêm nhiều đóng góp cho đảo

Tôi đến với chuyến đi khá bất ngờ, không có nhiều thời gian chuẩn bị trước. Tháng 3, biển yên lặng như mặt hồ, nhưng tôi vẫn bị say sóng. Một chiến sĩ cứ làm bộ đi ra đi vào chẳng nói gì, đợi đến khi mình nôn ói đồng chí ấy mới hỏi: chị ơi chị say phải không, em có làm cho chị một ly nước chanh mà ngại quá nên không dám đưa chị uống. Một kỷ niệm riêng thật là cảm động.

Chuyến đi này tôi học được nhiều điều về cuộc sống. Đáng quý nhất là lúc ở các đảo, mình thấy cuộc sống ở đây thiếu thốn đủ bề nhưng khi hỏi lính đảo, các anh nói rằng chỉ thiếu nước thôi. Ở đảo, khái niệm thiếu thốn cũng đơn giản hơn mình nhiều. Điện chỉ đủ dùng vài ba giờ mỗi ngày, một ca nước phải tận dụng làm được 2-3 việc, rau xanh không có nước tưới không lớn nổi, đi bộ men theo đường dốc đất, bậc thang mệt rã rời, mồ hôi ròng ròng đẫm áo. Nhưng ai nấy đều lạc quan và hiếu khách. Tôi nghĩ với những con người luôn lạc quan, cần cù lao động như ở nơi đây, sự giúp đỡ từ đất liền sẽ là động lực để họ vượt qua khó khăn muôn trùng, xây dựng biển đảo ta giàu đẹp. Sau chuyến đi, tôi sẽ truyền tải hết những gì mình đã thấy, đã cảm nhận được đến ban lãnh đạo và tất cả mọi người trong cơ quan. Hi vọng sẽ có thêm những đóng góp đáng kể, thiết thực để giúp đỡ cuộc sống người lính và dân cư nơi đây.

* Ca sĩĐỒNG LAN:

Đã có một ca khúc dành tặng đảo

Suốt chuyến đi Lan may mắn không bị say sóng nhưng về tới nhà nằm trên giường mà người cứ bồng bềnh nhớ tàu, nhớ đảo. Nơi đó có những em nhỏ đen nhẻm đi chân trần đùa nghịch với nhau hồn nhiên, cũng chẳng có trường lớp tử tế cho các em học, chỉ có thầy giáo xóa mù chữ là một chiến sĩ, nếu thầy giáo có việc rời đảo là lớp nghỉ, rất tội. Chiến sĩ lênh đênh trên biển một năm được về thăm nhà có mấy mươi ngày, họ luôn miệng phong vợ mình là anh hùng và Lan nghĩ những nữ anh hùng đó thật may mắn khi có những người chồng anh hùng.

Lan mong một ngày quay lại và mang thêm nhiều quà cho chiến sĩ. Buổi liên hoan chia tay cuối cùng, bối rối, Lan viết một ca khúc ngay bên mâm cơm, có lẽ sẽ đặt tên là Yêu thương đảo xa: Tiếng sóng biển đưa ta tới quê hương xa xôi/Sóng vỗ thân tàu, hát khúc hát hải quân yêu thương/Thế giới muôn màu, chọn việc khó các anh ra khơi/Giữ vững biển trời, nơi hải đảo trùng khơi xa xôi...

MAI HOA - T.T.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp