Logo hãng sản xuất vật liệu bán dẫn Đài Loan TSMC - Ảnh: REUTERS
Trung Quốc vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, đồng thời luôn nỗ lực ngăn cản các nước thiết lập quan hệ chính thức với hòn đảo này.
Dù vậy, Hãng tin Bloomberg ngày 26-1 cho rằng các lãnh đạo trên toàn cầu đang nhận ra họ phụ thuộc vào năng lực sản xuất chip điện tử của Đài Loan nhiều như thế nào, mà cụ thể là tập đoàn TSMC.
TSMC hiện là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới và đối tác lớn của Apple trong các sản phẩm điện thoại thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán hiệu suất cao.
Vai trò của Đài Loan đối với nền kinh tế toàn cầu hầu như không được quan tâm là mấy, cho đến khi hòn đảo này trở nên nổi trội vì diễn biến gần đây trong ngành xe hơi.
Các nhà sản xuất xe bị cho là đang thiếu nguồn cung chip trầm trọng cho mọi thiết bị, từ bộ cảm ứng đậu xe cho đến bộ phận kiểm soát khí thải.
Những cái tên như Volkswagen AG (Đức), Ford Motor (Mỹ) hay Toyota Motor (Nhật Bản) đang buộc phải kìm hãm sản xuất và tạm ngừng hoạt động một số cơ sở sản xuất vì lí do trên.
Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất xe Mỹ, châu Âu và Nhật Bản đang kêu gọi sự giúp đỡ từ chính phủ, cũng như kêu gọi cả Đài Loan và TSMC hỗ trợ.
Theo nguồn tin quan chức Pháp của Bloomberg, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong năm 2020 đã bàn bạc về khả năng thiếu hụt nguồn cung. Cả hai được cho là đã thống nhất rằng châu Âu cần phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của mình.
Đòn bẩy kinh tế và chính trị
Bloomberg nhận định những diễn biến trên cho thấy năng lực sản xuất chip của TSMC đã trao cho Đài Loan một đòn bẩy kinh tế và chính trị tốt trên trường thế giới, khi công nghệ đang là một trong những mâu thuẫn trọng tâm của quan hệ Mỹ - Trung.
Giới chuyên gia nhận định cuộc chiến công nghệ giữa hai nước bắt đầu dưới thời cựu tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khó lòng nguội đi dưới thời của Tổng thống Joe Biden.
Ngoài ra, sự nổi trội của Đài Loan trong ngành công nghiệp bán dẫn cũng cho thấy thêm một nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, buộc các nhà máy từ Tokyo đến Bắc Kinh phải trở nên độc lập hơn.
Chiếm ưu thế trong mô hình gia công chip do Mỹ phát triển, Đài Loan “có khả năng trở thành điểm gãy nguy hiểm nhất trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành vật liệu bán dẫn”, ông Jan-Peter Kleinhans, giám đốc dự án công nghệ và địa chính trị tại tổ chức nghiên cứu Stiftung Neue Verantwortung (Đức), cảnh báo.
Điển hình, với cùng luận điểm này, chính quyền Trump đã chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ. Bằng cách này, chính quyền đó đã cắt đứt nguồn cung từ TSCM và các hãng sản xuất khách cho Huawei.
Câu chuyện trên không đồng nghĩa rằng Đài Loan là phía duy nhất tham gia vào chuỗi cung ứng vật liệu bán dẫn. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cho thấy TSMC đang ngày một xây dựng sân chơi mới cho riêng mình nhờ chip điện tử, đồng thời giúp Đài Loan xây dựng cả một hệ sinh thái xung quanh đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận