10/11/2014 12:54 GMT+7

Khám phá máy ảnh lấy nét tự động đầu tiên

LÊ VI
LÊ VI

TTO - Tìm về thuở "ấu thơ" của công nghệ lấy nét tự động (AF), hiểu câu chuyện "yểu mệnh" của máy ảnh lấy nét tự động đầu tiên.

Ảnh chụp với Pentax ME-F - Ảnh: Lê Vi
Ảnh chụp với Pentax ME-F, Chất lượng hình ảnh ấn tượng bù cho hệ thống lấy nét tự động ì ạch - Ảnh: Lê Vi

Công nghệ lấy nét tự động (auto focus / AF) tiện lợi không thể thiếu trên các máy ảnh hiện nay từng là nỗi ám ảnh của các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp bởi tốc độ ì ạch và thiếu chính xác. Trở về quá khứ, công nghệ này là một bước phát triển vượt bậc, mở ra một kỷ nguyên lấy nét tự động trên máy ảnh.

Những phát súng đầu tiên

Vào giữa năm 1960 và năm 1973, nhãn máy ảnh danh tiếng Leitz (Leica) cấp bằng sáng chế cho công nghệ lấy nét một phần và công nghệ cảm biến tương ứng.

Tại triển lãm Photokima (triển lãm thiết bị hình ảnh lớn nhất thế giới diễn ra hằng năm) năm 1976, Leica trình diễn một máy ảnh có tên là Correfot được phát triển từ công nghệ trước đó của họ. Thế nhưng hai năm sau (1978) Correfot mới hoàn thiện tính năng lấy nét tự động.

Song song, máy ảnh point-and-shoot Konica C35 AF được sản xuất hàng loạt và bán ra thị trường vào năm 1977, kế đến là Polaroid SX-70 Sonar OneStep – máy ảnh phản xạ ống kính đơn (SLR) không thay đổi ống kính, được thương mại hóa vào năm 1978 nhưng không thành công .

Cuối cùng, vào năm 1981 chiếc máy ảnh được chờ đợi nhất Pentax ME-F cùng ống kính Auto Focus 35-70 f2.8 dùng phim 35mm đầu tiên được ra mắt. Bộ máy ảnh được thiết kế với một cảm biến lấy nét trong thân máy cùng một động cơ trên ống kính trở thành thiết kế chuẩn để nhiều hãng máy ảnh khác làm theo.

Bộ máy ảnh Pentax ME-F, SMC AF 35-70mm f2.8 và motor driver (hệ thống lên phim tự động) - Ảnh: Lê Vi
Bộ máy ảnh Pentax ME-F, SMC AF 35-70mm f2.8 và motor driver (hệ thống lên phim tự động) - Ảnh: Lê Vi
Chụp ảnh với Pentax ME-F - Ảnh: Lê Vi
Chụp ảnh với Pentax ME-F, kích thước cồng kềnh nhưng thao tác dễ dàng - Ảnh: Lê Vi

Cặp đôi không thể tách rời

Máy ảnh ME-F (sản xuất từ 11/1981 đến năm 1984) là bản nâng cấp hoàn chỉnh phiên bản Pentax ME-super danh tiếng trong loạt ME-seri của hãng Ashi Optical. ME-F được thiết kế chắc chắn với thân hợp kim kích thước gọn 85,5mm (cao), 132mm (ngang), 49mm (sâu) và nặng 480g có hai màu satin-crome và đen.

Bộ máy ảnh Pentax ME-F, SMC AF 35-70mm f2.8 và motor driver (hệ thống lên phim tự động)
Bộ máy ảnh Pentax ME-F, SMC AF 35-70mm f2.8 và motor driver (hệ thống lên phim tự động)

Bên trong máy là một màn trập Điều khiển điện tử kim loại dọc Seikogab MFC-E2 có tốc độ 4”-1/2000”. Máy có 3 chế độ chụp A (ưu tiên khẩu độ), M (chỉnh tay) và B (phơi sáng), đồng bộ đèn flash 1/125”, Bù trừ sáng từ -4 đến +4, tự động hẹn giờ… Máy hoạt động nhờ nguồn cung cấp điện 2x1,5V.

Trong thân máy có tích hợp bộ cảm biến nhận dạng tương phản, đây là một bộ phận quan trọng trong hệ thống lấy nét tự động. Bộ phận còn lại nằm trên ống kính SMC 35-70mm f2.8 zoom.

Ống kính Pentax SMC 35-70mm f2.8 zoom được xem là ống kính đầu tiên có AF, bên trong thân ống kính được tích hợp động cơ lấy nét cùng một ngăn chưa 4 cục pin AAA cung cấp nguồn cho hệ thống.

Ống kính chỉ AF được với thân máy ME-F qua 5 chân tiếp xúc điện trên ngàm máy ảnh và ống kính. Ống kính có 7 thấu kính chia làm 7 nhóm, độ mở từ 2.8 đến 22,  nặng 580g, sử dụng cỡ lọc 58mm. Trên thân có 2 nút điều khiển AF theo chiều ngắm thẳng và ngắm ngang khi chụp.

Tính năng AF trên thân máy và ống kính chỉ hoạt động cùng nhau.

Autofocus kém, hình ảnh tuyệt vời

Hệ thống AF của bộ máy này hoạt động theo nguyên tắc thụ động. Tức là máy ảnh chỉ AF khi nhận được lệnh điều khiển từ người dùng. Ánh sáng đi qua ống kính vào thân máy và được bộ cảm biến nhận dạng tương phản phân tích, sau đó sẽ gởi lệnh đến hệ thống moto trên thân ống kính để điều chỉnh nét.

Hệ thống này làm việc khá ỳ ạch và nhận dạng giới hạng tại khu vực trung tâm. Moto lấy nét hoạt động đến khi chính xác sẽ tự ngắt.

Quá trình này mất vài giây trong điều kiện ánh sáng lý tưởng và chủ thể có độ tương phản cao. Trong cùng ánh sáng yếu hệ thống hầu như không làm việc được.

Trong một số điều kiện không thuận lợi, việc lấy nét diễn ra ồn ào bởi tiếng động từ motor và hệ thống truyền động. Việc lấy nét không chính xác cũng thường xuyên diễn ra buộc người dùng chuyển qua chế độ lấy nét tay.

Bù lại những khó chịu của hệ thống auto focus “thế hệ đầu” thì hình ảnh mà bộ máy này mang lại tuyệt vời.

Ảnh chụp với Pentax ME-F - Ảnh: Lê Vi
Ảnh chụp với Pentax ME-F, Chất lượng hình ảnh ấn tượng bù cho hệ thống lấy nét tự động ì ạch - Ảnh: Lê Vi

Theo khảo sát của trang www.pentaxforums.com thì ống kính Pentax SMC 35-70mm f2.8 này được chấm 9/10 về độ nét, 9/10 về quang sai, 8/10 cho bokeh và độ tiện dụng là 8/10. Riêng bản thân người viết thì chấm 9/10 cho màu sắc khi dùng trên máy digital.

Riêng thân máy Pentax ME-F vẫn hữu dụng khi dùng chung với các ống kính Pentax khác do hệ thống thông báo nét vẫn hoạt động.

Hệ thống này hiển thị một chấm màu xanh lá cây trong khung ngắm khi người dùng điều chỉnh đúng nét. Trên khung ngắm còn hiển thị thêm một số thông tin khác rất tiện dụng như tốc độ, khẩu độ và ASA. Những nút điều chỉnh trên được bố trí thuận tiện khi sử dụng.

"Yểu mệnh"

Theo kế hoạch thì hãng Asahi Optical sẽ cho ra đời thêm ống kính Pentax SMC AF 75-150mm f3.5 zoom tương thích với thân máy Pentax ME-F. Thế nhưng dự án tiến triển chậm và chìm vào quên lãng bởi công nghệ lấy nét tự động phát triển bùng nổ vào thời bấy giờ, cũng như các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp chưa đặt nhiều niềm tin vào hệ thống lấy nét tự động sơ khai này.

Dù không thành công về doanh số nhưng cặp đôi Pentax ME-F và SMC 35-70mm f2.8 đã ghi một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nhiếp ảnh là bộ máy ảnh dùng phim 35mm, sử dụng ống kính đơn thay thế được (SLR) có hệ thống lấy nét tự động đầu tiên.

LÊ VI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp