24/07/2017 14:55 GMT+7

Đông Nam Á, đấu trường của hai nhà khổng lồ Tencent và Alibaba

TIÊU NGỌC LANG
TIÊU NGỌC LANG

TTO - Hệ sinh thái khởi nghiệp của Đông Nam Á đang thu hút dòng vốn lớn từ bên ngoài, nhưng các nhà đầu tư không phải từ phương Tây như trước kia, mà từ các công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó Tencent và Alibaba là hai cái tên nổi bật.

Đông Nam Á – thị trường đầy hứa hẹn

Từ lâu, Đông Nam Á luôn là một thị trường hấp dẫn với Trung Quốc, nên không ngạc nhiên khi khu vực với hơn 600 triệu dân này cũng thu hút được sự quan tâm của các công ty công nghệ Trung Quốc. Là hai kẻ tử thù trong thương trường nội địa, Tencent và Alibaba lại tiếp tục đấu nhau ác liệt ở thị trường Đông Nam Á.

Đông Nam Á, đấu trường của hai nhà khổng lồ Tencent và Alibaba - Ảnh 1.

Dự báo thị trường Thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á đến năm 2025

 Các thông số thống kê từ Google cho thấy thị trường Đông Nam Á hiện có tới 260 triệu người dùng Internet, chủ yếu nằm ở 6 nước Singapore, Indonesia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam.

Con số này dự kiến sẽ tăng lên 480 triệu vào năm 2020. Tuy vẫn còn thua xa Trung Quốc với 731 triệu người dùng, nhưng rõ ràng Đông Nam Á và Ấn Độ là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển công nghệ mới.

Cũng theo Google, dự kiến đến năm 2025, tổng doanh thu từ "nền kinh tế Internet" của khu vực sẽ đạt con số 200 tỷ đô la Mỹ, gấp 6,5 lần năm 2015. Trong đó chỉ riêng mảng eCommerce dự kiến sẽ đạt 88 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025 so với 5,5 tỷ của năm 2015 và phân nửa đến từ thị trường Indonesia.

Ngoài ra, với đặc thù người dùng Đông Nam Á chủ yếu sử dụng Internet trên các thiết bị di động, các tham số này càng thêm hấp dẫn các nhà đầu tư công nghệ mới.

Từ hấp dẫn đến đầu tư

Sau khi thám thính thị trường khu vực trong năm 2015, Alibaba bắt đầu triển khai hành động vào năm 2016.

Tháng 4-2016, Alibaba – tập đoàn khổng lồ của tỷ phú Jack Ma đã bỏ ra 1 tỷ đô la để đầu tư vào Lazada. Rồi rất nhanh sau đó, đến tháng 6, Alibaba bỏ thêm 1 tỷ đô la nữa để sở hữu đến 83% cổ phần của công ty này. Với nền tảng tài chính hùng hậu, Lazada đang mở rộng kinh doanh tại 6 thị trường lớn nhất của Đông Nam Á.

Nhưng không dừng lại ở đó, Alibaba tiếp tục xâm chiếm thị trường Fintech Đông Nam Á (Fintech là khái niệm để nói tới các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ). Thông qua công ty Ant Financial (trước đây gọi là Alipay – một công ty thuộc tập đoàn Alibaba), Alibaba đã hoàn tất thỏa thuận với Ascend Money của Thái Lan, Mynt của Philippine, Emtek của Indonesia và M-Daq của Singapore.

Ngoài ra, ngay hồi đầu tháng này, Alibaba cũng đã mở két để đầu tư 50 triệu đô la Mỹ vào công ty bảo hiểm, tài chính online CompareAsiaGroup.

Với Tencent, tập đoàn này đã hiện diện trong giới công nghệ Đông Nam Á sớm hơn, có thể kể đến một công ty kinh doanh game online nổi tiếng của Việt Nam, công ty dịch vụ âm nhạc Joox, công ty media Sanook của Thái Lan và gần đây nhất là Ookbee, một công ty Thái Lan khác.

Trò chơi Vương quyền

Như cái tên của một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng hiện nay, cuộc đấu giữa Alibaba và Tencent đang lan rộng từ thị trường nội địa Trung Quốc sang địa bàn Đông Nam Á, nơi hai nhà khổng lồ công nghệ này đang giành giật các công ty khởi nghiệp.

Đông Nam Á, đấu trường của hai nhà khổng lồ Tencent và Alibaba - Ảnh 2.

Cuộc chiến Vương quyền giữa Alibaba và Tencent

Cuộc đấu trong lĩnh vực taxi công nghệ là một ví dụ. Theo các nguồn tin, Alibaba đang tham gia vào nhóm các nhà đầu tư cho vòng gọi vốn mới của Grab, dự kiến sẽ đạt 2 tỷ đô la Mỹ và sẽ sớm hoàn tất. 

Trước đó cũng có tin đồn về việc Alibaba đang theo đuổi đầu tư vào Go-Jek, sản phẩm taxi công nghệ dẫn đầu thị trường Indonesia. Nhưng dường như Go-Jek đã hoàn thành cuộc đàm phán với nhóm đầu tư do Tencent đứng đầu với số tiền 1,2 tỷ đô la, dù thông tin này chưa được Tencent chính thức công bố.

Ở mảng thương mại điện tử (eCommerce), Tencent cũng mạnh mẽ cạnh tranh với Alibaba khi họ cùng công ty đồng minh JD.com đang tập trung đàm phán với Tokopedia – một công ty Indonesia. 

Trong khi đó, các nguồn tin cũng chỉ ra rằng Alibaba đang thương thảo đầu tư vào công ty này cùng Softbank. Có lẽ Tokopedia đang đứng trước một lựa chọn khó khăn khi phải quyết định theo bên nào vì về cơ bản không thể có thỏa hiệp.

Nếu thị trường Trung Quốc đã phân định ngôi bậc khá rõ ràng với Alibaba dẫn đầu chiến trường eCommerce, Tencent chiếm mảng Social media, Baidu giữ phần tìm kiếm và Didi là taxi công nghệ, thì trận chiến giữa Alibaba và Tencent ở Đông Nam Á có lẽ sẽ còn giằng co và còn ác liệt hơn. Để có kết quả cuối cùng có thể sẽ mất thêm rất nhiều thời gian.

Cuối cùng, xin mượn lời của ông Amit Arnand, sáng lập viên của quỹ đầu tư Jungle Ventures Singapore khi nói về xu thế đầu tư của các công ty Trung Quốc vào Đông Nam Á: "Nguồn vốn và kinh nghiệm của họ (Tencent & Alibaba – NV) là rất quan trọng. Nhưng đồng thời họ cũng mang đến cảm giác về sự liều lĩnh và táo bạo vốn bị thiếu ở đây".

TIÊU NGỌC LANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp