21/06/2014 17:51 GMT+7

Blog Khởi nghiệp: Câu chuyện gọi vốn cộng đồng (phần 1)

 LÊ DIỆP KIỀU TRANG (Misfit Wearables) 
 LÊ DIỆP KIỀU TRANG (Misfit Wearables) 

Hình thức gọi vốn cộng đồng những năm gần đây trở thành một điểm sáng trong giới khởi nghiệp (start-up), đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ và sản phẩm mới.

ObTDtetT.jpg
Crowdfunding, gọi vốn cộng đồng đang là hình thức tìm kiếm nguồn lực tài chính cho các dự án khởi nghiệp - Ảnh: accredify.co

Đến thời điểm hiện tại, hình thức gọi vốn cộng đồng đã huy động 1.5 tỷ USD năm 2011, và dự tính lên đến 6 tỷ USD năm 2013 từ cộng đồng mạng để đổ vào hàng triệu công ty mới thành lập, một điều mà chỉ vài năm trước đây không ai có thể tưởng tượng nổi.

Ở Việt Nam cũng đã bắt đầu nhen nhóm xuất hiện một vài crowdfunding platform, tuy lượng vốn huy động từ công chúng chưa nhiều nhưng cũng mở màn cho trào lưu kéo doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng.

Gọi vốn cộng đồng là gì?

Từ ngày internet phát triển đưa con người lại gần nhau, cộng đồng mạng trở thành một tiếng nói được nghe đến nhiều nhất, một nguồn lực lớn ngoài sức tưởng tượng trước đó của con người. Hàng loạt các hoạt động crowdsourcing (sử dụng nguồn lực của đám đông) ra đời. Ví dụ, đánh giá (rating) của cộng đồng mạng về sản phẩm nào tốt trên Amazon, nhà hàng nào ngon trên Yelp, đóng góp thông tin về những đề tài khác nhau để tạo thành từ điển bách khoa toàn thư trên mạng Wikipedia,…

2nY2YU5M.jpg
Ảnh minh họa: Blogspot

Crowdfunding là hình thức cộng đồng mạng chung tay góp vốn cho một ý tưởng, một công nghệ, một sản phẩm mới, giúp ý tưởng, sản phẩm này có thể thành hiện thực. Tùy vào mức độ đóng góp và tuỳ vào hứa hẹn của người gọi vốn, cộng đồng mạng sẽ nhận được những món quà lưu niệm, mà thường là sản phẩm thực tế khi nó ra đời. Những đóng góp này mặc dù được xem như là tiền ủng hộ (pledge), nhưng qua thời gian thực chất có thể xem là tiền đặt mua sản phẩm ngay cả khi sản phẩm chưa ra đời. Tiền đặt mua vì vậy thường thấp hơn giá thị trường sau này từ 30% – 50%. Các bạn có thể tham khảo thêm 2 nền tảng crowdfunding nổi tiếng hiện nay là Kickstarter và Indiegogo.

Doanh nghiệp được gì từ gọi vốn cộng đồng?

Cái lợi đầu tiên cho doanh nghiệp là vốn. Đây là lý do vì sao hình thức này thu hút rất nhiều công ty startup, đặc biệt là những công ty chưa có điều kiện tiếp xúc với nhiều nguồn vốn, chưa có kinh nghiệm hay khả năng để gọi vốn từ nhà đầu tư hoặc ngân hàng. Người gọi vốn chỉ cần thuyết phục được cộng đồng mạng mở hầu bao của mình (thường mỗi người chỉ từ vài chục đến vài trăm USD) và với sức kêu gọi số đông, doanh nghiệp có thể thu về vài trăm nghìn USD đủ để phát triển và cho ra đời sản phẩm mình hứa hẹn.

jWXtOV3K.jpg
Crowdfunding cũng là cách thăm dò thị trường, phản hồi từ người tiêu dùng về dự án, ý tưởng - Ảnh: Projecteve.com

Vậy tại sao có nhiều công ty vẫn gọi vốn cộng đồng khi đã có sẵn nguồn vốn rất mạnh từ VC? Mình sẽ dành một bài riêng phân tích những nguồn lợi không nhỏ từ gọi vốn cộng đồng bên cạnh vốn, nhưng một trong những lợi ích lớn nhất đối với doanh nghiệp là khảo sát thị trường. Những ý tưởng sản phẩm của start up thường là những sản phẩm chưa từng xuất hiện trên thị trường hoặc có những tính năng chưa sản phẩm nào có. Vậy làm sao biết được sản phẩm này, tính năng này sẽ được thị trường đón nhận? Nếu bỏ ra vài trăm nghìn USD để phát triển sản phẩm, đầu tư vào máy móc, sản xuất ra lô hàng đầu tiên, đầu tư tiếp vài trăm nghìn USD để tiếp thị sản phẩm, lúc đó mới vỡ lẽ thị trường sẽ không đón nhận vì lý do A, B, C…

Gọi vốn cộng đồng, cho đến hiện nay, là bảo chứng xác thực nhất về sự đón nhận của thị trường. Người tiêu dùng có thể trả lời qua loa trong phiếu thăm dò thị trường, nhưng khi họ bỏ tiền ra để mua một sản phẩm chưa ra đời, sản phẩm đó chắc chắn phải hấp dẫn một mức độ nhất định.

Những trở ngại gì cho mô hình này?

Trở ngại lớn nhất là không có gì đảm bảo sau khi gọi vốn được vài trăm nghìn USD, người gọi vốn sẽ cho ra đời sản phẩm và đưa đến tay cộng đồng như đã hứa. Hình thức gọi vốn cộng đồng cho đến nay vẫn theo hướng tự phát, nhà nước vẫn chưa có hình thức quản lý nào về tính khả thi của bất kỳ dự án nào. Điều này có thể hiểu được, vì vốn dĩ gọi vốn cộng đồng là “cởi trói” cho các ý tưởng, các sản phẩm, và hoàn toàn để cho “bàn tay vô hình” của thị trường quyết định khả năng gọi vốn của ý tưởng, sản phẩm đó. Và cũng có lẽ vì vậy, đến thời điểm này, chỉ có Mỹ là nơi hình thức này phát triển mạnh nhất, do suy nghĩ cởi mở, mức độ chấp nhận rủi ro cao, và sự yêu thích sản phẩm ý tưởng mới của cộng đồng mạng.

Cơ hội gì cho doanh nghiệp Việt Nam?

Vậy doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp cận cánh cửa mở này như thế nào? Theo góc nhìn của cá nhân mình, cộng đồng mạng ở Việt Nam chưa sẵn sàng để bỏ tiền vào những sản phẩm, ý tưởng mới. Tuy nhiên, một công ty Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia gọi vốn bình đẳng như những công ty khác trên thế giới do tính mở của mạng gọi vốn cộng đồng thế giới (như Indiegogo, Kickstarter). Những sản phẩm mới lạ, không nhất thiết chỉ trong lĩnh vực công nghệ, mà có thể trong lĩnh vực nghệ thuật, thủ công mỹ nghệ, thậm chí nông sản, thực phẩm,… có thể tiếp cận không chỉ nguồn vốn cộng đồng mà còn có thể “đánh tiếng” với người tiêu dùng trên thế giới về sự xuất hiện của mình.

Để khép lại câu chuyện gọi vốn cộng đồng tuần này, mình sẽ viết tiếp kỹ hơn về những cơ hội khác (bên cạnh nguồn vốn) mà chương trình gọi vốn cộng đồng có thể mang lại, làm để giúp chương trình gọi vốn của mình thu hút được cộng đồng mạng nhiều nhất. Các bạn có thắc mắc gì, xin cứ để lại bình luận (comment), để giúp mình viết bài tiếp theo hữu ích hơn. Xin cám ơn mọi người.

(Mời xem tiếp Phần 2 trên nhipsongso.tuoitre.vn)

Bạn có thể gửi bài viết cho Blog Khởi nghiệp chia sẻ kinh nghiệm Khởi nghiệp, những thắc mắc trong quá trình Khởi nghiệp... về địa chỉ email: [email protected].
 LÊ DIỆP KIỀU TRANG (Misfit Wearables) 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp