Rất nhiều người đến với hai đêm concert Born Pink ngày 29 và 30-7 đã tiêu một số tiền khá lớn, để được tận mắt nhìn thấy và tận hưởng bầu không khí biểu diễn trực tiếp của nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất thế giới, BlackPink. Và thứ họ nhận về là niềm vui không thể đo đếm bằng tiền.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cảm ơn nhóm nhạc K-pop BlackPink
Tiêu tiền trong hạnh phúc
Khu vực vé VIP trong hai đêm hầu như kín khán giả cho thấy nhiều người sẵn sàng chi số tiền lớn. Các khu vực giá vé rẻ hơn thì cũng không quá rẻ so với mặt bằng chung các concert quốc tế, cộng với số tiền di chuyển, ăn uống, sinh hoạt trong suốt quá trình.
Các chuyến bay từ TP.HCM đến Hà Nội trong hai ngày trước concert, rất đông hành khách là khán giả ra Hà Nội xem BlackPink. Và họ đang tiêu tiền một cách đầy tận hưởng.
Trong vòng một tháng từ lúc công bố đến lúc diễn ra concert, các vật phẩm liên quan như "búa hồng", quần áo, đồ lưu niệm, hình ảnh... cũng bán chạy.
Mọi người không chỉ mua quần áo gắn với BlackPink, họ còn mua quần áo có hai màu hồng và đen chủ đạo. Khán giả thông thường đã sẵn sàng tiêu tiền, người hâm mộ trung thành của BlackPink còn bỏ nhiều tiền hơn để chạy các chiến dịch quảng bá cho thần tượng.
Theo truyền thống của giới hâm mộ K-pop, họ muốn quảng bá thần tượng bằng những phương thức hoành tráng nhất.
Đó là màn hình LED ảnh Rosé (BlackPink) trên ba mặt của một tòa nhà lớn ở Hà Nội.
Đó là hình ảnh Jisoo ở tòa Landmark 81 (TP.HCM), và lời chào gửi đến Jisoo từ vòng quay Sun Wheel ở Đà Nẵng.
Đó là mascot Lali dễ thương với hình ảnh mô phỏng Lisa mặc áo dài Việt Nam ngồi trên xe hơi mui trần diễu hành khắp Hà Nội.
Đó là những hình ảnh của Jennie ở tòa nhà Sun Square Lê Đức Thọ khá gần sân vận động Mỹ Đình.
Đó là xe buýt hai tầng chạy quanh Hà Nội dán kín hình ảnh lớn và rất xinh đẹp của các thành viên.
BlackPink là công nghiệp giải trí
Nói một cách đơn giản, đây chính là công nghiệp giải trí nhìn từ ví dụ dễ hiểu nhất. Khán giả đã bỏ tiền ra cho một "sản phẩm" hấp dẫn và ở đỉnh cao của ngành công nghiệp giải trí toàn cầu, và họ nhận về rất nhiều thứ.
Đầu tiên, cảm giác hạnh phúc và phấn khích khi được đứng giữa một sân vận động đang bùng cháy với âm nhạc và những điệu nhảy là không gì thay thế được.
Bên cạnh trải nghiệm đó, còn là nhiều giá trị không đo đếm được bằng tiền hay định lượng: cảm giác thân thuộc khi hòa mình với hàng chục nghìn người chung sở thích, cảm giác trẻ trung, sành điệu, hợp thời, xứng đáng để khoe lên mạng xã hội cho bao nhiêu bạn bè ngưỡng mộ...
Những cảm giác đó không hề xấu, mà đúng nghĩa của hai chữ "giải trí" - hoạt động nhằm giải tỏa căng thẳng, tạo hưng phấn và động lực cho con người.
Theo báo cáo của Allied Market Research, doanh thu của thị trường tổ chức sự kiện K-pop được định giá 8,1 tỉ USD vào năm 2021 và ước tính đạt 20 tỉ USD vào năm 2031, tăng trưởng 7,3% mỗi năm trong vòng 10 năm này. Và người đến xem các buổi concert này không chỉ là "khán giả" hay "người hâm mộ", mà còn là "người tiêu dùng giải trí".
Theo Oxford Economics, một khán giả dự concert có thể tiêu số tiền gấp bốn lần tấm vé xem ca nhạc. Khi một người từ nơi khác đến để dự concert, chẳng hạn họ mua vé hết 100 USD (2,3 triệu đồng) nhưng sẽ tiêu các khoản khác thêm 334 USD (gần 8 triệu đồng), dẫn đến tổng chi tiêu là 434 USD (hơn 10 triệu đồng).
Những khán giả mua vé hạng cao hơn thì thường có nhu cầu chi tiêu xa xỉ hơn và số tiền cứ thế nhân lên.
Ngành tổ chức biểu diễn đã có tác động tổng thể vào cả quốc gia lẫn địa phương tổ chức. Các buổi concert và sự kiện giải trí trực tiếp sẽ tác động cả trong lẫn ngoài sự kiện như dịch vụ nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, nhà bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ.
Lâu nay, Việt Nam vẫn là một nốt trầm về ngành tổ chức biểu diễn quốc tế so với khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Liệu thành công của hai đêm nhạc BlackPink có giúp thay đổi bức tranh này?
Rác ngập sân Mỹ Đình sau show BlackPink
Phía sau hai đêm diễn của BlackPink tại Hà Nội là biển rác tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Khắp các lối đi từ trong đến ngoài sân là áo mưa dùng một lần, vỏ chai nước, rác thải nhựa bao kín. Sở dĩ lượng áo mưa tăng đột biến do mưa lớn trước đêm diễn.
Thêm nữa, 20h đêm nhạc chính thức diễn ra nhưng người hâm mộ phải xếp hàng chờ đợi từ 14h, nên họ sử dụng các dịch vụ ăn uống nhanh và xả thải tại chỗ. Lượng khán giả xem concert BlackPink trong hai đêm lên đến hơn 67.000 người khiến lượng rác thải càng khổng lồ.
Nhìn sân vận động ngập rác sau đêm nhạc, không ít người lắc đầu ngao ngán về ý thức của khán giả Việt khi tham gia các lễ hội âm nhạc, hoạt động tập trung đông người. Hình ảnh sân Mỹ Đình ngập rác được so sánh với cảnh sau đêm diễn của BlackPink tại các điểm đến khác trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới.
Chị Thu Hà (quận Tây Hồ, Hà Nội) bức xúc: "Chỉ cần mỗi người chủ động cầm chai nước, áo mưa của mình về thì lượng rác không lớn đến vậy.
Người tham gia đêm nhạc chủ yếu là giới trẻ, tôi nghĩ thay vì rao giảng bảo vệ môi trường thì việc tự dọn dẹp rác sau các sự kiện công cộng nên thành một thói quen để bảo vệ môi trường cũng như tạo hình ảnh đẹp trong mắt khán giả quốc tế đến với Việt Nam".
Phụ huynh lên mạng biện hộ cho Blinks
Mạng xã hội tràn ngập những bài đăng của các phụ huynh để biện hộ cho tình yêu cuồng nhiệt của các bạn trẻ dành cho ban nhạc nữ nổi tiếng nhất trên thế giới hiện nay.
"Đâu phải chỉ giới trẻ bây giờ bày tỏ tình cảm thái quá với ban nhạc BlackPink. Xin hãy đừng chỉ trích họ, hãy độ lượng lắng nghe họ, và nhớ lại chính mình! Tôi cũng đã một thời khóc thét, quằn quại, hôn chi chít lên tivi, ôm ngực gào lên "Thomas Anders, I want you, I love you" mỗi khi ban nhạc Modern Talking biểu diễn", một nhà báo viết trên trang cá nhân.
Dịch giả Nguyễn Bích Lan cho biết hồi chị còn trẻ nếu The Beatles hoặc Scorpions sang Việt Nam biểu diễn chắc chị cũng ước có tấm vé để đi nghe, xem tận mắt dù không hẳn chị thần tượng họ.
Mỗi thời đại lại có những idol riêng, và thời này với nhiều người trẻ Việt Nam chính là những nghệ sĩ K-pop. Nhiều cha mẹ Việt, nhờ chuyến biểu diễn của BlackPink dường như cũng đã dần chấp nhận điều này.
Thậm chí họ rỉ tai nhau hãy khôn ngoan chọn "đứng cùng phe thần tượng" của con để có thêm công cụ hữu hiệu dạy con vừa nhanh vừa hiệu quả thông qua thần tượng.
Từ BlackPink nghĩ về phát triển văn hóa
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Đình Thành cho biết đêm nhạc khiến ông nghĩ tới câu chuyện phát triển công nghiệp văn hóa của Hàn Quốc.
Theo chuyên gia này, kể từ lúc có chiến lược và kế hoạch cụ thể xây dựng công nghiệp văn hóa rồi bắt tay vào quyết liệt thì cũng phải mất hai thập kỷ mới gặt hái được.
Nhóm nhạc BlackPink là trái ngọt của việc Hàn Quốc đã đầu tư vào văn hóa cách đây 40 năm. Họ đã đầu tư về con người, cơ sở vật chất, tài chính, từ đó mới tạo dựng khán giả. Việt Nam muốn xây dựng công nghiệp văn hóa, sớm có trái ngọt thì rất cần hành động quyết liệt ngay từ bây giờ.
Tín hiệu rất tích cực
Nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết Born Pink là show được tổ chức và vận hành bởi người nước ngoài hoàn toàn nhưng đây vẫn là một điều rất tích cực cho công nghiệp giải trí ở Việt Nam.
Nó có thể mở đầu cho một loạt các chuyến lưu diễn khác của các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam, coi Việt Nam là một sự lựa chọn thêm để cân nhắc cùng với các thị trường truyền thống trong khu vực.
Đó sẽ là cơ hội để các nhà sản xuất nội địa hợp tác cùng đối tác nước ngoài. Lúc đó chúng ta mới chứng minh được năng lực thực sự của thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận