Bjorn Ulvaeus của ABBA, Julianne Moore và nhà văn đoạt giải Nobel Kazuo Ishiguro
Làn sóng phản đối mạnh mẽ này cho thấy sự lo ngại ngày càng gia tăng về việc các công ty công nghệ sử dụng những tác phẩm sáng tạo để đào tạo các mô hình trí tuệ nhân tạo AI mà không xin phép hay trả thù lao cho tác giả.
Những tác phẩm âm nhạc, văn học, hình ảnh và diễn xuất bị khai thác không công bằng khiến các nghệ sĩ phải lên tiếng đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.
Bản tuyên bố nhấn mạnh: "Việc sử dụng trái phép các tác phẩm sáng tạo để đào tạo trí tuệ nhân tạo AI là một mối đe dọa nghiêm trọng, không công bằng đối với sinh kế của những người đứng sau những tác phẩm này và điều đó không thể được phép".
Trong những năm gần đây, AI đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong ngành công nghiệp giải trí. Tại Hollywood, các hãng phim đã sử dụng AI để "hồi sinh" những ngôi sao quá cố thông qua các phiên bản kỹ thuật số.
Cảnh nền trong các bộ phim có cảnh chiến đấu cũng được tạo ra bằng các nhân vật ảo do AI điều khiển, thay vì sử dụng diễn viên thật.
Những hành động này đã đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của nghệ thuật sáng tạo: liệu cảm xúc và công sức của con người có bị thay thế bởi những câu lệnh lạnh lùng?
Điều tương tự cũng xảy ra trong các lĩnh vực âm nhạc và văn học, khi nhiều công ty AI sử dụng những kho tác phẩm có bản quyền để đào tạo AI mà không hề xin phép hay trả tiền tác quyền.
Theo nhà soạn nhạc người Anh Ed Newton-Rex, việc AI sử dụng các tác phẩm này như "dữ liệu huấn luyện" không chỉ là sự lạm dụng mà còn là hành vi vô cảm hóa giá trị sáng tạo của con người.
Những tên tuổi lớn trong làng âm nhạc thế giới như Bjorn Ulvaeus (ABBA), Thom Yorke (Radiohead), Robert Smith (The Cure), và nhiều nghệ sĩ khác đã yêu cầu ngừng ngay lập tức việc khai thác trái phép này.
Trong lĩnh vực văn học, các nhà văn nổi tiếng như Kazuo Ishiguro và James Patterson cũng đồng thuận rằng AI không nên sử dụng những công trình sáng tạo mà không có sự đồng ý của tác giả.
Đây không phải là lần đầu tiên các nghệ sĩ công khai phản đối AI. Vào năm ngoái, các tác giả nổi tiếng như John Grisham, Jodi Picoult và George RR Martin đã kiện OpenAI với cáo buộc rằng công ty này đã "đánh cắp" tác phẩm của họ để đào tạo AI một cách hệ thống.
Bên cạnh đó, một dự luật về an toàn AI được đề xuất ở California (Mỹ), có sự ủng hộ từ những ngôi sao như Pedro Pascal và Mark Hamill, nhưng đã bị thống đốc Gavin Newsom phủ quyết vào tháng trước.
Tất nhiên, không phải tất cả nghệ sĩ đều lên tiếng chống lại AI. Nhiều người đã chọn con đường cộng tác với các công ty ứng dụng AI.
Gần đây, Meta (công ty mẹ của Facebook) đã công bố dự án hợp tác với nam diễn viên Casey Affleck và hãng phim kinh dị Blumhouse để thử nghiệm phần mềm tạo phim bằng AI.
Tuy nhiên, đối với hàng nghìn nghệ sĩ đã ký tên vào tuyên bố nêu trên, AI trong sáng tạo nghệ thuật vẫn là một vấn đề nhạy cảm và đòi hỏi sự tôn trọng tối thiểu đối với quyền tác giả.
Theo nghệ sĩ Bjorn Ulvaeus (ABBA), nếu không có các biện pháp bảo vệ kịp thời, AI có thể trở thành một mối đe dọa lớn đối với ngành công nghiệp sáng tạo - một lĩnh vực mà cảm xúc, tài năng và nỗ lực của con người luôn là yếu tố then chốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận