Còn nhiều nghi vấn cần được làm rõ sau thông báo kết quả thanh tra, kiểm tra của tỉnh Thanh Hóa về việc tuyển dụng, bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Nhưng việc “bịt lỗ hổng” của hệ thống và luật pháp có lẽ còn quan trọng hơn để không phát sinh thêm “bà Quỳnh Anh” nào nữa.
Các cơ quan công quyền tỉnh Thanh Hóa có lẽ cần phải cảm ơn mạng xã hội và báo chí đã giúp họ có động lực làm sáng rõ một vụ việc chứa đựng nhiều sai sót, hoài nghi.
Rộn ràng khi đến, lặng lẽ lúc đi, mọi quy trình, thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm, cho thôi việc với một người đều dễ dàng, “thần tốc” như đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương bình luận là “không thể tưởng tượng nổi”.
Điều gì còn ẩn khuất đằng sau câu chuyện này? Thông báo của tỉnh Thanh Hóa có thừa nhận sai sót trong các quyết định bổ nhiệm, quy hoạch chức danh lãnh đạo, cử đi học cao cấp chính trị, cho thôi việc, nhưng kết quả thanh tra, kiểm tra chưa giải đáp được các câu hỏi: tại sao và điều gì khiến những sai sót đó mang tính hệ thống như vậy?
Có tiêu cực trong quá trình này không? Ai đã “nâng đỡ” để một cô gái trẻ với xuất phát điểm bằng cấp rất bình thường có sự “thăng tiến thần tốc”?
Tại sao công tác quản lý hồ sơ cấp sở mà lại để sai sót khó tin là trả hết hồ sơ cán bộ cho bà Quỳnh Anh, liệu có chuyện phi tang hồ sơ để xóa dấu vết vi phạm hay không?
Đặc biệt, dấu hỏi lớn nhất là về các tài sản được cho là “khủng” của bà Quỳnh Anh, đâu là sự thật? Mạng xã hội, báo chí từng đưa lên hình ảnh những biệt thự hoành tráng, những siêu xe đắt tiền, vậy các tài sản này có thuộc sở hữu bà Quỳnh Anh không và nguồn gốc do đâu mà có?
Các bản kê khai tài sản của bà này khi đương chức phó trưởng phòng, trưởng phòng được thể hiện như thế nào? Tại sao bà Quỳnh Anh không khai hoàn cảnh kinh tế của bản thân và gia đình trong thời gian dài mà không bị xử lý?
Và có phải do bà Quỳnh Anh không còn là cán bộ, công chức nên không đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà?
Nếu qua kiểm tra, thanh tra, thậm chí điều tra mà phát hiện vi phạm, sự bất minh về tài sản cũng như trong quan hệ của bà Quỳnh Anh thì từ đó có thể làm sáng tỏ hơn những hoài nghi mà dư luận đặt ra.
Việc “đi đến cùng” chuyện tuyển dụng, bổ nhiệm bà Quỳnh Anh không chỉ nhằm xử lý rốt ráo riêng vụ việc này, đáp ứng được đòi hỏi, trông đợi của dư luận, nhân dân, mà từ đó có thể rút ra những bài học bổ ích cho công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, quản lý cán bộ cũng như phòng ngừa tham nhũng.
Để một chuyện “không thể tưởng tượng nổi” xảy ra trong đơn vị cấp sở với thời gian khá dài phải chăng là do cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm thiếu công khai, minh bạch và thiếu trách nhiệm giải trình?
Do cơ chế giám sát, kiểm tra bị triệt tiêu trong môi trường thiếu dân chủ hay có ai đó đã “lấy tay che mặt trời”?
Dù là nguyên nhân nào đi nữa thì câu chuyện bà Quỳnh Anh cho thấy đã đến lúc không thể trì hoãn việc áp dụng, thực hiện cơ chế cạnh tranh thi tuyển công khai, minh bạch với các tiêu chí, chuẩn mực rõ ràng đối với mỗi vị trí công chức, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo.
Đồng thời, mọi tài sản và hoạt động công vụ của công chức phải được đặt dưới sự giám sát của nhân dân trăm tay nghìn mắt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận