Thí sinh kết thúc buổi thi cuối cùng kỳ 2018 tại TP.HCM - Ảnh: Duyên Phan
Một loạt giải pháp nhằm bịt lỗ hổng của kỳ thi THPT quốc gia đã được các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm 'Đổi mới thi cử - thực tiễn và những vấn đề đặt ra' do báo Đại Biểu Nhân Dân tổ chức ngày 13-9.
Tham dự tọa đàm gồm các chuyên gia giáo dục cùng lãnh đạo Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.
Không chấm bài của thí sinh cùng tỉnh
Giải pháp đang được Bộ GD-ĐT đặc biệt quan tâm là điều chỉnh khâu , áp dụng không chỉ cho giáo viên mà cả giảng viên ĐH địa phương cũng không coi thi, chấm thi ở địa phương mình.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết giải pháp này có thể sẽ được áp dụng ngay trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Ông Độ cũng nhấn mạnh: Bộ GD-ĐT sẽ khắc phục những điểm hạn chế về kỹ thuật, tạo rào cản kỹ thuật chặt chẽ, có cơ chế kiểm soát, để cho những người có nghề về CNTT nếu có ý gian lận cũng khó thực hiện.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra.
Nhìn lại kỳ thi 2018 với một loạt vụ việc gian lận chưa từng có, thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng trách nhiệm đầu tiên là những cá nhân trực tiếp tham gia và một số địa phương.
Tuy nhiên, về phía Bộ GD-ĐT, trách nhiệm được nhìn nhận ở khâu ra đề thi, "một số bài quá khó". Vì vậy, Bộ GD-ĐT phải xây dựng được ngân hàng câu hỏi đảm bảo phong phú chất lượng, chuẩn hóa để đạt được mục đích của kỳ thi.
Ông Nguyễn Xuân Khang - hiệu trưởng Trường THCS &THPT Marie Curie (Hà Nội) - cho rằng mục tiêu số 1 của kỳ thi là trung thực, tin cậy, khách quan nhưng những tiêu cực tại , Sơn La, Hòa Bình đã cho thấy chính mục tiêu số 1 ấy "đã bị chà đạp một cách thô bạo bởi những người có trách nhiệm bảo vệ kỳ thi".
PGS.TS Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT - cho biết bộ đang rất tích cực thực hiện một loạt giải pháp để hoàn thiện kỳ thi này từ nay cho đến khi kết thúc thi theo chương trình sách giáo khoa hiện hành.
Điều này không chỉ có ý nghĩa với những kỳ thi trước mắt mà còn nhằm phục vụ tổ chức kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới, theo dự kiến kỳ thi đầu tiên này sẽ vào năm 2024. Với lộ trình này, sẽ tính toán để việc đổi mới thi là lộ trình không bị ngắt quãng, không bị sốc.
Trong khi đó, TS Phạm Tất Thắng - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - phát biểu: ở góc độ quản lý, Bộ GD-ĐT cần tiếp tục rà soát các khâu để tất cả đều tường minh, một người không thể tác động đến nhiều khâu của quá trình tổ chức thi.
Tuyển sinh: lo lắng từ trong "êm ả"
Trái với những ồn ào vì gian lận khủng tại kỳ thi THPT quốc gia ở một số địa phương, kỳ tuyển sinh ĐH năm nay được đánh giá trơn tru hơn khi đã thoát khỏi cảnh "đau tim" như chơi chứng khoán của mùa tuyển sinh vài năm trước.
Tuy nhiên, dù "không có một tiếng ồn" như cách nói của TS Quách Tuấn Ngọc - nguyên cục trưởng Cục Công nghệ thông tin Bộ GD-ĐT, từ góc nhìn của cơ sở đào tạo lại thấy nảy sinh những lo lắng lâu dài cho chất lượng nguồn nhân lực đất nước.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết dù năm nay tuyển sinh thuận lợi, ĐH Quốc gia Hà Nội tuyển đạt 105% chỉ tiêu nhưng đằng sau thành công tuyển đủ chỉ tiêu là nỗi lo của những người làm công tác đào tạo.
Bởi lẽ "chúng ta không nên chỉ tập trung vào kỳ thi mà còn phải hướng tới tuyển nguồn lực chất lượng qua kỳ thi này".
Ông Đức dẫn chứng vừa rồi đã gửi email xin ý kiến lãnh đạo các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia Hà Nội đánh giá kết quả tuyển sinh.
"Kết quả, đối với các em lĩnh vực xã hội nhân văn thì tốt, nhưng khoa học tự nhiên, công nghệ, ngoại ngữ thấp hơn.
Do vậy, tôi đề nghị năm tới bước sang năm thứ 5 đổi mới hình thức thi bộ phải có tổng kết, đánh giá, muốn vậy phải khảo sát, đánh giá ở các trường ĐH xem trước đây thi "3 chung" thế nào, bây giờ thi THPT quốc gia thế nào... Khảo sát chất lượng học tập mới là quan trọng" - ông Đức nhấn mạnh.
Theo ông Đức, việc đổi mới kỳ thi đang kéo theo nhiều bất cập. Trong đó, việc quy định có đến hàng trăm tổ hợp xét tuyển là quá nhiều.
Bởi lẽ "giá trị cốt lõi phải có toán và ngữ văn, với ngành ngoại ngữ có thêm ngoại ngữ, ngành y có thêm môn sinh học, hóa học chứ không nên tràn lan tổ hợp xét tuyển".
"Với 26 điểm tổ hợp toán - lý - hóa rõ ràng khác với 26 điểm tổ hợp địa lý - giáo dục công dân hay môn xyz nào đó về chất lượng học tập. Tổ hợp của ĐH Quốc gia Hà Nội bao giờ cũng có môn toán, ngữ văn và lịch sử.
Tôi cho rằng về tổ hợp xét tuyển thì cần cân nhắc, bởi nếu tổ hợp xét tuyển không cơ bản thì lợi bất cập hại, trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu nhưng chất lượng bị ảnh hưởng" - ông Đức phân tích.
"2 trong 1 buổi" hay "2 trong 1 đề"?
Thi "3 chung" trước đây có những ưu điểm mà chúng ta phải tiếp thu. Đó là kỳ thi cực kỳ nghiêm túc nhưng tốn kém - vì suy cho cùng chẳng có cái gì muốn cực tốt mà lại cực rẻ.
Thi ĐH muốn bảo đảm chất lượng thì phải rất khách quan, nghiêm túc, công bằng. Việc xét tuyển ĐH phải do ĐH chủ trì.
Khi xóa "3 chung" và chuyển về địa phương theo đúng tinh thần giảm áp lực, giảm tốn kém... nhưng được cái này mất cái nọ. Và đến năm 2018 mới bắt đầu lộ ra khiếm khuyết.
Tại cuộc làm việc của Bộ GD-ĐT với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội vừa qua, chúng tôi đề xuất nên gọi là kỳ thi "2 trong 1 buổi".
Tức là phải có hai phần đề, một để xét tốt nghiệp THPT, một dành cho thi ĐH. Thí sinh nào không có nhu cầu thi ĐH thì ngồi riêng. Phần thi ĐH phải do ĐH chủ trì.
Có thể nói, những sai phạm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa rồi mang tính kỹ thuật, có thể khắc phục được. Nhưng cá nhân tôi ủng hộ đi theo hướng thi "2 trong 1 buổi".
Còn nếu như "2 trong 1 đề" thì ĐH không được can thiệp vào thi THPT quốc gia.
TS QUÁCH TUẤN NGỌC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận