04/12/2020 08:13 GMT+7

Bình tĩnh và nghiêm chỉnh phòng dịch COVID-19

CHUNG THANH HUY
CHUNG THANH HUY

TTO - "Bóng ma" COVID-19 trở lại kèm bao âu lo về tương lai. Lo sức khỏe một phần, lo kế sinh nhai, công ăn việc làm, lương thưởng thì nhiều.

Bình tĩnh và nghiêm chỉnh phòng dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế hỗ trợ khai báo y tế cho người dân tại Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bình tĩnh để chống dịch, đọc thông điệp này từ Tuổi Trẻ 3-12 phần nào nhẹ lòng trước ngổn ngang những thông tin, đồn đoán sau khi có 4 ca dương tính mới tại TP.HCM từ 30-11 đến nay.

Cảm xúc trong cộng đồng khác với đợt dịch bùng phát tại Đà Nẵng khi ngay từ đầu nguồn lây đã được xác định rõ. Tuy vậy, tổn thất và lo lắng không nhỏ. Đến trưa 3-12, qua truy vết, số người được xét nghiệm đã hơn 2.200 và con số này sẽ tiếp tục tăng. Nghĩ lạc quan, tích cực nhất, bệnh dịch sẽ được khoanh vùng, với quyết tâm ngăn chặn lây lan của chính quyền, hi vọng xã hội sẽ bình yên sớm nhất.

Nhưng để có sự bình yên ấy, cả cộng đồng phải cùng nghiêm chỉnh trong phòng dịch. Nếu như những ca bệnh đầu tiên ở Đà Nẵng tháng 7 vừa qua liên quan đến bệnh viện, nhiều ngày sau đó vẫn chưa rõ nguồn lây ban đầu. 

Lần này nguồn lây từ khu cách ly, từ những người hiểu hơn những người khác về nguy cơ lây nhiễm từ người khác cho họ và từ họ ra cộng đồng. Và rõ ràng lần này sự lơ là lơi lỏng được "điểm danh". Từ sự lỏng lẻo trong khi cách ly đến sự chủ quan đến quá đáng khi tiếp viên hàng không đang thuộc diện cách ly tự ý đi khắp nơi, tiếp xúc gần nhiều người.

Không hoang mang nhưng không chủ quan, thông điệp từ Thủ tướng trước thực tế lây nhiễm mấy ngày qua là nhắc nhở nghiêm khắc như mệnh lệnh. Bởi sau gần ba tháng không có ca nhiễm trong cộng đồng, tâm lý chủ quan thấy rõ trong cộng đồng. Mọi người quên những cảnh báo mùa đông sắp đến, điều kiện thời tiết tốt để virus phát triển. Cũng không ai lo ngại về chuyện mức xử phạt người không đeo khẩu trang đã được nâng từ 100.000 - 300.000 đồng lên gấp 10 lần. Giữa lúc lãnh đạo Bộ Y tế phát đi cảnh báo nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng từ nhiều ngày trước, vẫn thấy mọi người đổ xô, chen chúc nhau săn hàng giảm giá cuối năm, hẹn hò tụ họp, trong lúc thế giới vẫn đang oằn mình trước những đợt lây nhiễm dữ dội những ngày qua.

Từ tối 30-11, mạng xã hội lại xuất hiện vô số tâm trạng lo lắng khi có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Không lo sao được, nhưng không phải đợi đến khi có ca nhiễm bên mình mới lo. Vì sao trong những ngày bình yên, chúng ta dễ dàng "quên" những cảnh báo từ ngành y tế?

Sự bình tĩnh cần thiết lúc này mỗi người xem xét yếu tố nguy cơ của bản thân, theo dõi sát thông báo của ngành y tế về các khu vực nguy cơ. Thông điệp 5K (khẩu trang - khoảng cách - khử khuẩn - không tụ tập - khai báo y tế) lúc này cần được tuân thủ nghiêm. 

Sự lơ là nếu có trong thời gian không có ca nhiễm trong cộng đồng cần chấn chỉnh từ mỗi người, tăng phòng dịch, hạn chế đi lại tụ họp khi chưa thật sự cần thiết là chuyện nên tự giác thực hiện lúc này. Dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào nếu nhiều người cứ tiếp tục chủ quan.

Tự giãn cách

Thực tế cho thấy ngoài việc đeo khẩu trang, biện pháp phòng Covid-19 hiệu quả nhất là giãn cách. Việc giãn cách trước tiên từ ý thức mỗi người chưa cần chờ có lệnh.

Những lúc này, ai cũng cần cẩn trọng khi di chuyển trên các phương tiện công cộng. Lần gần đây, tôi đi máy bay từ sân bay Tân Sơn Nhất ra Phú Quốc, khi xếp hàng ở khu vực soi chiếu hành khách, tôi thấy lo lắng khi xung quanh mọi người "quên" giữ khoảng cách an toàn, không đeo khẩu trang. Lên xe khách giường nằm, tôi sợ cảnh nằm vai kề vai giữa những người xa lạ ở hàng ghế cuối. Khi chưa có quy định, rất ít hành khách đeo khẩu trang.

Có người sẽ không đồng tình cho rằng tôi lo sợ quá đáng, nhưng nguy cơ lây nhiễm có thật, mấy ngày qua càng lo khi nghĩ về chuyện bao người có việc đến và đi từ TP.HCM và các tỉnh thành khác. Mới nhất, trước thông tin một số trường học cho sinh viên nghỉ học, thay vì ở yên TP.HCM để an toàn nhất, nhiều bạn trẻ vác balô đi. Họ đi cùng nhau, đi về quê, mọi di chuyển đều cần hết sức cẩn trọng mới mong không có thêm trường hợp lây lan đáng tiếc nào nữa!

Rồi chuyện ở các siêu thị, quán ăn, cơ sở tôn giáo cũng vậy. Chưa có lệnh giãn cách thì tạm hưởng bình yên nhưng cần có sự tự giãn cách nhất định, đặc biệt là trong một không gian kín (không phải ngoài trời). Mỗi người tự giữ khoảng cách, giữ vệ sinh và an toàn cho mình. Nhà nước đang lo chuyện chống dịch, chuyện phòng dịch cần mỗi người góp một tay, chính mình chủ động phòng ngừa chứ không chờ đợi ai hay chờ có lệnh cấm, yêu cầu bắt buộc mới làm.

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

HCDC TP.HCM: Cần bình tĩnh, không hoang mang tự đánh giá F3, F4 HCDC TP.HCM: Cần bình tĩnh, không hoang mang tự đánh giá F3, F4

TTO - Trong quy định của Bộ Y tế hiện nay về truy vết, xử trí các ca tiếp xúc với người bệnh COVID-19 chỉ dừng ở F1, F2. Một số trường hợp đang tự xếp mình là F3, F4, F5 và F… là không phù hợp với quy định của Bộ Y tế.

CHUNG THANH HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp