Ngay trong buổi lễ tổng kết năm học, chị Xuân đã chụp hình bảng điểm của con gái và đăng lên Facebook cùng dòng chia sẻ như muốn nhắn nhủ với con mình nhưng lại là lời khoe với cả cõi mạng: "Bạn bảo bạn vẫn chưa hài lòng với kết quả này. Thôi thì năm sau cố gắng nhiều hơn nữa nha con".
Bảng điểm của bé H., con chị Xuân, đúng là bảng điểm đẹp. Học sinh lớp 8 mà các môn đều đạt điểm bình quân trên 9. Có lẽ vì vậy bạn bè chị Xuân liên tục bình luận với những lời khen "có cánh".
Thế nhưng chỉ sau đó vài chục phút, H. chạy lại chỗ mẹ, mặt đỏ phừng phừng, yêu cầu mẹ phải gỡ bài ngay. Chị Xuân ngỡ ngàng khi thấy thái độ giận dữ của con gái. Chị giải thích: "Con học giỏi thì mẹ vui, mẹ khoe vậy thôi chứ đâu có ý gì khác".
Nhưng H. phản ứng: "Con không thích. Vì bài đăng của mẹ mà các bạn bảo con chảnh. Mà con đã là gì đâu, trong lớp con còn nhiều bạn giỏi hơn".
Từ hôm đó đến nay, H. giận mẹ, chị Xuân hỏi gì con gái cũng không trả lời.
Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp tôi chứng kiến vào thời điểm này, khi hầu hết các trường phổ thông làm lễ tổng kết năm học, đó cũng là lúc trên mạng xã hội tràn ngập những "tút" của phụ huynh khoe con.
Không chỉ giấy khen, bằng khen, phần thưởng, nhiều phụ huynh khoe luôn cả bảng điểm của con với nhiều điểm 10 tròn trĩnh.
Thật ra việc khoe con là một nhu cầu có thật và cũng chính đáng của những người làm cha, làm mẹ. Vì con cái là tương lai của cha mẹ, thành quả học tập của con là điều đặc biệt quan trọng với phụ huynh.
Thấy con mình đạt học sinh giỏi, thấy con mình được điểm 9, điểm 10, ai mà không vui sướng, hạnh phúc và không có nhu cầu khoe. Việc này là hiển nhiên nếu không tính tới những hệ lụy của nó.
Trước tiên, các vị phụ huynh nên quan tâm đến cảm xúc của con mình. Việc khoe con để làm gì khi chính đứa con cảm thấy không thoải mái, thậm chí khó chịu như trường hợp của con chị Xuân?
Những năm gần đây, ngành giáo dục đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh. Trong đó, đề kiểm tra các môn sẽ được nhà trường biên soạn theo chuẩn kiến thức - kỹ năng của chương trình.
Thế nên ở bậc tiểu học, học sinh dễ dàng lấy được điểm 10 với những môn đánh giá bằng điểm số. Đây cũng là lý do khiến nhiều trường, nhiều lớp có hơn 90% học sinh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ học tập và rèn luyện.
Ở bậc trung học cũng tương tự: cách đánh giá mới không bị ràng buộc bởi môn văn, toán như ngày xưa. Học sinh chỉ cần có từ 6/8 môn trở lên đạt điểm bình quân từ 8,0 trở lên là được công nhận học sinh giỏi.
Đó là chưa kể tình trạng một số trường, một số giáo viên thực hiện cách ra đề kiểm tra, chấm điểm... theo kiểu châm chước với mục tiêu giúp học sinh có bảng điểm đẹp, có học bạ lý tưởng.
Vì vậy khi học sinh đạt điểm 9, 10 không đồng nghĩa đó là học sinh giỏi. Và phụ huynh - những người lớn - hãy bình tĩnh khi xem kết quả học tập của con. Đừng khoe con trên mạng để nhận những lời tung hô, khen ngợi khiến đứa trẻ (và đôi khi cả ba mẹ trẻ) ảo tưởng về năng lực học tập của bản thân mình.
Các vị phụ huynh hãy bình tĩnh suy xét: khoe con trên mạng xã hội thì đứa trẻ sẽ được lợi gì? Hay việc khoe con chỉ là một cách để khoe chính mình, phần nào thỏa lòng khát khao nào đó với ý muốn nói rằng tôi chính là những người cha, người mẹ tốt, đã nuôi con giỏi và dạy con ngoan?
Điểm hay thành tích là kết quả của bao công sức của phụ huynh, song là thành quả chính của con em.
Thành tích đó chỉ thật sự có thật khi các em thấy là thật, là niềm tự hào, là điều để phấn đấu vươn tới. Nó sẽ không có ý nghĩa gì, thậm chí hiệu ứng ngược, một khi chỉ nằm ở mục đích khoe của phụ huynh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận