Một dự án khai thác quặng titan tại khu vực huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, khiến địa hình biến dạng, uy hiếp đến khu dân cư và hạ tầng - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày 14-3, UBND Bình Thuận cho biết đã có báo cáo đề xuất điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, xét đến năm 2030 và khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo, trong 26 khu vực được Chính phủ quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, xét đến năm 2030 (tổng diện 19.527 hecta) đã chồng lấn khoảng 3.394 hecta của 46 dự án khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Các dự án được chấp thuận đầu tư du lịch, trồng rừng, khu công nghiệp có diện tích chồng lấn với quy hoạch quặng titan chưa thể triển khai thực hiện.
Ngoài ra, giấy phép khai thác quặng titan thường kéo dài trên 10 năm và còn gia hạn nếu chưa khai thác hết thân quặng nên chưa biết cụ thể thời gian khai thác xong để bàn giao cho các dự án khác, gây bức xúc cho nhà đầu tư.
Đáng chú ý là các vùng quy hoạch phần lớn nằm dọc ven biển và có địa hình cao so với các dự án, khu dân cư xung quanh trong khi thời gian qua tỉnh này xảy ra 6 sự cố môi trường.
Cụm vít khai thác quặng titan - Ảnh: ĐỨC TRONG
Các hoạt động khai thác titan tại Bình Thuận từ trước đến nay đã và đang gây ra nhiều tác động bất lợi, cản trở sự phát triển của các ngành kinh tế khác và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, môi trường ven biển.
Theo báo cáo, nguồn nước ngầm khu vực ven biển Bình Thuận hiện khai thác tối đa không quá 28.000m3/ngày đêm, chỉ đáp ứng cho sinh hoạt và một số lĩnh vực thiết yếu, không đủ khả năng cung cấp cho việc khai thác, tuyển quặng titan.
Công trường khai thác quặng titan tại Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Các chủ đầu tư đã được chấp thuận đầu tư nhà máy chế biến sâu gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm, tiếp cận công nghệ chế biến tiên tiến, thân thiện môi trường, đến nay cũng chưa triển khai hoàn thành, chưa đáp ứng với kỳ quy hoạch.
Thời gian qua thị trường tiêu thụ quặng titan chủ yếu tập trung vào thị trường Trung Quốc, tiêu thụ nội địa chỉ chiếm phần nhỏ và khối lượng xuất khẩu sút giảm.
Theo tỉnh Bình Thuận, Ban Bí thư yêu cầu không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác nhưng quy hoạch quặng titan có nhiều diện tích nằm trên đất rừng tự nhiên và rừng sản xuất.
Ngoài diện tích 19.527 hecta thuộc quy hoạch quặng titan là khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với diện tích 82.700 ha.
Như vậy, tổng diện tích quy hoạch và dự trữ quặng titan là 102.227 hecta, chiếm 13% diện tích tự nhiên của Bình Thuận, phân bố từ các dãy đồi cát ven biển đến giáp Quốc lộ 1, ảnh hưởng với hầu hết các quy hoạch ngành và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Các máy bơm nước công suất lớn tại công trường khai thác quặng titan - Ảnh: ĐỨC TRONG
UBND Bình Thuận để nghị giảm quy hoạch quặng titan từ 26 khu vực, diện tích 19.527 hecta, xuống còn 13 khu, diện tích khoảng 7.730 hecta.
Ngoài ra cần đưa 6 khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia với diện tích khoảng 10.324 hecta ra ngoài quy hoạch, và khu vực này sẽ được Bình Thuận dùng vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, thân thiện với môi trường hơn.
Một dự án khai thác quặng titan tại khu vực huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận khiến địa hình biến dạng, uy hiếp đến khu dân cư và hạ tầng - Ảnh: NAM TRẦN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận