Cầu cảng và bến chuyên dùng của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, nơi dự kiến dẽ nạo vét để cho các tàu chở than trọng tải lớn cập bờ - Ảnh: ĐỨC TRONG
Thông tin do phó chánh văn phòng UBND Bình Thuận Võ Thành Huy cung cấp tại buổi họp giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Thuận sáng 7-9.
Ông Huy cho biết Bộ Tài nguyên môi trường đã chấp thuận phương án công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đổ toàn bộ 1 triệu m3 khối lượng vật chất nạo vét xuống khu vực lấn biển trong dự án cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Bộ cũng đã hướng dẫn Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 báo cáo lại về những thay đổi so với báo cáo đánh giá tác động môi trường ban đầu đã được phê duyệt. Về tính khả thi đối với phương án trên, ông Huy cho biết Chính phủ đã giao Bộ TN-MT phối hợp với các cơ quan, nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và báo cáo kết quả sau này.
Đối với khối lượng vật chất nạo vét trong tương lai của các nhà máy khác trong Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Bình Thuận cũng đã sẵn sàng cho những vị trí để đổ lên thay vì nhận chìm xuống biển, ông Võ Thành Huy cho biết.
Cụ thể, có 3 vị trí mà Bình Thuận ưu tiên: bờ biển kéo dài từ thôn Vĩnh Tiến đến thôn Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Tân; khu phố 13 thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong; và khu phố 14 cũng thuộc thị trấn này.
Những vị trí trên hiện nay đang bị sạt lở, thủy triều xâm thực nặng, ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân đang sinh sống và các cơ sở hạ tầng của địa phương.
Dự án cảng tổng hợp Vĩnh Tân - nơi dự kiến tiếp nhận toàn bộ khối lượng vật chất sau nạo vét của Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 - Ảnh: ĐỨC TRONG
Cùng với những vị trí trên, Bình Thuận còn đề xuất dùng khối lượng vật chất sau nạo vét tại Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân để bồi lấp cho các công trình phục vụ dân sinh, đê kè lại bờ biển đã xói lở.
Các thôn Vĩnh Tiến, Vĩnh Hưng chỉ cách Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân khoảng 2km nên có thể tiết kiệm, thuận lợi cho việc nạo vét và bồi lấp. Dự kiến nơi đây cần hơn 2 triệu m3 vật chất nạo vét đổ lên để bảo vệ bờ biển.
Bờ biển các khu phố 13, 14 của thị trấn Liên Hương thì cách Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân 15km, cũng đang bị sạt lở với chiều dài khoảng 1.200m, xâm thực vào sâu khoảng 20-30m. Tại đây, dự kiến sẽ đổ khoảng 8.000 m3 vật chất để bồi lắp bờ biển đã bị xâm thực.
Với các đề xuất trên từ Bình Thuận, ông Võ Thành Huy cho biết hiện Bộ TN-MT và các cơ quan khoa học đang nghiên cứu, xem xét. Nếu khả thi, địa phương sẽ tiến hành phối hợp thực hiện.
Cũng tại giao ban báo chí, ông Huy cho biết UBND Bình Thuận vừa hủy kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động nhận chìm vật chất theo giấy phép 1517 mà Bộ TN-MT cấp cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 trước đó.
Nguyên nhân là do Bộ TN-MT đã có công văn chấp thuận cho phép công ty này đổ 1 triệu m3 sang khu vực lấn biển của cảng tổng hợp Vĩnh Tân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận