15/01/2015 08:40 GMT+7

​Bình Nhưỡng dịu giọng với Mỹ

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - CHDCND Triều Tiên đang muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ, nhưng Washington nói tình hình đang trở nên phức tạp hơn khi Bình Nhưỡng tìm cách giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và kết thân với Nga.

Tên lửa của CHDCND Triều Tiên trong một cuộc diễu binh - Ảnh: Reuters

Hôm 13-1, Bình Nhưỡng đã đưa ra đề xuất gặp trực tiếp phía Mỹ sau khi bị Washington chỉ trích về yêu cầu tạm ngưng tập trận Mỹ - Hàn để đổi lại việc không thử vũ khí hạt nhân.

Theo Reuters, phó đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc An Myong Hun nói trong một cuộc họp báo rằng nếu đề xuất gặp trực tiếp này được chấp nhận thì “nhiều vấn đề sẽ khả thi trong năm nay trên bán đảo Triều Tiên”. Tuy nhiên, ông không nói chi tiết những vấn đề này là gì.

Một mặt cho biết CHDCND Triều Tiên sẵn sàng giải thích ý định đằng sau đề xuất này thì ông An cũng đá trái bóng trách nhiệm sang phía bên kia: “Nếu từ chối đề xuất của chúng tôi, nước Mỹ một lần nữa cho thấy họ sẽ tiếp tục tăng cường năng lực quân sự tấn công ở Hàn Quốc trong khi lại yêu cầu chúng tôi không được có khả năng quốc phòng của riêng mình. Đây là điều tuyệt đối không thể chấp nhận được và không thể biện minh bởi bất cứ điều gì”.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel đáp trả Mỹ không có vấn đề gì trong việc nói chuyện với CHDCND Triều Tiên. “Nhưng nói chuyện không phải là thương lượng. Quan điểm của chúng tôi là CHDCND Triều Tiên đến bàn đàm phán với những bước đi ý nghĩa để thiết lập các vòng đàm phán đáng tin cậy và đích thực”.

Triệt đường tài chính

Trong khi đó, Mỹ đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp cấm vận mới đối với CHDCND Triều Tiên sau vụ tấn công mạng nhằm vào hãng giải trí Sony Pictures. Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết các biện pháp cấm vận có thể cắt đứt những kết nối tài chính còn sót lại giữa Bình Nhưỡng và các hệ thống tài chính quốc tế.

Nỗ lực ngoại giao

Trong diễn biến mới nhất, như Kyodo News cho biết, các nhà ngoại giao cấp cao từ Nhật, Hàn Quốc và Mỹ đang lên kế hoạch gặp nhau tại Tokyo trong một nỗ lực nối lại vòng đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Đàm phán sáu bên bao gồm CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ đã ngưng trệ từ năm 2008.

Trợ lý bộ trưởng tài chính Mỹ Daniel Glaser nhận định các vòng cấm vận trong quá khứ đã ngăn cản hàng trăm ngân hàng nước ngoài, trong đó có cả những ngân hàng lớn của Trung Quốc, trong việc làm ăn với CHDCND Triều Tiên.

Theo ông Glaser, các biện pháp cấm vận mới được Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố hôm 2-1 có mục tiêu xác định những thể chế tài chính còn sót lại giúp Triều Tiên tiếp cận được hệ thống tài chính quốc tế. Những thể chế tài chính này có thể đối mặt với việc bị cấm vận.

Ông Ed Royce, chủ tịch Tiểu ban đối ngoại Hạ viện Mỹ, cũng kêu gọi sử dụng toàn diện các lệnh cấm vận vừa được công bố.

“Chúng ta phải tăng cường và nhằm vào các thể chế tài chính ở châu Á cùng những nơi khác đang hỗ trợ Chính phủ CHDCND Triều Tiên” - nghị sĩ Royce nói và bày tỏ hi vọng dự luật do ông đề xuất về việc gán cho Triều Tiên mác “mối quan ngại về rửa tiền” sẽ được Thượng viện thông qua trong năm nay.

Khi được ông Royce chất vấn về “một số ngân hàng nhỏ vẫn làm ăn với Bình Nhưỡng và sự cần thiết của việc triệt đường tiếp cận tiền giấy của CHDCND Triều Tiên”, ông Glaser đáp lại: “Đó chính xác là những gì chúng ta đang tìm cách làm”. Theo Reuters, các mối quan hệ kinh tế của CHDCND Triều Tiên là với Trung Quốc.

Mỹ sợ Nga bắt tay Bình Nhưỡng

Trong khi đó, hôm 13-1 các quan chức Mỹ nhận định việc hợp tác với các đối tác quốc tế để xác định hành vi gây hấn của Bình Nhưỡng là điều thiết yếu, nhưng tình hình đang trở nên phức tạp hơn.

Báo Wall Street Journal dẫn lời đặc phái viên Bộ Ngoại giao Mỹ về vấn đề CHDCND Triều Tiên Sung Kim cho biết Bình Nhưỡng gần đây đã tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách theo đuổi mối quan hệ thân thiết hơn với Nga. “Và Nga đã đáp lại một cách tích cực” - ông Sung Kim tiết lộ.

Tờ International Business Times cho hay trước đó Nga đã xóa bớt nợ cho Bình Nhưỡng và đầu tư vào hệ thống đường sắt của CHDCND Triều Tiên. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng đã nhận lời đi Nga dự lễ duyệt binh vào tháng 5 tới. Hồi tháng 12-2014, Nga cũng lên tiếng cho biết Mỹ không có đủ bằng chứng thuyết phục cho thấy CHDCND Triều Tiên đứng sau vụ tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures.

Đặc phái viên Sung Kim cho biết Mỹ đang quan ngại về vai trò của Nga, nhất là trong bối cảnh Matxcơva và Washington đang căng thẳng về vấn đề Ukraine. Tuy vậy, theo ông, các lãnh đạo Nga vẫn cam kết sẽ theo đuổi việc giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Wall Street Journal dẫn lời ông Kim cho biết thêm Trung Quốc có thể làm nhiều hơn để phản ứng lại CHDCND Triều Tiên và ông sẽ đến Trung Quốc để thảo luận về cuộc tấn công mạng nhằm vào Sony Pictures gần đây. Ông gọi đây là “một lời thức tỉnh đối với Trung Quốc” về những mối đe dọa mà Bình Nhưỡng có thể đem lại cho Trung Quốc và các doanh nghiệp của họ.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp