Cây cầu lịch sử Bình Lợi (bìa trái) đang được tháo dỡ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Mai này, cầu Bình Lợi được giữ lại đoạn ngắn ven bờ để "bảo tồn lịch sử", và người đời sẽ không mấy ai biết về huyết mạch đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn này...
Tên Bình Lợi của cầu được đặt theo tên ngôi làng nhỏ ven sông. Một thời gian sau, nhịp quay cầu được cố định vì không còn tàu buồm có thể bị mắc kẹt.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư
"Cũng như cầu Long Biên ở Hà Nội, cầu Bình Lợi của Sài Gòn ôm trong mình rất nhiều câu chuyện biến thiên thời cuộc. Hãy viết kỹ về nó để người trẻ đời sau có qua cầu bêtông mới xây hiện đại cũng không quên đã từng có một cây cầu bằng sắt trải suốt ba thế kỷ như thế..." - nhà nghiên cứu cao tuổi Nguyễn Đình Tư trải lòng.
Cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn
Ngày nay, ngồi xe qua cầu Bình Lợi mới, người ta chỉ còn thấy tàn tích cây cầu xưa cũ với dấu hoen gỉ theo thời gian.
Thật ra, cầu sắt hỏa xa Bình Lợi không chỉ tuổi đời 118 năm. Trong hồi ký Xứ Đông Dương, toàn quyền Paul Doumer ghi từ năm 1897 có những sự kiện rất quan trọng với hệ thống giao thông Việt Nam. Dấu mốc thời gian 3 cây cầu lớn cùng được quyết định xây dựng là cầu Long Biên (ban đầu đặt tên Paul Doumer) ở Hà Nội, cầu Tràng Tiền (hồi đầu đặt tên vua Thành Thái) và Bình Lợi ở Sài Gòn.
Như vậy, nếu tính từ thời gian đào hố móng, xây trụ và nối những nhịp cầu đầu tiên thì cầu Bình Lợi đã trải qua ba thế kỷ và chính thức được khánh thành vào tháng 1-1902, tức trước cả thời điểm thông xe cầu Long Biên đúng một tháng...
Mẹ tôi, từng là một nữ sinh ở Sài Gòn, kể rằng hồi đầu thập niên 1960, khói lửa chiến tranh chưa khốc liệt ở Sài Gòn. Các chàng trai, cô gái thanh lịch của thành phố vẫn hay đạp xe ra cầu Bình Lợi để hóng mát vào ngày "Chúa nhật". Họ hay chụp hình lưu niệm với tấm bảng bằng đồng "khai lý lịch" cây cầu vẫn còn sáng rõ mà chưa hề bị phai mờ theo thăng trầm của thời gian.
Hồi ký toàn quyền Paul Doumer cũng ghi rõ việc xây dựng cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn này được thực hiện bởi nhà thầu Levallois - Perret (Công ty Société de Construction Levallois - Perret, tiền thân là Công ty Compagnie des Etablissements Eiffel).
Theo Paul Doumer, tham vọng xây dựng đường hỏa xa xuyên Việt đã thay đổi bản thiết kế ban đầu của cầu Bình Lợi: phải gia cố móng, dầm cầu để chịu được tải trọng đoàn xe lửa khổng lồ. Có những trụ cầu được cắm sâu tới 31m kể từ đáy sông.
Công nghệ xây dựng tương tự cầu Long Biên với tổng công trình sư, đốc công người Pháp, còn thợ thuyền làm việc chủ yếu do người Việt đảm nhiệm. Những người thợ khỏe mạnh và can đảm ngồi vào caisson (một dạng thùng kín bằng kim loại) được cung cấp khí thở để đào móng trụ. Việc cực nhọc và nguy hiểm nhất của công trình, mỗi ca làm việc của họ chỉ khoảng 4 giờ.
Với toàn bộ thép được chở từ Pháp sang, cầu Bình Lợi dài 276m, gồm 6 nhịp. Tuy nhiên, khác cầu Long Biên có độ tĩnh không cao, Bình Lợi được thiết kế theo kiểu cầu quay một nhịp dài 40m ở giữa, do độ tĩnh không của cầu Bình Lợi thấp trong khi nước sông Sài Gòn lại thường xuyên dâng cao theo triều. Đặc biệt là nửa đầu thế kỷ 20, nhiều tàu ghe buồm vẫn lưu thông trên sông này với những cây cột rất cao có thể vướng cầu...
118 năm sau ngày cầu Bình Lợi khánh thành, nhà nghiên cứu 99 tuổi Nguyễn Đình Tư tâm sự: "Kỹ sư Pháp làm việc rất khoa học. Họ lập hồ sơ tỉ mỉ để người đời sau có thể tìm hiểu công trình, phục vụ việc bảo dưỡng, trùng tu đúng quy cách, kỳ hạn...".
Dày công sưu tầm tài liệu của người Pháp, ông Tư kể theo nghị định 27-12-1943, các tàu ghe qua đoạn sông dưới gầm cầu Bình Lợi chỉ được trong thời gian giữa 2h và 3h. Thời gian đêm khuya này nhằm tránh việc quay nhịp cầu lên ảnh hưởng xe cộ lưu thông.
Mọi trường hợp đều ưu tiên xe lửa, nếu nó bị trễ giờ thì việc quay nhịp cầu chỉ được thực hiện khi xe lửa đã qua. Thời biểu đóng nhịp cầu cho xe qua bắt buộc cố định. Trường hợp đặc biệt ngoại lệ có thể quay nhịp cầu từ 17h đến 18h nhưng phải được lệnh của chánh kỹ sư, giám đốc khu vực 4 đường sắt, và chủ tàu ghe phải xin phép trước tối thiểu 3 ngày...
Toàn cảnh cầu Bình Lợi lúc mới xây dựng - Ảnh tư liệu
Thời cuộc như nước trôi qua cầu
Thế kỷ 20 với bao cuộc dâu bể lịch sử của Sài Gòn trôi đi như nước xuôi qua cầu. Rất ít người thời nay còn kỷ niệm khó quên về cầu Bình Lợi thời kỳ đầu này.
Ông Nguyễn Hoàng Hà - kỹ sư kiều lộ của Sài Gòn những năm 1950 - 1960, định cư tại Mỹ - kể: "Khi tôi còn nhỏ, tầm năm 1942 - 1943, cha tôi là thương nhân ở Chợ Lớn hay lấy xe hơi chở vợ con ra cầu Bình Lợi uống nước dừa xiêm, câu cá, ngắm xe lửa cuối tuần. Mà sắp con nít hồi ấy khoái ngắm xe lửa lắm, về nhà còn bày trò chơi xình xịch".
Ký ức ông cụ tuổi đã ngoài 90 này vẫn còn nhớ từng chứng kiến ghe buồm chở gạo mắc kẹt dưới gầm cầu, nhưng có lẽ không phải họ cố tình vượt lúc nhịp cầu quay chưa được mở mà do nước sông cuốn trôi ghe...
Rồi thời cuộc ly loạn, chiến tranh nổ ra dữ dội, ông Hà lớn lên đi làm kỹ sư cầu đường và tiếp tục là chứng nhân của cây cầu đặc biệt mở ra cửa ngõ ở Sài Gòn.
"Còn nhớ khoảng đầu năm 1945, máy bay Mỹ cũng ném bom đường sắt dữ lắm để chặn đường quân viện phát xít Nhật. Nhiều cầu cống từ Nam ra Bắc bị thả bom tan nát, nhưng lạ là cầu Bình Lợi vẫn y nguyên" - ông Hà kể thêm cây cầu này sau đó tiếp tục là điểm trấn thủ của nhiều cuộc binh biến.
Và có lần nó bị chính bàn tay người Việt phá hư nhịp quay để chặn đường hành binh từ miền Đông trong một cuộc đảo chánh quân sự thời Việt Nam cộng hòa.
Tuy nhiên, việc khắc phục hư hỏng cầu Bình Lợi được thực hiện rất nhanh nhờ chương trình viện trợ của USAID - Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ khi đó...
Xe lửa qua cầu Bình Lợi thời Pháp thuộc - Ảnh tư liệu
Người xưa tả cảnh đẹp cầu Bình Lợi
Bình Lợi cầu sắt mới xây,
Đưa qua kéo lại máy quay nhẹ nhàng.
Một đường xe lửa rõ ràng,
Một đường xe ngựa, một đường người đi.
Bề trường kể hết uy nghi,
Hai trăm bảy chục sáu thì thước Tây
Bề hoành bảy thước hai tây,
So cầu Lục Tỉnh, cầu này lịch hơn.
Nguyễn Liên Phong (Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca)
(còn tiếp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận