Một khu nhà ở công nhân do doanh nghiệp tư nhân xây dựng ở Bình Dương - Ảnh: B.H.
Tỉnh Bình Dương cho biết nếu được trung ương cho vay, tỉnh sẽ sử dụng nguồn vốn này cùng với các nguồn vốn hợp pháp khác của tỉnh để triển khai kế hoạch xây dựng khoảng 1 triệu căn nhà ở dành cho công nhân, nhà ở xã hội trên địa bàn.
Đây là 1 trong 7 kiến nghị được UBND tỉnh Bình Dương nêu trong báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng chống dịch, phục hồi kinh tế tỉnh Bình Dương vừa gửi tới Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, những nơi tập trung đông công nhân tại các khu nhà trọ xen lẫn trong các khu dân cư là nguyên nhân lây lan dịch COVID-19 rất mạnh và khó kiểm soát thời gian qua trên địa bàn tỉnh.
Để khắc phục những hạn chế này, trong thời gian tới tỉnh Bình Dương phải đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân, nhà ở an sinh xã hội, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người lao động và tạo thuận lợi cho công tác phòng chống dịch bệnh. Theo đó, tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ xây khoảng 1 triệu căn nhà ở công nhân, nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh, theo Luật nhà ở thì UBND tỉnh Bình Dương có thể sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước để cho các đối tượng thuê, thuê mua và không được bán.
Còn việc UBND tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ, các cơ quan trung ương xem xét, tạo điều kiện cho tỉnh vay 10.000 tỉ đồng từ ngân sách trung ương để cùng với các nguồn vốn hợp pháp của tỉnh để xây dựng 1 triệu căn nhà ở công nhân, nhà ở an sinh xã hội, thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và đầu tư.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia bất động sản cho rằng đề xuất của tỉnh Bình Dương có nhiều điểm không hợp lý, dân số cả tỉnh hiện nay khoảng 2,6 triệu người, trong đó hơn một nửa là dân nhập cư. Nếu xây 1 triệu căn nhà ở cho công nhân, nhà ở an sinh xã hội sẽ thừa ra rất nhiều.
Chuyên gia này cho biết thêm, ngay cả đô thị lớn như TP.HCM, quy mô dân số khoảng 10 triệu người thì đến nay toàn thành phố cũng chỉ có hơn 2 triệu căn nhà.
Còn về kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội, từ năm 2017 Indonesia đã có chương trình phát triển 1 triệu căn nhà giá rẻ, nhưng chương trình được triển khai tại 10 thành phố lớn của Indonesia, và mỗi đô thị họ cũng chỉ xây dựng khoảng 100.000 căn nhà.
Bên cạnh kiến nghị vay vốn trung ương làm nhà ở công nhân, nhà ở an sinh xã hội, UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị Thủ tướng có cơ chế đặc thù hỗ trợ địa phương như tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho tỉnh, chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng, phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, được vay vốn từ các nguồn phù hợp vượt hạn mức bội chi ngân sách địa phương, để có nguồn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, trong giai đoạn 2021-2025 tỉnh được giao 49.562 tỉ đồng vốn đầu tư công, nhưng chi phí đền bù giải phóng mặt bằng 3 dự án vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM (đoạn chạy qua Bình Dương), và cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (đoạn qua Bình Dương) đã lên tới 50.000 tỉ đồng, vượt khả năng cân đối của địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận