05/09/2022 10:29 GMT+7

Bình Dương vượt sóng, thúc đẩy tăng trưởng

BÁ SƠN
BÁ SƠN

Sau những biến cố lớn, lúc này Bình Dương rất cần sự đoàn kết, chung sức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân để khôi phục sản xuất, thúc đẩy đời sống của nhân dân.

Bình Dương vượt sóng, thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 1.

Nhà ở xã hội Becamex Định Hòa ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đang nỗ lực để cùng doanh nghiệp và người dân "vượt sóng", thúc đẩy các công trình giao thông kết nối vùng, xây thêm nhà ở xã hội... nhằm tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh, sinh sống tốt hơn.

Nhà đầu tư, người lao động trở lại

Những ngày đầu tháng 8-2022, ông Robert Wu - chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Sharp (Nhật Bản) - đã có mặt tại Bình Dương để gặp gỡ với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cùng cơ quan chức năng của tỉnh để trao đổi về kế hoạch mở rộng đầu tư. 

Đây là một trong nhiều tập đoàn nước ngoài đã quay trở lại Bình Dương sau dịch bệnh và có kế hoạch mở rộng sản xuất.

Với kinh nghiệm hơn 100 năm phát triển tại Nhật Bản và 14 năm đầu tư vào Việt Nam, đại diện Tập đoàn Sharp cho biết sẽ tiếp tục gắn bó với Bình Dương. 

Công ty Sharp Manufacturing Việt Nam tại Khu công nghiệp VSIP II-A (thị xã Tân Uyên) đi vào hoạt động từ tháng 8-2020, chuyên sản xuất hàng điện tử gia dụng. Công ty này chia sẻ sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh lên gấp 3 lần so với hai năm trước, nâng tổng doanh thu lên khoảng 3.150 tỉ đồng trong năm 2022.

Tương tự, Tập đoàn Lego (Đan Mạch) trong những tháng đầu năm đã công bố đầu tư một nhà máy "khổng lồ" trên diện tích 44ha, quy mô 1 tỉ USD tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) 3. 

Ông Carsten Rasmussen - giám đốc vận hành của Tập đoàn Lego - chia sẻ rằng chính những kế hoạch của Chính phủ Việt Nam về đầu tư mở rộng hạ tầng sản xuất năng lượng tái tạo và thúc đẩy hợp tác với các công ty đầu tư nước ngoài chất lượng cao, cùng sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền tỉnh Bình Dương là động lực để tập đoàn này quyết định xây dựng nhà máy tại đây. 

Nhà máy của LEGO là một trong những dự án lớn nhất đầu tư vào Bình Dương, tạo "cú hích", đánh dấu tín hiệu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh đã phục hồi, tăng trưởng trở lại. Hiện nay, cả nhà đầu tư và cơ quan chức năng Bình Dương đều rất nỗ lực để dự án có thể khởi động ngay chứ không phải công bố rồi "để đó".

Vừa qua, tại buổi khảo sát của lãnh đạo tỉnh Bình Dương với dự án Khu công nghiệp VSIP 3, nơi LEGO đặt nhà máy, ông Nguyễn Văn Lợi đã yêu cầu chủ đầu tư, đơn vị thi công mặt bằng phải đảm bảo tiến độ như cam kết, đến cuối tháng 8-2022 phải giao 24ha mặt bằng đầu tiên cho nhà đầu tư và một tháng sau bàn giao 20ha còn lại cho nhà đầu tư. 

Chứng kiến sự quyết tâm và những chuyển động tấp nập tại công trường, ông Preben Enef - tổng giám đốc Công ty TNHH công nghệ Lego Việt Nam - bày tỏ sự tin tưởng và cho biết bản thân tập đoàn này cũng cam kết giải ngân vốn đầu tư và đưa nhà máy vào hoạt động đúng cam kết từ giữa năm 2024, góp phần tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm cho địa phương.

Bình Dương vượt sóng, thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ phải sang) nghe trình bày về Khu công nghiệp VSIP 3 đang được triển khai tại Bình Dương - Ảnh: B.S.

Thúc đẩy hạ tầng, nhà ở xã hội

Để tạo ra những "cú hích" mạnh và bền vững cho tăng trưởng, tỉnh Bình Dương đang tập trung thúc đẩy các dự án "tạo lực" như đường kết nối, hạ tầng khu công nghiệp nhưng cũng đặc biệt quan tâm đến nơi "an cư lạc nghiệp" của người lao động.

Khoảng 20.000 căn nhà ở xã hội cho người lao động chính thức được chủ đầu tư là Tổng công ty Becamex IDC (vốn nhà nước chi phối, thuộc UBND tỉnh Bình Dương) tiếp tục triển khai tại phường Định Hòa, thành phố Thủ Dầu Một, với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính từ giữa tháng 3-2022. 

Các căn nhà ở xã hội được xây dựng mới sẽ kế thừa thành công của mô hình cũ với diện tích nhỏ (khoảng 30m² đến 50m²) và giá rẻ, vừa túi tiền để người lao động có thể "góp tiền thuê trọ thành nhà". Trước đó, đã có 47.500 căn nhà ở xã hội được hoàn thành, tạo chỗ ở cho hàng trăm ngàn người lao động.

Ông Võ Văn Minh cho biết mặc dù Bình Dương là một trong những tỉnh đi đầu về xây dựng nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, tới nay đã thu hút được 86 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích gần 200ha nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ ở của người dân. 

Sau bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua, các chính sách cho người lao động, trong đó đặc biệt là về chỗ ở thông qua các dự án nhà ở xã hội, là rất cần thiết để chăm lo và "giữ chân" người lao động.

Bình Dương vượt sóng, thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 3.

Sau khi các phòng học mới được đưa vào hoạt động, hàng trăm học sinh Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương không còn phải học trong các phòng cấp 4 cũ kỹ nữa - Ảnh: B.S.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cũng ưu tiên nguồn lực để hoàn thành nhiều công trình kết nối vùng như mở rộng quốc lộ 13 nối với TP.HCM, triển khai đường vành đai 3, 4 TP.HCM qua địa bàn tỉnh, xây cầu và đường nối với Tây Ninh, Đồng Nai...

Đối với quốc lộ 13 sẽ được mở rộng thêm hai làn xe về bên phải, hướng từ TP.HCM đi Bình Dương, để tuyến đường đạt quy mô 8 làn xe, nền đường rộng 40,5m. 

Dự án có tổng mức đầu tư 1.367 tỉ đồng. Việc mở rộng quốc lộ 13 cũng sẽ cộng hưởng với dự án mở rộng đường tỉnh 743 lên 6 làn xe sắp hoàn thành (từ ngã tư Miếu Ông Cù, tỉnh Bình Dương đến nút giao Sóng Thần, TP.HCM)...

Đối với đường vành đai 3 TP.HCM, những năm qua, tỉnh Bình Dương đã chủ động dựa theo quy hoạch và đã đầu tư đưa vào sử dụng 15,3km trong tổng số hơn 26km vành đai 3 đi qua địa bàn tỉnh. 

UBND tỉnh Bình Dương cho biết đang nghiên cứu các phương án huy động vốn và phương án bố trí cụ thể để làm vành đai 3 TP.HCM từ nhiều nguồn nhằm đảm bảo dự án đủ vốn, kịp tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ưu tiên các công trình xã hội
Sự phát triển của Bình Dương gắn rất chặt với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần vào sự phát triển của đất nước, là nơi "đất lành chim đậu" khi có tới quá nửa dân số của tỉnh là bà con từ các nơi khác tới làm ăn, sinh sống. Chúng tôi sẽ ưu tiên để hoàn thành các công trình kết nối vùng như quốc lộ 13, đường vành đai 3 và 4, cũng như các dự án hạ tầng khu công nghiệp mới như VSIP 3, khu công nghiệp khoa học công nghệ... để tạo "vốn mồi" thúc đẩy đầu tư. Ngoài ra, các công trình dân sinh lớn như nhà ở xã hội, dự án bệnh viện đa khoa tỉnh 1.500 giường... cũng sẽ được tập trung để sớm hoàn thành, mang lại lợi ích thiết thực cho người lao động.
Ông Võ Văn Minh (chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương)

Thêm nhiều trường học cho con em người lao động

Các khu đất để hoang hóa nay được di dời mộ để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như trường học, công viên... Đó là cách làm hay được nhiều địa phương tại Bình Dương đang thực hiện, trong đó tiêu biểu nhất là tại thành phố Thủ Dầu Một. 

Vừa qua, UBND thành phố Thủ Dầu Một đưa vào sử dụng hàng loạt trường học như: Trường mầm non Họa Mi, Trường tiểu học Phú Thọ (phường Phú Thọ), Trường tiểu học Phú Lợi 2 (phường Phú Lợi), Trường tiểu học Kim Đồng (phường Hiệp An), Trường mầm non Hoa Sen (phường Tương Bình Hiệp)... 

 Mỗi trường được xây dựng mới với quy mô khoảng 60 - 80 tỉ đồng/trường từ nguồn vốn xổ số kiến thiết hoặc vốn ngân sách, đáp ứng chỗ học mới cho hàng ngàn học sinh.

Đáng chú ý, nhiều trường học và công viên được xây dựng từ quỹ đất công hình thành từ việc di dời, cải tạo các nghĩa trang cũ. 

Như Trường mầm non Họa Mi (vừa khánh thành ngày 27-4) được xây dựng trên khu đất có tổng diện tích trên 7.600m² từ di dời nghĩa trang nhân dân trong hẻm đường 30-4, phường Phú Thọ. 

Các trường học khác cũng được xây dựng từ việc di dời các nghĩa trang như Trường tiểu học Định Hòa 2, Trường cấp II Phú Hòa...

Ông Trần Sĩ Nam - phó chủ tịch UBND thành phố Thủ Dầu Một - cho biết trước đây người dân có tập quán an táng tại nghĩa trang nhân dân xen kẽ trong khu dân cư hoặc trong vườn nhà, nhưng hiện nay do phát triển đô thị nên việc an táng này không còn được cho phép. 

Các nghĩa trang xen kẽ khu dân cư nếu để không sẽ hoang hóa, nên cơ quan chức năng đã phối hợp với nhân dân di dời các ngôi mộ vào nghĩa trang tập trung theo quy hoạch, tạo ra các quỹ đất lớn để triển khai các công trình công cộng, phúc lợi xã hội phục vụ người dân. 

Với cách làm hay như trên, rất nhiều trường học và công viên sạch đẹp, khang trang đã được đưa vào sử dụng tại Thủ Dầu Một, góp phần chỉnh trang đô thị của thành phố.

Đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành thông minh

09 - MAN HINH GIAM SAT

Màn hình giám sát với các số liệu trực quan tại Trung tâm điều hành thông minh tỉnh Bình Dương - Ảnh: B.S.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương và các cơ quan liên quan đã chính thức vận hành Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) và Cổng thông tin điện tử của Tỉnh ủy bên lề hội thảo "Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: thành tựu và triển vọng" diễn ra trong hai ngày 19 và 20-4 tại Trung tâm hội nghị và triển lãm Bình Dương.

Trung tâm giám sát, điều hành thông minh là một hệ thống công nghệ thông tin có chức năng thu thập cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị và xử lý, phân tích cho kết quả đầu ra đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị, lãnh đạo tỉnh...

Cổng thông tin điện tử Tỉnh ủy Bình Dương (www.tinhuybinhduong.vn) được xây dựng để cung cấp các thông tin về công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ tỉnh, thông tin về các hoạt động của thường trực cấp ủy, các thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bình Dương được vinh danh, tiếp tục dẫn đầu về thu hút đầu tư

Với những nỗ lực lớn, Bình Dương đã dần lấy lại được "phong độ" với những chỉ số cụ thể. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2022, Bình Dương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) với trên 2,5 tỉ USD (vượt địa phương đứng thứ hai là Bắc Ninh với 1,65 tỉ USD và TP.HCM với trên 1,3 tỉ USD)...

Bình Dương cũng tiếp tục được cộng đồng quốc tế ghi nhận với khát vọng tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng năng suất lao động, cải thiện thu nhập của người dân, doanh nghiệp thông qua đề án "thành phố thông minh" với sự tương tác của "Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp".

Giữa tháng 6-2022, Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) tiếp tục lần thứ tư liên tiếp (lần đầu tiên vào năm 2019) vinh danh Bình Dương là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu nhất thế giới (Smart 21) và là lần thứ hai vinh danh trong danh sách "Top 7 cộng đồng thông minh thế giới".

Ông Louis Zacharilla - đồng sáng lập Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới - cho biết để được công nhận là thành phố có chiến lược thông minh tiêu biểu, Bình Dương và các đô thị của thế giới phải đạt các tiêu chí khắt khe về độ phủ của kết nối băng thông rộng, bình đẳng trong tiếp cận kỹ thuật số, lực lượng lao động đổi mới sáng tạo, ủng hộ và khích lệ phát triển bền vững...

Cộng đồng thông minh thế giới có tới gần 200 thành viên là các thành phố, đô thị tiêu biểu của thế giới nên Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ có cơ hội rất tốt để quảng bá, kết nối với cộng đồng quốc tế.

BÁ SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp